Nông dân học làm vải sạch
Thông tin phía Mỹ chấp thuận mở cửa cho 600 tấn vải của Việt Nam, với giá vải tại thị trường Mỹ khoảng 17 USD/kg đã khiến bà con vựa vải Lục Ngạn phấn chấn ngay những ngày đầu vụ. Cụ thể, phía Mỹ đồng ý cấp 10 mã vùng trồng cho trên 100 hộ nông dân ở 3 thôn (Kép 1, Ngọt và Phương Sơn) của xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) với diện tích trên 60ha.
Tại Bắc Giang, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh này tiến hành xây dựng một số vùng vải thiều rộng trên 10ha/vùng theo chuẩn xuất khẩu.
Trước khi có tin vui này, các hộ dân ở đây trồng vải theo kinh nghiệm truyền thống, đến kỳ thu hoạch lại trông chờ vào thương lái Trung Quốc. “Bán cho thương lái Trung Quốc thì vải không đòi hỏi chất lượng cao nhưng có lúc họ mua số lượng lớn với giá cao, song nhiều khi họ ngừng mua không thì cũng ép giá khiến vải chúng tôi trồng bị rớt giá thê thảm”- ông Trần Văn Lưu ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang cho biết.
Cũng theo hộ này, từ tháng 3/2015, diện tích vải của gia đình ông và các hộ trong thôn được quy hoạch vào vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, nông hộ còn liên kết thành lập nhóm sản xuất, phương thức sản xuất, vì thế cũng phải thay đổi theo hướng hiện đại, quy trình phải đạt chuẩn GlobalGap.
Theo tìm hiểu của PLVN, trong số 20.000ha trồng vải của Lục Ngạn, các chuyên gia Mỹ đã cấp mã vùng nguyên liệu cho 60ha, với 6 nhóm sản xuất gồm 109 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap. Theo đó, các hộ sản xuất tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có 5 hoạt chất Mỹ cấm là: Iproione, Cyphermethrin, Difennoconazole, Carbendazi, Chlorothaloni.
Anh Trần Văn Nam (xã Hồng Giang) có hơn 300 gốc vải thiều hiện được anh áp dụng trồng và chăm sóc theo chuẩn VietGAP. “Thay vì trồng và chăm sóc mang tính chất tự phát như trước đây, đến giờ người trồng vải chúng tôi đã phải học sản xuất vải sạch. Hàng ngày, phải ghi chép vào sổ nhật ký về chăm sóc. Nếu phun thuốc trừ sâu thì bao, bì phải bỏ đúng nơi quy định; dùng phân bón cũng phải theo hướng dẫn chi tiết”.
Hồi hộp trước ngày “bay”
Mùa vải thiều Lục Ngạn năm nay hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan. Dễ thấy nhất là sự chủ động vào cuộc của chính quyền các địa phương, người dân và doanh nghiệp thu mua.
Trung tuần tháng 5/2015, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn tại 5 nước là Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản cho huyện Lục Ngạn; đồng thời tiếp tục tiến hành đăng ký cho các thị trường khác như Mỹ, Nga, Úc, Singapore, Pháp…
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết đã chuẩn bị kỹ càng cho “chiến dịch” tiêu thụ vải thiều năm nay. Các khâu từ sản xuất, bảo quản cho tới tiêu thụ đều trong tầm kiểm soát.
Việc thị trường Mỹ “mở cửa” cho 600 tấn vải thiều của Việt Nam là một cơ hội tốt, phải nắm bắt ngay lập tức. Bởi trước khi diễn ra kỳ thu hoạch rộ, nhiều đoàn chuyên gia Nhật Bản, Mỹ cũng đã đến Lục Ngạn để khảo sát, với những ý kiến đánh giá hết sức khả quan cho cửa vào những thị trường được coi là khó tính nhất thế giới.
Đến thời điểm này, đã có 1/6 mã vùng sản xuất được phía doanh nghiệp đến ký cam kết thu mua. Vì vậy, người dân ở đây mong các cơ quan chức năng như Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nông hộ về công nghệ bảo quản sau thu hoạch để giữ được chất lượng sản phẩm sau khi ra thị trường tiêu thụ.
Ngoài việc tìm đường cho quả vải xuất ngoại, năm nay thị trường nội địa cũng được quan tâm hơn. Hiện vải tươi được tiêu thụ toàn quốc, trong đó tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Theo khảo sát tại một số chợ Nghĩa Tân, Kim Giang, Thành Công (Hà Nội)… thì giá vải thiều sớm từ giữa tháng 5, dao động từ 50 – 55 nghìn đồng/kg. Mặc dù mặt hàng này có giá khá cao so với hoa quả khác nhưng mức tiêu thụ vẫn rất mạnh.
Tín hiệu giá cả tại thị trường nội địa cộng với cửa ra cho quả vải tại thị trường Mỹ khá “sáng”... đang khiến cả vựa vải thiều lớn nhất miền Bắc những ngày này vừa vui vừa hồi hộp mong rồi đây thị trường tiêu thụ của mặt hàng này sẽ không còn bấp bênh...
Tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Trong số 20.000ha trồng vải của Lục Ngạn, các chuyên gia Mỹ đã cấp mã vùng nguyên liệu cho 60ha, với 6 nhóm sản xuất gồm 109 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap. Theo đó, các hộ sản xuất tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có 5 hoạt chất Mỹ cấm là: Iproione, Cyphermethrin, Difennoconazole, Carbendazi, Chlorothaloni.