Bác sĩ Hồi sức tích cực 'chạy đua' từng phút cứu bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Bệnh nhân chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực đều là bệnh nhân nặng, có những khi chúng tôi phải đưa ra quyết định trong vòng vài phút, chạy đua với thời gian để cấp cứu bệnh nhân”, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chụp ảnh cùng bệnh nhân đã khỏi bệnh.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chụp ảnh cùng bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Một quyết định ảnh hưởng đến một tính mạng con người

14h một ngày cuối tháng 2, tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Phạm Văn Phúc vừa kiểm tra các bệnh nhân nằm điều trị trong khoa vừa nhắc nhở các điều dưỡng theo dõi, chăm sóc bệnh nhân. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Phúc cho biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi tiếp nhận và điều trị toàn bộ bệnh nhân mắc các bệnh lây nhiễm như: COVID-19, cúm, sốt xuất huyết, HIV…, do đó, nguy cơ lây nhiễm rất cao, đặc biệt với các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực tiếp xúc với các nguy cơ lây nhiễm gần như hàng ngày.

Ngoài ra, bệnh viện cũng đã mở rộng hoạt động đa khoa, với các khoa khác như ngoại sản, ung thư..., đòi hỏi các bác sĩ luôn cần phát triển chuyên môn để có thể phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Các bác sĩ hồi sức không chỉ làm việc với những bệnh nhân truyền nhiễm mà còn làm việc với những bệnh nhân hậu phẫu phức tạp, cần điều trị chăm sóc tỉ mỉ, phối hợp nhiều chuyên khoa mới có thể giúp bệnh nhân hồi phục.

“Ngày mới về công tác tại khoa, tất cả y, bác sĩ đều lo lắng. Tuy nhiên, khi tiếp nhận công việc, các bác sĩ, điều dưỡng, bác sĩ nội trú... đều được hướng dẫn kỹ, được trang bị đồ bảo hộ để phòng tránh nguy cơ lây bệnh từ bệnh nhân nên chúng tôi cũng yên tâm hơn”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Bác sĩ Phúc cho biết, anh ra trường từ năm 2014, học nội trú ngay tại viện, rồi sau đó trở thành bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Áp lực khi đi làm, tinh thần trách nhiệm của một bác sĩ khác hẳn so với những gì anh tưởng tượng ở thời sinh viên.

Bác sĩ Phúc tâm sự: “Những năm tháng đầu tiên về khoa phải học rất nhiều thứ. Bởi kiến thức hồi sinh viên chỉ là nền tảng, khi vào khoa phải học từ các thầy, những anh/chị đi trước rồi học trên từng bệnh nhân. Có nhiều thời điểm bản thân cũng thấy bế tắc, bởi có quá nhiều kiến thức cần phải học rồi phải chịu trách nhiệm về tính mạng của bệnh nhân. Những lúc ấy chỉ muốn có thêm thời gian để học thêm nhiều thứ hơn để khi bắt tay vào công việc đỡ bỡ ngỡ hơn”.

Khi trở thành bác sĩ, trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân, phải chịu trách nhiệm quyết định liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt với bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực, một quyết định có thể ảnh hưởng đến một tính mạng con người. Có những quyết định chỉ trong vòng vài phút, nếu quyết định đó đúng thì bệnh nhân được cứu sống, nếu quyết định sai không còn cơ hội để sửa. Bác sĩ Phúc phải mất 2 năm đầu để bắt nhịp dần với công việc.

Nhớ lại kỷ niệm sâu sắc nhất kể từ khi làm bác sĩ, anh Phúc kể, cách đây vài năm có một bệnh nhân HIV khá nặng vào viện, những trường hợp thế này tiên lượng có thể tử vong bất cứ lúc nào. Anh đã phải đấu tranh rất nhiều để đi đến quyết định đặt thở máy cho bệnh nhân.

“Khi kiểm tra cho bệnh nhân, tôi thấy còn có thể cứu sống bệnh nhân được, nên đã đặt thở máy. Lúc đó tôi phải đấu tranh rất nhiều, cuối cùng quyết định cố hết sức, "còn nước còn tát". May mắn là bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, hồi phục dần có một cuộc sống khá bình thường”, bác sĩ Phúc nhớ lại.

"Mỗi ngày đi làm đều có bệnh nhân khỏi bệnh là thành công của chúng tôi", bác sĩ Phúc chia sẻ.

"Mỗi ngày đi làm đều có bệnh nhân khỏi bệnh là thành công của chúng tôi", bác sĩ Phúc chia sẻ.

Những tháng ngày không quên

Khi chính thức trở thành bác sĩ, thời điểm căng thẳng nhất với anh Phúc là khi tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, có những ngày khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận cả chục bệnh nhân nặng.

Bác sĩ Phúc hồi tưởng: “Hồi dịch COVID-19 bùng phát, lúc đỉnh điểm của dịch, một tuần tôi có hai buổi trực, mỗi đêm trực có khoảng chục bệnh nhân nặng, chúng tôi phải chia hai khu cho bệnh nhân thở máy, vậy là tôi cứ như con thoi, chạy qua chạy lại giữa hai phòng để theo dõi, cấp cứu cho bệnh nhân. Cả buổi không có cả thời gian ngồi nghỉ nữa, cứ tranh thủ theo dõi bệnh nhân rồi lại làm giấy tờ. Nhiều bác sĩ ở thời điểm đó vì quá căng thẳng nên đã ốm, cá biệt có những bác sĩ ốm và phải nghỉ cả chục ngày để điều trị và phục hồi sức khỏe. Tôi cũng sút mất 5kg, đây là hai tháng căng thẳng nhất trong cuộc đời làm bác sĩ của tôi cho đến thời điểm này”.

Với mọi người, khi thực hiện giãn cách xã hội có thể cảm thấy mọi thứ bình yên hơn nhưng trong bệnh viện là một "cuộc chiến", bởi bệnh nhân nặng được chuyển vào viện liên tục và các y, bác sĩ vừa phải căng mình chăm sóc vừa "căng não" điều trị cho bệnh nhân.

Đứng trước nguy cơ lây nhiễm, bác sĩ Phúc giấu bố mẹ khi trực cấp cứu bệnh nhân COVID-19 để gia đình bớt lo lắng. May mắn vợ của anh đã hiểu và thông cảm cho công việc của anh. Chị và con là nguồn động viên lớn nhất giúp anh vượt qua những ngày tháng căng thẳng ấy.

“Đôi lúc cũng cảm thấy vợ con thiệt thòi, vì khi cả xã hội cách ly, chỉ có mỗi hai mẹ con ở nhà, tôi thì trực cấp cứu và ở lại luôn tại viện. Thậm chí có những ngày hai mẹ con hết thực phẩm, phải nhờ đến Ban quản lý chung cư “tiếp tế”. Lúc ấy tôi cũng tự trách mình rất nhiều vì không thể giúp đỡ vợ con. Nhưng rồi may mắn vợ tôi hiểu và thông cảm, những ngày tháng ấy cũng dần qua đi”, bác sĩ Phúc tâm sự.

Bên cạnh niềm vui khi cứu sống bệnh nhân là nỗi buồn do nỗ lực không có kết quả tốt. Có một trường hợp mỗi khi nhắc đến bác sĩ Phúc lại áy náy, đó là một sản phụ mắc COVID-19 rất nặng, mang thai đôi ở tuần thứ 26. Khi bệnh nhân vào viện, bác sĩ Phúc cùng các bác sĩ khác trong khoa cũng phải cân nhắc rất nhiều, cứu mẹ hay cứu các bé, bởi tuổi thai còn nhỏ, nếu trực tiếp mổ bắt con thì khả năng em bé sống sót rất thấp. Cuối cùng sau 3 tuần cố gắng, cơ thể sản phụ yếu dần, các bác sĩ phải tiến hành mổ bắt thai. Song dù đã cố gắng hết sức nhưng sản phụ và một em bé vẫn không qua khỏi...

“Tôi là người thông báo cho người nhà bệnh nhân, cảm giác cực kỳ khó xử, không biết nên nói như thế nào...”, bác sĩ Phúc bùi ngùi nhớ lại.

Khi được hỏi về điều bản thân mong muốn nhất, bác sĩ Phúc bày tỏ: “Tôi mong rằng tất cả những bệnh nhân điều trị của tôi đều khỏi bệnh, đó là niềm vui và hạnh phúc và cũng là nguồn động lực để chúng tôi để tiếp tục hành nghề cứu người. Mỗi ngày đi làm đều có bệnh nhân khỏi bệnh là thành công của chúng tôi”.

Đọc thêm