“Ít tiền làm được mới giỏi”
Theo Bộ NN&PTNT, trong bối cảnh những khó khăn, thách thức được dự báo vẫn chưa giảm, nhưng do năm 2017 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020 nên ngành Nông nghiệp quyết định nâng cao một số chỉ tiêu chủ yếu và quyết tâm thực hiện.
Theo đó, năm 2017 ngành Nông nghiệp dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản khoảng 2,5-2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành: 3,0 - 3,2%; Kim ngạch xuất khẩu: 32,0 - 32,5 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng: 41,45%; Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới: 28-30%.
Phát biểu tại buổi Tổng kết năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, trong năm 2017 Bộ sẽ cố gắng thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, trong năm 2017 phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia (bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên); sản phẩm chủ lực thứ 2 là cấp tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm; sản phẩm thứ 3 là trục sản phẩm đặc sản của địa phương như rau hoa, dược…
“Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Ông Cường nói thêm, đối với từng sản phẩm quốc gia, sau này sẽ phân theo 3 cấp độ, Bộ trưởng chỉ đạo chung, từng đồng chí Thứ trưởng sẽ chỉ đạo các nhóm sản phẩm cụ thể. Theo đó, lãnh đạo Bộ, cứ 3 tháng một lần ngồi nghe tiến độ làm, các Thứ trưởng chỉ đạo doanh nghiệp, địa phương phải làm như thế nào. “Việc này cần rất ít tiền, nhưng vẫn làm được việc mới giỏi. Tiền nhiều nhưng không có phương pháp đúng chưa hẳn ra được việc”, ông Cường nói.
Về đẩy mạnh trục sản phẩm của địa phương, Bộ cho hay sẽ bàn sớm với một nhóm tỉnh để tập trung “thổi” thật mạnh sản phẩm của tỉnh bằng giải pháp tổng thể theo tinh thần có doanh nghiệp nòng cốt, có chính sách vào, có liên kết vào, có tổ chức phối hợp với địa phương, doanh nghiệp, về mặt thị trường quyết liệt trên từng nhánh. Về sản phẩm cấp địa phương, Bộ sẽ chỉ đạo để phối hợp gắn giữa củng cố HTX, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm có tính chất địa phương.
Tuyên chiến với thực phẩm bẩn
Một lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong năm 2017 cũng được Bộ NN&PTNT xác định là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thống kê của Bộ quản lý về nông nghiệp, hiện cả nước đã xây dựng được 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và TP HCM tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn.
Bộ NN&PTNT đánh giá kết quả đạt được lớn nhất trong năm 2016 là cơ bản xử lý, giải quyết dứt điểm chất cấm (Salbutamol và vàng ô) trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau đã giảm một cách đáng kể.
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát trên diện rộng, tồn dư thuốc BVTV trên rau có giảm nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản vẫn ở mức cao, chưa giảm một cách bền vững. Nguyên nhân cốt yếu là do việc quản lý vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuốc BVTV, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt chưa căn cơ để giảm thiểu việc lạm dụng sử dụng của người dân, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, đối với an toàn thực phẩm (ATTP), chúng ta phải có chiến lược, chương trình giám sát về giảm lượng vật tư, đặc biệt liên quan đến hóa chất đưa vào trong các sản phẩm nông nghiệp. Trước hết phải giảm thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, giảm dư lượng hóa chất, kháng sinh đối với tôm và hướng dẫn việc sử dụng thân thiện với môi trường.
Thứ trưởng Tám nhấn mạnh, trong chiến lược tái cơ cấu, cần phải xây dựng chiến lược nông nghiệp Việt Nam theo hướng ATTP, thân thiện với môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy 4 trọng tâm về năm cao điểm hành động về ATTP của 2016, đó là: hoàn thiện thể chế; trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về vật tư đầu vào; xây dựng các chuỗi liên kết có xác nhận, giới thiệu, kết nối với người tiêu dùng và tăng cường công tác thông tin truyền thông.