Bắc Ninh: 'Quả ngọt' từ chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo - Bài 2: Tiên phong đổi mới, bứt phá vươn lên top đầu ngành giáo dục

(PLVN) -  Với những bước đi táo bạo và quyết liệt trong việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, Bắc Ninh đã không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, đưa giáo dục của tỉnh vươn lên vị trí tốp đầu trong cả nước, từ đó từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng nền giáo dục tiên tiến, toàn diện.

Vươn lên tốp đầu toàn quốc

Trong hành trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực cải cách toàn diện, từ nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới chương trình giảng dạy đến nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Kết quả, trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Ninh liên tục duy trì và giữ vững vị thế tốp 10 các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giáo dục đào tạo.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GDĐT trao giấy khen cho các CBQL, giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024. (Ảnh: Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh)

Bắc Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất. Toàn tỉnh hiện có 506 trường với hơn 372.000 học sinh ở các cấp học. Trong đó, có 466 trường công lập, chiếm tỷ lệ 92,1%. 126/126 xã/phường/thị trấn trong tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ cho cán bộ quản lý, giáo viên được chú trọng, tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu. Bắc Ninh hiện có hơn 17.800 biên chế cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trường học với tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn trình độ là 96,7%; trên chuẩn là 40,6%.

Cơ sở vật chất trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng đồng bộ và hiện đại. 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 100% (tăng 17,9% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia và tăng 4,5% tỷ lệ kiên cố hóa phòng học so với năm học 2013 - 2014).

Học sinh trường THPT Chuyên Bắc Ninh đoạt Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (ICHO) năm 2024. (Ảnh: Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh).

Công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm. Chất lượng Giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Đặc biệt trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Ninh luôn đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về điểm bình quân thi tốt nghiệp THPT; đứng thứ Nhất toàn quốc về tỷ lệ thí sinh dự thi đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Giai đoạn từ năm 2013 đến nay (2024), toàn tỉnh có 638 học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (chiếm 79.1% tổng số học sinh tham dự); 16 lượt học sinh đạt giải khu vực, quốc tế. Trong đó đạt 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc 7 huy chương đồng và 2 Bằng khen.

Qua đó, tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh Bắc Ninh, sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp GDĐT của tỉnh, sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự nỗ lực, phấn đấu học tập của các em học sinh.

Nhiều mô hình điển hình, có sức lan tỏa

Thực hiện Nghị quyết số 29, Nghị quyết 12, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, lan tỏa mạnh mẽ. Tại huyện Lương Tài, mô hình “Trường học an toàn giao thông” đã hình thành nên văn hóa xếp hàng trật tự tại cổng trường khi phụ huynh đón học sinh. Bên cạnh đó, mô hình “Thư viện xanh” với không gian đọc sách thân thiện, nhiều cây xanh và tủ sách mở đã khuyến khích học sinh tiếp cận văn hóa đọc và rèn kỹ năng sống thông qua các hoạt động sáng tạo.

Các mô hình như “Trung tâm học tập cộng đồng,” “Gia đình học tập,” và “Dòng họ học tập” tại các xã Mão Điền, Hoài Thượng, và Trí Quả huyện Thuận Thành cũng đã phát triển phong trào học tập trong cộng đồng một cách mạnh mẽ.

Ở huyện Gia Bình, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm cấp huyện, đặc biệt cho các khối lớp theo Chương trình GDPT 2018, đã nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Những buổi dự giờ, trao đổi và thống nhất phương pháp dạy học mới giúp các giáo viên triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh những mô hình giáo dục tiên tiến, nhiều giáo viên đã tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo và đổi mới quản lý, không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, trở thành tấm gương sáng cho học sinh.

Cô giáo Đỗ Thị Chuyên, giáo viên dạy môn Sinh học - Trường THCS Từ Sơn (thị xã Từ Sơn).
(Ảnh: NVCC)

Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là cô giáo Đỗ Thị Chuyên, giáo viên môn Sinh học tại Trường THCS Từ Sơn (thị xã Từ Sơn). Cô đã áp dụng thành công các phương pháp giảng dạy sáng tạo, kết hợp giữa công nghệ và giáo dục để giúp học sinh tương tác trực tiếp với bài giảng, cô Chuyên đã kết hợp việc sử dụng sách mềm và “Tư liệu dạy học điện tử” (sản phẩm do chính cô thiết kế và giành giải Nhất toàn quốc trong cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào năm 2022).

Bộ tư liệu dạy học điện tử này giống như một thư viện số, bao gồm tất cả các công cụ liên quan đến chủ đề giảng dạy. Ví dụ, với chủ đề sinh sản hữu tính ở thực vật, bộ tư liệu sẽ có các hình ảnh, video, các câu hỏi vận dụng, bộ câu hỏi đánh giá tương tác và sơ đồ “câm” - sử dụng các hình ảnh khuyết chú thích để kích thích tư duy và sự thích thú của học sinh trong mỗi giờ học.

Nữ giáo viên trẻ giành giải Nhất toàn quốc cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Theo cô giáo Chuyên, để học sinh chiếm lĩnh được tri thức, có 3 yếu tố quan trọng đó là niềm đam mê của học sinh – năng lực cá nhân và phương pháp giảng dạy. Cô Chuyên quan niệm giáo viên không chỉ là người truyền kiến thức mà còn là người hướng dẫn, giúp học sinh tự chủ trong việc tìm tòi, học hỏi.

“Khi học sinh có thể trực tiếp tương tác với bài giảng, như click vào hình ảnh để xem chú thích chi tiết, các em sẽ tiếp thu kiến thức một cách trực quan và sinh động hơn. Điều này không chỉ giúp các em hiểu sâu kiến thức mà còn tạo ra một môi trường học tập hấp dẫn và thú vị hơn”, cô Chuyên chia sẻ.

Bộ tư liệu dạy học điện tử này còn thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong bối cảnh ngành giáo dục phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khi việc dạy và học phải chuyển hoàn toàn sang hình thức trực tuyến. Nhờ có bộ tư liệu, mọi giáo viên và học sinh, bất kể vị trí địa lý, chỉ cần có kết nối internet là có thể tải về và sử dụng. Hiện nay, bộ tư liệu này đã được nhiều giáo viên trên cả nước áp dụng.

Sự tận tâm và phương pháp giảng dạy hiệu quả của cô Chuyên đã giúp đội tuyển học sinh giỏi do cô dẫn dắt đạt được nhiều thành tích nổi bật. Trong năm đầu tiên, 6/10 học sinh trong đội tuyển đã đạt giải, đưa trường THCS Từ Sơn đứng thứ 4 toàn tỉnh. Đến năm học 2022-2023, thành tích được nâng cao rõ rệt với 12/12 học sinh đạt giải, đưa trường lên vị trí dẫn đầu tỉnh. Năm học 2023-2024, cô và đội tuyển tiếp tục khẳng định vị thế khi cả 12/12 học sinh đều đạt giải, giữ vững ngôi vị số 1 toàn tỉnh.

Không chỉ cô Chuyên, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh – giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Thuận Thành 1 – cũng đã xuất sắc giành giải Đặc biệt trong cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh toàn quốc năm 2024 nhờ vào việc xây dựng các bài giảng điện tử môn Tiếng Anh sáng tạo và chất lượng, kết hợp với khả năng ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả. Những đóng góp của cô không chỉ giúp triển khai thành công việc dạy và học sách giáo khoa Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà còn góp phần xây dựng kho học liệu bài giảng Tiếng Anh chất lượng cao để các cán bộ quản lý, giáo viên và sinh viên trên toàn quốc có thể tham khảo và sử dụng.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Nguyễn Thị Bích Hạnh cũng như cô Chuyên cùng nhiều thầy cô giáo khác trong việc đổi mới giáo dục đã góp phần tạo nên những “quả ngọt” cho ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh. Sự sáng tạo, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô không chỉ mang lại sự thành công cho chính họ mà còn thúc đẩy phong trào đổi mới giáo dục trong toàn tỉnh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền giáo dục quốc gia.

Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 tại trường THPT Thuận Thành số 1. (Ảnh: NVCC).

Ngôi trường tiên phong trong chuyển đổi số và đổi mới giáo dục

Qua 10 năm thực hiện Nghị Quyết 29, trường THPT Thuận Thành 1 đã khẳng định vị thế của mình là một trong những ngôi trường hàng đầu về chất lượng giáo dục mũi nhọn và toàn diện tại tỉnh Bắc Ninh. Nhà trường không chỉ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn đặt mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh.

Nhớ về những ngày đầu hiện thực hóa Nghị Quyết 29, thầy Nguyễn Xuân Năng – Phó Hiệu trưởng trường THPT Thuận Thành 1 cho biết, ngay từ giai đoạn đầu, nhà trường đã tập trung vào ba nội dung chính: Nâng cao nhận thức của giáo viên về tầm quan trọng của Nghị quyết; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đảm bảo đủ số lượng giáo viên cho các môn học; Chú trọng môn Ngoại Ngữ theo tinh thần của Nghị quyết là đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Kết quả của những nỗ lực này là Trường THPT Thuận Thành 1 hiện nằm trong top đầu của tỉnh về số lượng học sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, với 100 học sinh đạt chứng chỉ trong năm học 2023-2024. Không chỉ tập trung vào tiếng Anh, nhiều học sinh còn học các ngoại ngữ khác như tiếng Hàn, tiếng Nhật... để đáp ứng yêu cầu đổi mới của thời đại.

Thầy Nguyễn Hữu Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành 1. (Ảnh: Huyền Trang)

Một trong những điểm sáng tạo nổi bật tại trường là việc chuyển đổi số trong giáo dục. Thầy Nguyễn Hữu Thanh – Hiệu trưởng nhà trường đã xây dựng mô hình “Đổi mới phương pháp và hình thức dạy học” dựa trên mô hình sư phạm 5E và 5C. Trong đó mô hình sư phạm 5E dành cho giáo viên gồm: kích thích sự tò mò, khám phá và hướng dẫn, giải thích, đào sâu kiến thức và đánh giá năng lực học sinh. Còn mô hình 5C dành cho học sinh tập trung vào phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, hợp tác, sáng tạo và sử dụng công nghệ.

Mô hình này không chỉ giúp giáo viên trở nên chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình giảng dạy mà còn “đánh tan” sức ỳ, tư duy cũ kỹ, ngại đổi mới của một số giáo viên. Học sinh cũng trở nên chủ động, say mê tìm tòi học hỏi hơn.

Bên cạnh đó, nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và nâng cao trình độ cho giáo viên. "Hiện nay, khoảng 50% đội ngũ giáo viên của trường đã đạt trình độ Thạc sĩ, đặc biệt là ở các môn học mũi nhọn. Trường luôn khuyến khích giáo viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo và áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là trong bối cảnh chương trình GDPT 2018 đang được triển khai" - thầy Năng cho biết.

Ngoài ra, Trường THPT Thuận Thành 1 còn đề cao việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình học sinh và xã hội để thúc đẩy đổi mới giáo dục. Nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với Hội cha mẹ học sinh, đồng hành cùng họ trong tất cả các hoạt động giáo dục, từ động viên học sinh trước các kỳ thi học sinh giỏi đến huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất.

Học sinh nhà trường sau khi tốt nghiệp THPT, có tới 90% học sinh học Cao đẳng, Đại học. Nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi do ngành GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ số và xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ cao là những yếu tố then chốt tạo nên sự thành công vượt trội của nhà trường. Trường THPT Thuận Thành 1 đã trở thành ngọn cờ đầu trong ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Khơi dậy khát vọng đổi mới và phát triển giáo dục toàn tỉnh

Đọc thêm