Bài 2: "Ngoại giao cây tre" và hoa sen - Tinh thần đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

(PLVN) - “Ngoại giao Cây tre” Việt Nam là để phục vụ mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trong mọi hoàn cảnh và mọi thời điểm. Đó cũng là một trong những nội hàm của trường phái “Ngoại giao cây tre” Việt Nam được Tổng Bí thư nói đến: Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tinh thần đoàn kết là truyền thống, là nguồn nội sinh tạo thành sức mạnh vĩ đại của dân tộc.

Như tre Việt Nam: Hiên ngang - Trung dũng

Một trong những đặc điểm nổi bật của cây tre là tre không đứng một mình, mà sống quần thể, thành khóm, thành bụi, nhờ đó mà vững vàng và làm nên thành lũy giống như dân tộc ta. Bối cảnh chung đất nước ta sau khi giành được độc lập gặp vô vàn khó khăn do bị bao vây, cấm vận. Nhờ mở rộng ngoại giao chúng ta đã phá vỡ thế cô lập, từng bước tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc vị thế nước ta trên trường quốc tế. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế để tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao nhà nước là lực lượng chủ công, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các “binh chủng” làm đối ngoại là ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế đối ngoại và các lĩnh vực khác. Chính sự kết hợp chặt chẽ những trụ cột và “binh chủng” này đã, đang và sẽ “nên lũy, nên thành”, tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV (Ảnh: TTXVN)

Với chủ trương “làm bạn với tất cả các nước”, chính sách ngoại giao của Việt Nam linh hoạt và mềm mỏng để “dung hòa” với tất cả các cực trong thế giới đa cực, nhưng vẫn gắn chặt với các lợi ích quốc gia rộng lớn hơn, hướng tới hòa bình và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, hoa sen là đại diện cho Việt Nam vì nó có ý nghĩa “thanh lọc”, khi sen lớn lên, sinh sôi và nẩy nở sẽ làm cho dòng nước nơi đó trở nên trong mát. Trong trường phái “ngoại giao cây tre”, nội hàm nhân văn được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh, “Đoàn kết nhân ái, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái”.

Hoa sen cũng thể hiện sự cao cả, yêu thương và chia sẻ. Búp sen như một quả tim hồng mang đầy nhiệt huyết, biết quan tâm, yêu thương và chia sẻ với muôn loài hoa lá cỏ cây của thiên nhiên.

Có thể thấy, cây tre vẫn luôn là bạn đồng hành của dân tộc ta, “Ngoại giao cây tre” hay cốt cách hoa sen luôn gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Một dân tộc yêu hoà bình, yêu chính nghĩa, biết mềm mỏng, uyển chuyển, nhưng kiên cường, bất khuất, sẵn sàng “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” để giành lại thống nhất, độc lập dân tộc.

“Ai đã ghim vào những thân tre/ Bao kí ức xót xa hỡi mẹ…/ Người Việt Nam da nâu mắt đen/ Thảo thơm bất khuất như cành sen”.

(Trích lời bài hát Một vòng Việt Nam - Nhạc sĩ Đông Thiên Đức)

“Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” ngày càng cao

Trong thời đại hiện nay, ngoại giao nhằm phục vụ sự phục hồi đất nước sau chiến tranh, góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu, tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn các cán bộ ngoại giao phải nắm vững và áp dụng nhuần nhuyễn các bài học rút ra từ quá trình triển khai hoạt động đối ngoại, làm sao phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với nghĩa vụ quốc tế; lợi ích quốc gia dân tộc lúc này là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi.

“Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo vấn đề, tuỳ từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph R.Biden trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (Ảnh: TTXVN).

Cụ thể hơn, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ngoại giao Việt Nam đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định vai trò của đối ngoại là một phương thuốc hòa bình, thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp.

Sự tự tin gắn với hình tượng những cây tre là “gốc vững và quyện vào nhau, thân chắc, cành uyển chuyển”, thể hiện vị thế của đất nước. Về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra ngày nay Việt Nam đã có “khí thế mới, xung lực mới”; là “tâm thế, vị thế Việt Nam bây giờ rất khác”; là “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Biết vị thế cũng bởi là “vì lợi ích quốc gia”, chủ quyền và an ninh quốc gia là cái gốc và là bất biến, “gốc vững và quyện vào nhau, thân chắc”. Và cũng vì thế mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói là “đằng sau lưng các nhà ngoại giao có cả toàn đảng, toàn dân và toàn quân, toàn hệ thống chính trị”.

Hình ảnh và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam và đối ngoại Quốc tế: Ngoại giao cây tre và Hoa sen là đại diện tiêu biểu của một dân tộc ta, một dân tộc hùng cường, đoàn kết và thân ái! (Ảnh: Q.C)

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần “hiểu chuyện”, biết khiêm tốn với “thân tre gầy guộc và lá mong manh”, khi lực vật chất chưa mạnh, khiêm tốn và sự “hiểu chuyện” là vô cùng quan trọng vì ngoại giao chính là kết tinh của trí tuệ, là nâng cao “lực tinh thần” trong khi “lực vật chất chưa mạnh” - như chia sẻ và mong muốn của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Thực tế 6 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong trường phái “Ngoại giao cây tre” Việt Nam đều có tính “trí tuệ”, đó là: phải “nắm chắc tình hình...”, “quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đường lối đối ngoại độc lập…”, “phát huy mọi yếu tố thuận lợi của đất nước...”, “nghiên cứu và dự báo chiến lược các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn…”, và “tổ chức đào tạo…”.

Vì tính trí tuệ đó mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói “chỉ sợ không biết, chứ đã biết thì không sợ!”, để nhắc nhở công tác đối ngoại “phải hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực...”

Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy, Người có trí tuệ uyên bác, ngôn ngữ phong phú, sinh động và sắc bén. Các thế hệ học trò kế tục với "thương hiệu" lẫy lừng như “Ngoại giao Sáu Dân” của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngoại giao “phá vây” của Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch...

Đại diện cho dân tộc và mang trên vai tự hào của đất nước, ngày 09/8/2023, phát biểu tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh:

Ở Việt Nam, vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi, Nhà thơ - Người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới của Việt Nam - cũng từng nói: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân mà thay cường bạo” để “Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh/Mở nền thái bình muôn thuở”. Những câu thơ đó còn vang vọng đến hôm nay thể hiện rõ đường lối hòa hiếu, trọng lẽ phải, trọng công lý và chính nghĩa, cũng là khát vọng phát triển hòa bình của dân tộc Việt Nam”.

Nhìn lại sau 35 năm Đổi mới, từ năm 1986 đến năm 2021, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức bình quân khoảng 6%/năm trong hàng chục năm, quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đạt 4.163 USD vào năm 2022.

Ngày nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 nước, vùng lãnh thổ, kim ngạch thương mại đạt 730 tỷ USD năm 2022; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 450 tỷ USD với 37.000 dự án đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, được Liên hợp quốc xếp vào nhóm 20 nước thành công nhất thế giới về thu hút FDI. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% vào năm 1993 đã giảm xuống còn 2,23% vào năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Liên hợp quốc.

Đọc thêm