Tự “cắt đứt” giờ vàng chữa trị nhờ tin mạng xã hội
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết ông gặp không ít trường hợp bệnh nhân mắc ung thư sớm nhưng lại không tìm đến cơ sở y tế chữa trị mà nghe theo những phương pháp chữa trị không chính thống để rồi bỏ lỡ cơ hội được cứu sống. Gần đây, mạng xã hội tiếp tục lan truyền phương pháp kiềm hóa máu vào cơ thể để trị ung thư, dùng sodium bircarbonate vì rẻ tiền và dễ uống. Điều trị ung thư bằng cách này không gây đau đớn, thậm chí họ còn khuyên những người mắc bệnh “không cần chữa bệnh, chỉ cần sửa chữa những sai lầm hàng ngày như hành động, tư tưởng, ăn uống sai quy luật vũ trụ, tự nhiên bệnh tật sẽ giảm dần và hết hẳn, mọi người hãy ăn 100% thực phẩm tạo kiềm để máu và nước trong cơ thể pH = 7,4 mọi bệnh dùng đến kháng sinh sẽ không còn, pH = 8,5 ung thư chết”. Dưới góc độ khoa học điều này hoàn toàn không có cơ sở.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị C. 52 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội khi biết mình bị ung thư vú giai đoạn 2. Mặc dù được các bác sĩ tư vấn hướng điều trị nhưng bà C đã quyết định không theo Tây y mà nhờ người cùng làng mua thuốc lá của bà lang trên miền núi với lời quảng cáo “nhiều loại ung thư như gan, phổi, vú hay ung thư não đắp lá vào còn khỏi tiệt”. Sau một tháng điều trị bằng phương pháp đắp lá bà C nhập viện trong tình trạng ngực bên phải sưng phồng, lở loét, nhiều chỗ máu và mủ dính bết thành những vệt dài. Bà C cho biết, chỉ vì chữa bệnh theo kiểu truyền miệng nên bà đã phải gánh chịu nỗi đau đớn này.
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mù quáng tin vào một số phương pháp chữa trị ung thư lan truyền trên mạng xã hội và đã dẫn đến cái kết buồn. Có đến Bệnh viện K ngồi bắt chuyện với người nhà các bệnh nhân mới thấy có vô vàn cách chữa ung thư theo kiểu truyền miệng. Ăn gạo lứt, gạo dược liệu, lá đu đủ,... là cách mà hầu như bệnh nhân nào cũng háo hức muốn làm theo. Họ không hay biết rằng, những phương pháp chữa ung thư không có cơ sở khoa học đó đã vô tình khiến họ đầu hàng với căn bệnh này.
Các bác sĩ lý giải, vẫn có thể một số trường hợp may mắn khỏi bệnh nhưng đó chỉ là hy hữu. Thêm nữa vẫn có một số ít người bị ung thư nhưng sau đó bệnh không tiến triển do cơ thể tự khắc chế, những trường hợp này vì thế chưa chắc là do dùng các loại thảo dược mà khỏi bệnh.
Ung thư là bệnh ác tính của tế bào, hay di căn nên việc điều trị ung thư ở tất cả các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều phải dựa vào cơ sở khoa học hết sức chặt chẽ. Người mắc ung thư phải được điều trị theo phác đồ mang tính khoa học, mỗi loại ung thư và mỗi giai đoạn của bệnh đều có phác đồ cụ thể, chính vì thế việc chữa ung thư bằng các phương pháp chưa nghiên cứu cần phải được cân nhắc. Hơn nữa, bất cứ loại thuốc nào đưa ra thị trường phải tiến hành theo 3 bước, bao gồm nghiên cứu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật - thử nghiệm trên người tình nguyện theo dõi trong thời gian 5 năm. Cuối cùng, sau khi thuốc được hội đồng thẩm định đánh giá có hiệu quả, đơn vị đứng ra nghiên cứu mới xin đăng ký bản quyền và đưa ra thị trường.
Hóa trị đóng vai trò chính trong điều trị ung thư
Trong thực tế, các bác sĩ khi tiếp cận với các bệnh nhân ung thư thì người bệnh thường hay giấu bệnh của mình, không tin vào khoa học, sợ phải phẫu thuật, sợ phải dùng hóa chất nên đã dùng các loại thuốc của các lang băm, các phương pháp bí truyền không có cơ sở khoa học. Chỉ khi bệnh nặng quá mới đến bệnh viện, thậm chí có những trường hợp dùng thuốc nam, sau đó bị suy thận, suy gan, di căn khắp nơi mới đến bệnh viện. Hầu hết các bác sĩ đều cho rằng mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết. Quan trọng là bệnh nhân không được bỏ dở liệu trình điều trị của các bác sĩ để đi theo các cách chữa bệnh khác.
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, hiện tại tỷ lệ chữa bệnh ung thư ở Việt Nam không cao như các nước phát triển bởi lẽ hầu hết các người bệnh ở Việt Nam đến khám và chữa bệnh ở giai đoạn muộn. Theo thống kê có tới trên 70% người bệnh đến khám và chữa trị bệnh ở giai đoạn muộn, đây là giai đoạn rất khó để chữa khỏi. Khả năng chữa khỏi của bệnh ung thư phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát hiện và chữa bệnh sớm hay muộn, càng chữa sớm tỷ lệ khỏi bệnh càng cao và ngược lại.
Điều trị ung thư bao gồm nhiều phương pháp: phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc,... việc dùng một hay nhiều phương pháp tùy thuộc vào từng loại ung thư và từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, hóa trị đóng vai trò chính trong điều trị rất nhiều loại ung thư điển hình là ung thư máu và ung thư hạch. Đây là biện pháp chính chữa khỏi nhiều loại ung thư. Bên cạnh đó hóa trị có tác dụng điều trị hỗ trợ và kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, để dùng thuốc như thế nào cho hợp lý thì tùy thuộc vào kinh nghiệm của thầy thuốc. Bởi lẽ bên cạnh việc diệt tế bào ung thư thì hóa chất cũng ảnh hưởng đến một số tế bào lành như tủy xương, tế bào tiêu hóa. Từ đó gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, rụng tóc, tuy nhiên nếu dùng thuốc đúng liều, đúng chỉ dẫn thì các tác dụng phụ này hoàn toàn có thể kiểm soát được nhờ một số biện pháp hỗ trợ. Để dùng hóa chất đúng đòi hỏi thầy thuốc phải có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu về chuyên khoa.
Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế khám chữa, các hiệp hội ung thư uy tín. Đặc biệt bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học.