Bạc Liêu: Một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sụt lún nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do ảnh hưởng của hạn hán khiến mực nước trên các tuyến kênh rạch trên địa bàn huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) xuống thấp đã làm cho một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sụt lún nghiêm trọng, phát sinh 20 điểm tổng chiều dài trên 1.000 mét.
Một số tuyến đường trên địa bàn huyện Hồng Dân, bị sụt lún, sạt lở.

Một số tuyến đường trên địa bàn huyện Hồng Dân, bị sụt lún, sạt lở.

Ông Võ Văn Lễ - Bí thư Chi bộ ấp Ninh Tiến (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) cho biết: “Trên địa bàn ấp Ninh Tiến có 2 điểm sụt lún và sạt lở với chiều dài gần 400 mét và xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ khác... Từ nhỏ đến giờ chưa thấy tình trạng sụt lún nhiều như năm nay”.

“Trước đó, tuyến đường bê tông đã được đưa vào sử dụng thì người dân tại đây rất vui mừng. Hiện, sụt lún xảy ra như vậy thì người dân cũng mong các cấp chính quyền sớm khắc phục để người dân thuận lợi cho việc đi lại, học hành, buôn bán…”, ông Võ Văn Lễ nói.

Ngay sau khi sụt lún, chính quyền địa phương đã nhanh chóng cử lực lượng xuống để nắm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, mượn người dân một tuyến đường tạm để người dân có thể lưu thông. Đồng thời, cắm biển cảnh báo quanh khu vực bị ảnh hưởng và tiến hành các biện pháp khắc phục tạm, tránh gây ra thêm.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết: “Một số tuyến đường giao thông nông thôn sụt lún đã gây khó khăn cho việc đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn. Đối với những khu vực đã bị sụp lún, UBND huyện chỉ đạo địa phương khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn cho người dân, phương tiện… Đồng thời tăng cường kiểm tra hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn để kịp thời gia cố, sửa chữa các đoạn bị ảnh hưởng”.

Một số tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Hồng Dân bị chia cắt do sạt lở.

Một số tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Hồng Dân bị chia cắt do sạt lở.

Theo UBND huyện Hồng Dân, hiện trên địa bàn huyện có trên 4.000 ha lúa đang trong giai đoạn 35 - 40 ngày tuổi, các kênh tạo nguồn trên địa bàn đang xuống rất thấp, khiến cho việc cung cấp nước cho sản xuất của người dân trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Trong khoảng 10 ngày tới, nếu không có nguồn nước ngọt bổ sung thì khả năng các trà lúa sẽ bị ảnh hưởng rất cao. Đồng thời, cơn mưa lớn chiều 3/5, giúp cho các hộ dân sản xuất lúa Hè Thu bớt được lo lắng hơn trong những ngày sắp tới.

Để kịp thời bảo vệ các trà lúa của vụ Hè Thu sớm và khắc phục tình hình sụt lún, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị đến UBND huyện Hồng Dân khẩn trương chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện hướng dẫn người dân tuân thủ lịch thời vụ của ngành nông nghiệp.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các tuyến kênh, rạch hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích lúa Hè Thu sớm đã xuống giống của huyện. Đặc biệt, kiên quyết vận động các hộ dân tạm dừng xuống giống vụ Hè Thu sớm đối với phần diện tích còn lại trên 5.000 ha thuộc vùng ngọt ổn định của huyện.

Trước tình hình trên, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến nghị, cảnh báo của ngành trồng trọt không xuống giống lúa vụ Hè Thu 2024 ở các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, chỉ tổ chức canh tác khi có mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước đảm bảo.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Hồng Dân và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi diễn biến tình hình sụt lún ở các khu vực đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra ở địa bàn huyện để kịp thời có giải pháp ứng cứu, xử lý...