Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã xây dựng kế hoạch, ban hành chương trình hành động cụ thể và chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị.
![]() |
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Nam Định đã có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2021-2022 Nam Định hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố đã giảm 1.513 thôn, xóm, tổ dân phố; giảm 1.263 chi bộ và giảm 4.068 số người hoạt động chuyên trách và 9.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm, tổ dân phố. Giai đoạn 2023-2025 thực hiện theo Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nam Định tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Kết quả từ 10 huyện, thành phố giảm xuống còn 9 (8 huyện, 1 thành phố); 226 xã, phường, thị trấn giảm xuống 51 còn 175 đơn vị hành chính (trong đó 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn).
Đối với khối Đảng đã thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy giảm 2/8 phòng (giảm 25%). Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh và Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Thành lập Đảng bộ UBND tỉnh, Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy. Chuyển Đảng bộ Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định trực thuộc Tỉnh ủy thành Đảng bộ cơ sở về trực thuộc Thành ủy Nam Định. Kết thúc hoạt động các Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng cấp tỉnh (HĐND, UBMTTQ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh; các Ban Cán sự đảng: UBND tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh) và chuyển chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này về Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng bộ UBND tỉnh.
Đối với khối Chính quyền sau sắp xếp còn 12 sở, ngành, giảm 5 sở, ngành trong đó hợp nhất 10 sở gồm: Sở Kế hoạch & Đầu tư với Sở Tài chính (tên gọi là Sở Tài chính); Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng (tên gọi là Sở Xây dựng); Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với Sở Tài nguyên & Môi trường (tên gọi là Sở Nông nghiệp và Môi trường); Sở Thông tin & Truyền thông với Sở Khoa học & Công nghệ (tên gọi là Sở Khoa học và Công nghệ); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ (tên gọi là Sở Nội vụ). Sau hợp nhất, các sở đều giảm từ 25% đến 36,6% các phòng chức năng.
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động Qua hơn 7 năm triển khai, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, góp phần từng bước hiện thực hóa yêu cầu cấp thiết về cải cách tổ chức bộ máy trong tình hình mới. Từ đó, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động đã có chuyển biến tích cực. Tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ngày càng được đề cao.
Đến nay, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả cụ thể: Giảm đầu mối trung gian, tinh gọn bộ máy; Giảm biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ; Sắp xếp tổ chức Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; Đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Những bài học kinh nghiệm Dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, song quá trình triển khai Nghị quyết số 18 tại Nam Định cũng còn những khó khăn, vướng mắc như: mô hình kiêm nhiệm còn lúng túng; cán bộ dôi dư chưa bố trí hiệu quả; tư tưởng e ngại đổi mới. Tỉnh rút ra các bài học kinh nghiệm: cần quyết tâm chính trị cao; lấy hiệu quả phục vụ nhân dân làm thước đo; gắn tổ chức bộ máy với chức năng nhiệm vụ cụ thể; đẩy mạnh kiểm tra giám sát; phát huy vai trò người đứng đầu.
![]() |
Phát biểu về kết quả đạt được, ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định: “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 là quá trình liên tục, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt, sáng tạo và nhất là phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của nhân dân. Nam Định không chỉ chú trọng tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng phục vụ, tạo ra một nền hành chính phục vụ hiện đại, gần dân, sát dân. Những kết quả bước đầu là tích cực, song chúng ta xác định đây mới là chặng đầu của hành trình đổi mới, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, trên tinh thần cầu thị, thực chất và vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh”.
Nghị quyết số 18-NQ/TW là bước đi chiến lược trong quá trình xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị hiện đại, năng động, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Việc tổng kết nghiêm túc, khách quan, toàn diện là dịp để tỉnh Nam Định nhìn lại chặng đường đã qua, khẳng định những thành tựu, chỉ ra những điểm nghẽn và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, vì một bộ máy hành chính phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc một cách hiệu quả, thực chất.
Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã giúp Nam Định chuẩn bị sẵn sàng về thể chế, tổ chức bộ máy, nhân sự và phương thức điều hành để bước vào giai đoạn phát triển mới: sáp nhập tỉnh – tổ chức lại chính quyền – chuyển sang mô hình 2 cấp tinh gọn, hiệu lực cao. Đây không chỉ là thành tựu về tổ chức mà còn là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đổi mới vì sự phát triển bền vững, hiệu quả của địa phương trong thời kỳ mới.