Thiếu nhân lực ngành y
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, tính đến tháng 8/2022, địa phương này thiếu khoảng 60 đến 80 bác sĩ làm việc trong các cơ sở y tế công lập so với chỉ tiêu biên chế đã được giao.
Còn tại tỉnh Thái Nguyên, 8 tháng đầu năm 2022 cũng có 26 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Một số cơ sở vẫn thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Tại Bắc Kạn, tình trạng viên chức y tế xin thôi việc cũng diễn ra phổ biến. Điển hình như tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, một số nhân viên y tế đã xin chuyển công tác hoặc thôi việc. Bệnh viện đang thiếu các bác sĩ chuyên môn sâu các lĩnh vực tâm thần kinh, lao, bệnh phổi, da liễu, y học cổ truyền...
Chia sẻ ảnh hưởng của việc thiếu bác sĩ với báo Nhân dân cuối năm 2022, bà Đỗ Thị Chính - Trưởng phòng Tổ chức, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho rằng: Việc thiếu bác sĩ sẽ gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều bác sĩ phải làm việc quá tải cả ngày lẫn đêm, dẫn đến ảnh hưởng tới việc tái tạo sức lao động của bác sĩ.
Các chuyên gia y tế nhận định, việc thiếu đội ngũ bác sĩ đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện địa phương ảnh hưởng không nhỏ tới lộ trình phát triển, áp dụng các kỹ thuật cao phục vụ Nhân dân.
Giữ chân và thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao
Thực tế trên đặt ra yêu cầu các địa phương cần có chính sách thu hút, hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực y tế trong thời gian sớm nhất.
Ngành y tế tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức y tế |
Tại tỉnh Bắc Kạn, ngành y tế đã tiến hành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức y tế. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và đầu tư trang, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, điều trị.
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, ông Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết: “Sở đang từng bước triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng thêm nguồn thu nhập đối với nhân viên y tế, nhất là các bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu. Đồng thời, tiếp tục tuyển dụng, phân bổ số lượng người làm việc tại các đơn vị bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng hoạt động khám, chữa bệnh”.
Trước đó, Sở Nội vụ Bắc Kạn cũng đã tham mưu tỉnh xây dựng chính sách, cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh, trong đó có nhân viên y tế.
Đối với tỉnh Cao Bằng, một trong những giải pháp là liên kết với các Trường Đại học Y, Dược để đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học. Đào tạo bác sĩ với nhiều hình thức như: Đào tạo liên thông, đào tạo bác sĩ cử tuyển, theo địa chỉ hoặc theo nguồn nhân lực của địa phương.
Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành chính sách đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, thu hút và hỗ trợ học sinh tại địa phương theo học ngành y đào tạo theo địa chỉ, sau khi tốt nghiệp, sẽ trở về địa phương công tác.
Bên cạnh đó, địa phương cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh việc xếp thang bảng lương, mức lương khởi điểm đối với viên chức y tế cao hơn hiện nay; sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đãi ngộ cho công chức, viên chức ngành y tế phù hợp đặc thù nghề nghiệp.
Tương tự như tỉnh Cao Bằng, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên đang từng bước tập trung cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao chế độ đãi ngộ để thu hút những người có trình độ cao về địa phương công tác.