Bị đau lưng, tê mỏi chân, ông Nguyễn Văn Nghệ (53 tuổi, ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, Tp.HCM) tìm đến bác sỹ để chữa bệnh. Bán hết cả sản nghiệp để thuốc thang, bệnh tình không những không thuyên giảm, mà còn trầm trọng hơn. Tổn hại 85% sức khỏe sau khi được bác sỹ "chăm sóc", ông đã đệ đơn khởi kiện tại tòa án.
Bệnh viện công “giới thiệu” bệnh nhân đến phòng mạch tư
Năm 2005, ông Nghệ bị đau lưng, tê mỏi ở hai chân, nguyên nhân là do có một khối u nhỏ bẩm sinh ở vùng thắt lưng. Ông đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, các bác sĩ cho biết nếu phẫu thuật sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Nghệ phải ngồi xe lăn vĩnh viễn do di chứng sau hai ca mổ. |
Có bệnh phải vái tứ phương, ông Nghệ tìm đến Bệnh viện Vật lý vi sinh, tại đây họ nói không điều trị được, và giới thiệu cho ông số điện thoại của bác sĩ Võ Xuân Sơn, lúc đó đang công tác ở Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, vị này bảo ông Nghệ đến phòng mạch của mình ở Quận 5 để khám.
Nghe bác sĩ Sơn tự tin về khả năng mổ u mỡ giỏi, người bệnh rất vui mừng. Bác sĩ Sơn hẹn ông đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn ITO để bác sĩ Sơn trực tiếp mổ. Ông Nghệ đóng gần 14 triệu đồng cho ca mổ này. Sau phẫu thuật, ông Nghệ vẫn đến thăm khám, mua thuốc uống đều đặn và tự luyện tập theo chỉ định của bác sĩ Sơn.
Thế nhưng sau 3 năm, đôi chân của ông Nghệ ngày một yếu dần. Thấy vậy, bác sĩ Sơn yêu cầu mổ lại với lời hứa sẽ đưa đôi chân ông Nghệ trở lại bình thường. Gia đình ông Nghệ chạy vạy khắp nơi để lo cho đủ gần 30 triệu đồng nữa để mổ lại tại Bệnh viện STO Phương Đông vào cuối tháng 6/2008, người mổ vẫn là bác sĩ Sơn.
Bán nhà, vay 1 tỷ đồng chạy chữa vẫn không khỏi
Sau lần mổ thứ hai, ông Nghệ phải điều trị phục hồi sức khỏe, thăm khám, thuốc thang… vô cùng tốn kém. Đầu tiên, bác sĩ Sơn giới thiệu ông Nghệ đến Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng để điều trị phục hồi. Sau bốn tháng điều trị tại đây, kết quả chẳng khả quan nên ông được nơi này chỉ định làm thêm hai cái nẹp chân (từ bắp đùi tới hai bàn chân) và hai cây nạng.
Thấy không bớt, ông lại đến khám ở chỗ bác sĩ Sơn thêm 3 lần nữa trong năm 2009. Mỗi lần khám mất hơn một triệu đồng gồm tiền xét nghiệm máu, siêu âm…
Tuy nhiên, từ năm 2011 tới nay ông Nghệ đã phải ngồi xe lăn vĩnh viễn vì bệnh tình ngày càng nặng, hễ chống nạng đi lại là bị ngã.
Về sau, thấy bác sĩ Sơn không muốn điều trị cho mình nữa, ông Nghệ yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ về tài chính nhưng bác sĩ Sơn không chịu.
Tháng 9/2010, ông tìm tới Hội đồng Giám định y khoa Tp.HCM để giám định và được xác nhận mất tới 85% sức lao động. Cuối cùng, bệnh nhân kiện bác sĩ Sơn ra tòa.
Đòi 3 tỷ, được 44 triệu đồng
Chiều 26/4 vừa qua, Tòa án nhân dân Quận 10 (Tp.HCM) tuyên án sơ thẩm vụ ông Nghệ kiện bác sĩ Sơn đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Theo đó, bác sĩ Sơn phải bồi thường cho ông Nghệ tiền mất thu nhập từ tháng 1/2009 đến nay là 52 tháng lương tối thiểu, theo mức lương tối thiểu 850.000 đồng/tháng (hiện mức lương tối thiểu là 1,05 triệu đồng/tháng), tổng cộng là 44,2 triệu đồng (trong khi ông Nghệ đòi bồi thường phần này là 655 triệu đồng).
Ngoài ra, tòa buộc bác sĩ Sơn phải hỗ trợ ông Nghệ mỗi tháng 850.000 đồng kể từ ngày án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Còn lại, Tòa bác tất cả các yêu cầu khác của ông Nghệ như: Bồi thường tiền thuốc, chi phí điều trị, tiền sinh sống đến khi chết, cấp dưỡng nuôi con (ông Nghệ còn một con trai mới 17 tuổi), tổn thất tinh thần, tiền công thuê người chăm sóc… hơn 2,6 tỷ đồng.
Căn nhà nhỏ của ông Nghệ nằm sâu trong một con hẻm sâu gần chợ Thủ Đức. Trước đây cơ sở nước tinh khiết của ông thu nhập được mỗi tháng 5 triệu đồng, đủ nuôi 5 miệng ăn, do ông bị liệt phải ngưng kinh doanh từ đầu năm 2009 tới nay. Vợ ông phải bươn chải ra chợ Linh Trung bán quần áo kiếm tiền nuôi chồng con.
Ông Nghệ buồn rầu nói: “Hai chân tôi đã bị liệt hoàn toàn, sinh hoạt vợ chồng cũng không còn nên hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tòa chỉ tuyên bác sĩ Sơn bồi thường cho tôi có vài chục triệu đồng thì làm sao đủ bù đắp những thiệt hại về vật chất, tinh thần mà tôi đã và đang gánh chịu?.
Tôi cũng chẳng còn tiền để thuê luật sư, bệnh tật hành hạ, nhiều lúc nghĩ quẩn tôi chỉ muốn chết cho xong. Nhưng nghĩ lại tôi thấy mình phải sống để đi đòi công lý cho mình. Tôi sẽ kháng cáo để mong cấp phúc thẩm trả lại công bằng”.
Theo Xa lộ Pháp luật