Bài 1: “Ngoại giao cây tre” và hoa sen - Sức mạnh mềm của dân tộc ta

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ hàng nghìn năm trước đến thời đại Hồ Chí Minh, nghệ thuật đối nhân xử thế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta vẫn luôn có nét đặc trưng riêng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, đó là “Ngoại giao cây tre” - sức mạnh mềm của dân tộc ta.
“Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…/ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.
“Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…/ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.

Mềm mại, bất khuất

Hình tượng đẹp của cây tre luôn gắn bó với con người, làng quê cũng như gắn chặt với truyền thống dân tộc, đặc biệt là bản sắc nền ngoại giao Việt Nam, nền ngoại giao Hồ Chí Minh vốn được đúc rút, kế thừa từ hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc ta. Ngày nay, giữa thời đại 4.0, đất nước ta đang từng ngày, từng giờ hoà nhập, đổi mới để phát triển, chính sách ngoại giao, hợp tác cũng vì thế mà linh hoạt, đa dạng hơn.

Chẳng biết từ bao giờ, cây tre đã đi vào thơ, văn, là hình ảnh để ông cha ta đúc rút ra những câu ca dao, tục ngữ răn, dạy các thế hệ sau. Nhà thơ Tế Hanh, tức cảnh để rồi viết thành “nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Cây tre thân thuộc, gắn bó hàng ngày và ghi dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Bởi vậy, nếu chỉ nhắc đến 2 chữ ngoại giao thì đa phần người dân sẽ nghĩ đến một điều gì đó rất cao xa, triết lý, nhưng khi nó được gắn với 2 chữ cây tre đã giúp người dân hình dung một cách đơn giản và gần gũi nhất về công tác ngoại giao.

Về nội dung này, Chuyên viên cao cấp Nguyễn Quán Phú - Nguyên Trưởng phòng Báo cáo viên của Trung tâm thông tin, công tác tuyên giáo thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: “Ngoại giao cây tre” của nước ta thực chất có từ hàng nghìn năm và xuyên suốt trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Cái “chất” của tre đã trở thành đặc trưng về ngoại giao của dân tộc ta, được đúc rút và trở thành bài học suốt đời trong những câu tục ngữ như “Nước chảy đá mòn”, “Mềm nắn rắn buông” ngụ ý lấy mềm thắng cứng, lấy nhu thắng cương.

“Ngoại giao cây tre” cũng đã trở thành nghệ thuật vì dù qua thời đại nào vẫn luôn biết rằng phải cắm rễ vững chắc trong khi thân mềm dẻo, linh hoạt theo hướng gió, có như vậy mới tồn tại, mới sinh trưởng và phát triển được. Biểu tượng cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” chính là triết lý, phương pháp luận và phương châm cốt lõi của ngoại giao Việt Nam. Và đó cũng chính là một trong những nội hàm của trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021 với những tố chất “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt”.

Thực tế, những nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đều có tính “trí tuệ”, đó là: phải “nắm chắc tình hình...”, “quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đường lối đối ngoại độc lập…”, “phát huy mọi yếu tố thuận lợi của đất nước...”, “nghiên cứu và dự báo chiến lược các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn…”, và “tổ chức đào tạo…

Vì tính trí tuệ đó mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói rằng “chỉ sợ không biết, chứ đã biết thì không sợ!”, để nhắc nhở công tác đối ngoại “phải hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực...

Ngoại giao Việt Nam không chỉ “chất” như cây tre mà còn tỏa sáng như những đài hoa sen, chinh phục thế giới bằng lòng nhân ái và giá trị nhân văn cao cả.

Như cây tre, từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt. Hoa sen là đại diện cho vẻ đẹp Việt Nam từ hình thức tới tâm hồn, vừa có hương thơm lại có sắc, với hàm chứa trong nó sự tinh tế, thuần khiết, cao đẹp.

“Trong đầm gì đẹp bằng Sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Người Việt Nam “chất” như cây tre nhưng tỏa sáng như những đài hoa sen.

Người Việt Nam “chất” như cây tre nhưng tỏa sáng như những đài hoa sen.

Hoa sen tượng trưng cho bản tính tự thích nghi, thân thiện, phong thái tao nhã tinh thần vươn dậy trong mọi hoàn cảnh của con người Việt Nam.

Theo bà Trần Thị Quốc Khánh - Đại biểu Quốc Hội khoá XIV, hoa sen có vị trí đặc biệt quan trọng trong tiềm thức người Việt, là biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện. Sen chẳng những là biểu tượng cho tinh thần, cốt cách, bản sắc văn hóa mà còn gần gũi, thông dụng trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam. Hoa, nụ, nhụy, hạt, lá và thân, rễ sen đều là những vật liệu dùng để chế biến những món ẩm thực ngon và các loại thuốc quý…

Gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc

Trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, hoa sen và cây tre là hai hình tượng đặc trưng. Nếu như hoa sen là sự kết tinh những giá trị nhân văn của dân tộc, thì cây tre là biểu trưng của bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất của người con đất Việt.

Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đánh đuổi giặc ngoại xâm từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam.

Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đánh đuổi giặc ngoại xâm từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam.

Đối với mỗi người con đất Việt, hình tượng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc đã in đậm trong tâm trí, và trở thành một trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng của người Việt. Cây tre hàng ngày hiền hòa là vậy nhưng khi đất nước nguy nan đã trở thành vũ khí đánh giặc. Từ thời xa xưa khi chưa có vũ khí hiện đại, tre là nguyên liệu chính để quân dân ta sáng tạo nên nhiều vũ khí lợi hại đánh giặc. “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”, chẳng biết từ bao giờ tre đã trở thành biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần quật cường đồng sức, đồng lòng cứu nước. “Sức mạnh cứng” có thể có hạn, nhưng “sức mạnh mềm”, sức dân là vô tận.

Đến thời đại các vua nhà Trần, nước Đại Việt tiếp tục tiếp thu và thực hiện rất thành công sách lược ngoại giao lấy nhu thắng cương này. Chấn động thế giới sau khi 3 lần đánh bại đế quốc Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc. Vó ngựa Nguyên - Mông đã dẫm đạp lên hầu hết châu lục, dù là những quốc gia lớn mạnh hay ở vùng đất xa xôi hẻo lánh. Thế nhưng, khi mang ý định xâm lược vào lãnh thổ nước ta đã phải run sợ trước tuyên ngôn hùng hồn của tướng soái “nước Nam - Đại Việt”:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Để rồi sau đó, cam chịu thất bại, vó ngựa Nguyên - Mông “chưa từng bại trận đã buộc phải quay đầu”. Thế nhưng, không ngủ quên trên chiến thắng để rồi đánh mất chiến lược dài lâu, vua quan nhà Trần vẫn kiên trì, nhẫn nại thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Nguyên, để ngăn ngừa âm mưu tái xâm lược nước ta, giữ vững chế độ nhà Trần trong suốt gần 2 thế kỉ (175 năm).

Đến thời đại Hồ Chí Minh, Người đã kế thừa, tiếp thu tinh hoa của dân tộc và nhân loại, từ đó tạo nên trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ lúc đất nước mới thành lập còn non trẻ, thù trong giặc ngoài, với tư tưởng “Dĩ bất biến ứng vạn biến” Bác Hồ đã đưa cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn để đi đến thắng lợi.

Đối với Người, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cho nên, dù hy sinh tới đâu, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. “Nước ta là một, dân tộc ta là một”; độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc đó là cái bất biến. Để thực hiện được cái “bất biến” ấy, Bác đã áp dụng muôn vàn cái “vạn biến”, mềm dẻo, linh hoạt trong đường đi nước bước mà hoàn cảnh đặt ra.

Bác Hồ từng căn dặn cán bộ ta: Trong ngoại giao cũng như trong xử lý các tình huống phức tạp, “Chính sách phải có cương, có nhu. Cương quá thì dễ gãy. Nhu quá thì hèn. Nói nên nhu. Làm nên cương”.

Với chủ nghĩa nhân văn sâu đậm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ động xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết với các dân tộc trên thế giới. Bác nhắc nhở cán bộ ngoại giao: phải làm đúng đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước… tăng cường đoàn kết hữu nghị với dân tộc bị áp bức, với nhân dân thế giới… vì lợi ích của hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Vận dụng tư tưởng của người, tại Hội nghị Paris, phái đoàn đàm phán của ta kiên quyết không khoan nhượng đối với những vấn đề có tính nguyên tắc là tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Mỹ và quân đội nước ngoài phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam... Để đạt được những vấn đề “bất biến” đó, các nhà đàm phán của ta luôn tích cực, chủ động, linh hoạt, khôn khéo trong lựa chọn phương pháp, hình thức đấu tranh ngoại giao, nhân nhượng với đối phương những vấn đề thứ yếu có thể nhân nhượng được. Kết quả cuối cùng chúng ta đạt được mục tiêu buộc Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất của dân tộc Việt Nam, cam kết rút quân và không can thiệp trở lại. Từ đó tạo cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để quân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh là sự thăng hoa của nghệ thuật “ngoại giao cây tre” Việt Nam.

Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh là sự thăng hoa của nghệ thuật “ngoại giao cây tre” Việt Nam.

Không chỉ vậy, “ngoại giao cây tre” của nước ta cũng có nguyên tắc rõ ràng, nổi bật nhất là quan điểm “4 không”. Theo đó, “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Nhờ vậy mà trường phái “ngoại giao cây tre” của Việt Nam cũng đã được thế giới ghi nhận và đánh giá như nghệ thuật bám rễ chắc chắn, nhưng thích ứng linh hoạt trước những biến động chính trị trên toàn cầu.

Có thể thấy, đúc rút, kế thừa và phát triển ngoại giao qua hàng nghìn năm của dân tộc ta, trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh là sự thăng hoa của “ngoại giao cây tre” - nghệ thuật ngoại giao Việt Nam.

Ngày 16/9/1973, khi đất nước ta vẫn còn chia cắt, Quảng Trị trở thành “lằn ranh sinh tử” hàng ngày, hàng giờ vẫn phải hứng chịu vô vàn mưa bom, bão đạn của quân địch. Thế nhưng, đứng trên bom đạn, vì tình hữu nghị và tình cảm với Việt Nam, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đến thăm Việt Nam, tại vùng giải phóng Quảng Trị. Tại đây, đứng trên bom đạn, Fidel Castro từng nói:“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”. Điều này thể hiện rằng, trong mọi hoàn cảnh Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ chân thành của nhân dân toàn thế giới nhờ chính sách ngoại giao mang phong cách “cây tre Việt Nam”.

Đọc thêm