Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm Du lịch của vùng ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạc Liêu là địa phương nổi tiếng với sản phẩm du lịch văn hóa gắn với Bản Dạ cổ hoài lang; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh...
Quảng trường Hùng Vương và Nhà hát Cao Văn Lầu (phường 1, TP Bạc Liêu), là điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước.

Quảng trường Hùng Vương và Nhà hát Cao Văn Lầu (phường 1, TP Bạc Liêu), là điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước.

Tổng thu dịch vụ du lịch khoảng 175 tỷ đồng

Ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Năm 2024 được xác định là năm “nước rút” thực hiện hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) của tỉnh.

Theo đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết liệt, tăng tốc trong thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực của Ngành, nhất là nhiệm vụ, giải pháp “Đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” - thực sự là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

“Ngay từ đầu năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm tham quan du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí,...

Các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2024 có bước chuẩn bị tốt nên đáp ứng được nhu cầu của du khách và nhân dân vui Xuân đón Tết trong không khí vui tươi, phấn khởi và an toàn” - ông Lý Vỹ Triều Dương cho hay.

Theo đó, trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, du khách trong nước và quốc tế đến Bạc Liêu tham quan, lưu trú tăng đáng kể. Đặc biệt, Bạc Liêu hiện có 11/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận. Đặc biệt, trong đó, có 9 điểm du lịch trên địa bàn TP Bạc Liêu.

Du khách chen chân tại khu vực tượng Phật Bà (Mẹ Nam Hải, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) thắp hương xin lộc đầu năm.

Du khách chen chân tại khu vực tượng Phật Bà (Mẹ Nam Hải, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) thắp hương xin lộc đầu năm.

Với kết quả trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ 29 đến hết Mùng 8 Tết), lượng khách du lịch đến Bạc Liêu đạt khoảng 335.000 lượt (bao gồm cả khách tham quan, du lịch nội tỉnh), tăng 11,7% so với năm 2023; trong đó, có khoảng 28.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú; khách quốc tế khoảng 6.000 lượt (bao gồm cả Việt kiều về quê ăn Tết). Tổng thu dịch vụ du lịch khoảng 175 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023; trong đó, thu từ khối dịch vụ nhà hàng - khách sạn - cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt khoảng 88 tỷ đồng.

Qua đó, du khách tập trung các khu, điểm tham quan vui Xuân như: Khu Quán âm Phật đài; Khu Biển nhân tạo và khu vui chơi thuộc Khu Du lịch Nhà Mát (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu); Khu nhà thờ Tắc Sậy (thị xã Giá Rai); Chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi); Quảng trường Hùng Vương (phường 1, thành phố Bạc Liêu); Điện gió Hoà Bình 1 (huyện Hòa Bình); Khu Công tử Bạc Liêu (phường 3, thành phố Bạc Liêu).

Tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu trong khu vực và cả nước

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bạc Liêu tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đối với địa bàn trọng điểm, động lực phát triển du lịch… để góp phần đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, Bạc Liêu tăng cường công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thị trường du lịch trọng điểm của cả nước, cũng như xúc tiến du lịch ở một số quốc gia đang có xu hướng thu hút mạnh khách du lịch đến các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, thường xuyên đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp khu vực, quốc gia và quốc tế để góp phần quảng bá hình ảnh, con người Bạc Liêu đến với du khách trong và người nước, cũng như thu hút khách du lịch.

Hiện nay, Bạc Liêu đang tập trung nghiên cứu, phát triển thêm các loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, qua đó, tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch, thu hút nhiều hơn du khách đến Bạc Liêu tham quan, trải nghiệm”.

Du khách từ các nơi đổ về viếng chùa Giác Hoa (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) để cầu may mắn, chụp ảnh trong năm mới.

Du khách từ các nơi đổ về viếng chùa Giác Hoa (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) để cầu may mắn, chụp ảnh trong năm mới.

Đánh giá về ngành du lịch của tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Du lịch Bạc Liêu liên tục có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, hàng năm lượng du khách tăng trung bình khoảng 15%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng hơn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu trong khu vực và cả nước...

Đặc biệt, trong năm 2023, Bạc Liêu đón tiếp khoảng 4,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân”.

Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 131 sản phẩm OCOP (trong đó có 33 sản phẩm đạt 4 sao và 98 sản phẩm đạt 3 sao), ngày càng đa dạng về mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu và thị hiếu của du khách. Cùng với định hướng tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hoá của địa phương, tin chắc rằng, các sản phẩm OCOP của Bạc Liêu sẽ ngày càng lớn mạnh, “phủ sóng” ngày càng rộng và mang lại nhiều giá trị hơn cho tỉnh Bạc Liêu.

Đọc thêm