Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, mục tiêu đến năm 2030 ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như, sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không, sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa; công nghệ cao và đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu và phát triển (R&D) trong khu vực Đông Nam Á.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy lợi thế có sẵn và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao, cụ thể là các dòng điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh. Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị sản xuất điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu; mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất và trở thành thủ phủ bán dẫn của Việt Nam.
Bà Vũ Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, “Bắc Ninh đặt ra mục tiêu thu hút những dự án “hạt nhân” mở ra triển vọng lớn trong ngành bán dẫn, điển hình tạo ra bước đột phá trong việc thu hút các tập đoàn lớn và tạo ra sự lan toả. Với những mục tiêu tập trung, đặc biệt là: Tập trung phát triển hệ thống hạ tầng, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 03 mũi nhọn đột phá tạo ra sự hấp dẫn với các nhà đầu tư”.
|
Bà Vũ Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 10/2024. |
Không chỉ đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của 16 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tổng diện tích 6.397,68 ha) mà còn có sự đồng bộ về hạ tầng xã hội phục vụ an sinh cho người lao động và hạ tầng giao thông để kết nối vùng (Đường vành đai 3, sân bay lưỡng dụng Gia Bình, Tân Cảng Quế Võ, ga đường sắt).
Mặt khác, Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh thực hiện quyết liệt việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “Hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các khu công nghiệp; nhân rộng mô hình “Một cửa tại chỗ” tại các khu công nghiệp, nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, hạn chế thời gian đi lại và các chi phí phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính.
Theo ông Nguyễn Đức Cao – Phó trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp, ngoài việc làm tốt những vấn đề trên, Bắc Ninh còn có nguồn lao động tương đối trẻ, đã qua đào tạo chiếm 72%, có khả năng tiếp cận nhanh chóng các công nghệ hiện đại cũng như trình độ quản lý tiên tiến, Tỉnh cũng định hướng phát triển các khu đại học thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế; hình thành và phát triển Khu đô thị đại học hiện đại, văn minh với hàm lượng cao về kinh tế tri thức. Trên địa bàn hiện có 3 khu làng đại học, trong đó khu Đại học 1 đã cơ bản được đăng ký lấp đầy, thu hút các trường đại học, cao đẳng từ Hà Nội góp phần đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp.
Tỉnh Bắc Ninh hướng đến mục tiêu phát triển mô hình khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái. Theo đó, nghiên cứu những giải pháp, khuyến khích doanh nghiệp khu công nghiệp áp dụng những công nghệ tiên tiến, chuyển đổi công nghệ, sử dụng năng lượng xanh, tuần hoàn, áp dụng số hóa trong quá trình sản xuất và quản lý.... thu hút những dự án có công nghệ cao, suất vốn đầu tư cao và sử dụng ít đất, ít lao động, bảo vệ môi trường tốt nhất là các dự án về công nghiệp bán dẫn, vật liệu mới, công nghiệp dược,... lựa chọn thu hút những dự án đầu tư theo các tiêu chí ‟hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một khôngˮ (Hai ít là sử dụng lao động và sử dụng đất ít. Ba cao là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao. Bốn sẵn sàng là: sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách và sẵn sàng hỗ trợ; một không là không ô nhiễm môi trường).
Đến nay đã có 1.464 doanh nghiệp FDI đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đã góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự xuất hiện của các doanh nghiệp, dự án FDI đã trở thành nhân tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhanh chóng của hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội như giao thông, điện, nước, viễn thông, đặc biệt là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; góp phần phát triển nhanh các khu đô thị, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại.
Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Nguyễn Đức Cao cho biết,“các doanh nghiệp FDI đóng góp, ủng hộ, tài trợ tích cực cho nhiều dự án đầu tư các công trình phúc lợi công cộng, các hoạt động văn hóa xã hội của địa phương, đặc biệt là ủng hộ quỹ “nối vòng tay nhân ái”, xóa nhà cấp 4 dột nát và các đợt phát động ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai… các chương trình ủng hộ của các doanh nghiệp FDI lớn như trao tặng học bổng, quỹ khuyến học của Tập đoàn Samsung, chương trình tặng xe đạp “Canon - Nâng bước chân em đến trường”.
|
Thêm vào đó, sự xuất hiện của các nhà cung ứng cho các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu tại khu công nghiệp Bắc Ninh đã đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước, các tập đoàn lớn và các tổ chức trên thế giới của tỉnh Bắc Ninh; tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tạo nên các giá trị phi vật chất (văn hóa, con người, ý thức và kỷ luật lao động...).
Bà Vũ Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù trong bối cảnh quá trình phục hồi kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn chậm, nhưng kinh tế của Bắc Ninh trong 10 tháng qua đã có những dấu hiệu khởi sắc: GRDP tăng 5,52%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tăng 7,5%, thu ngân sách nhà nước tăng 20,5%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 55,2 tỷ USD.
Có thể nói, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động, thì phát triển Khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái sẽ là lợi thế của Bắc Ninh để thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển bền vững, mang lại lợi ích to lớn cho các khu công nghiệp và cộng đồng dân cư xung quanh khu công nghiệp trên khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường.