Ở tuổi 84, bác sĩ Anna Konopka chưa bao giờ sử dụng máy tính. Tại phòng khám riêng của bà, món đồ công nghệ duy nhất là chiếc điện thoại trên bàn làm việc; hồ sơ bệnh nhân được chép tay và cất trong hai tủ tài liệu. Suốt nhiều năm, Konopka tin tưởng tuyệt đối phương pháp làm việc không thiết bị điện tử. Song cũng vì lý do này, bà đã bị tòa án tước giấy phép hành nghề.
Anna Konopka bị tước giấy phéphành nghề vì không biết dùng máy tính. Ảnh:CNN. |
Theo Fox News, tòa án New Hampshire chỉ ra Konopka không thể đáp ứng yêu cầu về lưu trữ hồ sơ, kê đơn thuốc cũng như tiếp cận các chương trình giám sát thuốc quốc gia. Tháng 10, Konopka bị tước giấy phép hành nghề. Bà nhanh chóng xin được cấp lại nhưng ngày 15/11, thẩm phán bác bỏ đề nghị này.
Trên thực tế, Konopka từng đối mặt với nhiều cáo buộc. Năm 2014, bố mẹ một bệnh nhi hen suyễn bảy tuổi khẳng định nữ bác sĩ đã kê đơn quá liều và không cho bé điều trị bằng steroid dạng hít. Tháng 5, Konopka đưa ra lời xin lỗi song nói rằng không bao giờ có ý định hại bệnh nhi mà chính mẹ bé không tuân thủ chỉ dẫn dùng thuốc. Ít lâu sau, bốn đơn tố cáo nữa xuất hiện.
Trước khi các rắc rối diễn ra, Konopka sở hữu một phòng khám ở New London với lượng bệnh nhân ổn định. Khách hàng của bà chủ yếu là những người bị các chứng bệnh phức tạp như đau mạn tính. Nữ bác sĩ cũng tiếp nhận người bệnh nghèo khổ, không bảo hiểm. Bà cho biết chỉ thu 50 USD tiền khám nên không đủ chi phí thuê y tá, thư ký hay luật sư bào chữa.
Tin rằng máy tính "không phục vụ bệnh nhân" đồng thời "phá hoại quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh", Konopka kiên quyết từ chối sử dụng công cụ này. Bà chia sẻ bệnh nhân thích cách làm việc của mình hơn đội ngũ y tế trong những bệnh viện lớn. "Họ suốt ngày nhìn màn hình để rồi phụ thuộc vào chúng thay vì tin tưởng bản thân", Konopka chỉ trích.
Trong lá thư gửi tới hãng thông tấn CNN, Jill Beaudry từng được Konopka khám chữa nhận xét nữ bác sĩ rất quan tâm chăm sóc người bệnh mà không màng tới tiền bạc. "Bà ấy là bác sĩ tốt nhất của tôi", Beaudry bày tỏ. "Những bác sĩ khác chỉ cắm đầu vào máy tính, họ thậm chí chẳng thèm nhìn ai. Tôi ghét điều đó bởi như vậy đâu phải chữa trị. Konopka thì tập trung 100% cho bạn".
Hiện 30 bệnh nhân của Konopka đã viết thư xin tòa án xem xét lại phán quyết. Nữ bác sĩ dự định sẽ sử dụng máy tính để cập nhật thông tin.