Khó từ khâu tống đạt giấy tờ, xác minh, lai dắt
Tại Thanh Hóa, báo cáo của Cục THADS cho biết, tổng số việc/tiền thụ lý thi hành từ năm 2015 đến nay là: 33 việc với tổng số tiền phải thi hành án là 328.291.138.000 đồng; đến nay đã thi hành xong 69.062.248.000 đồng. Như vậy về tỷ lệ tiền, Thanh Hóa đang là địa phương có tỷ lệ thi hành khá cao so với nhiều địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, theo Cục THADS Thanh Hóa, việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu cá khó khăn trong tất cả các công đoạn thi hành án, mà trước hết từ khâu xác minh, tống đạt giấy tờ. “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển (như Biên phòng), khi có thông tin ngư dân vào bờ là thực hiện ngay việc tống đạt giấy tờ thi hành án. Tuy nhiên, một bộ phận rất lớn ngư dân đánh bắt xa bờ, đi biển dài ngày nên việc chờ đợi họ trở về đất liền là rất lâu, việc tống đạt rất khó khăn, quá trình thi hành án bị kéo dài”, một Chấp hành viên cho biết.
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa làm nhiệm vụ tại hiện trường tàu cá |
Tàu ra khơi, sau những chuyến đi hàng tháng không thể trở về địa phương do hỏng hóc trên một vùng biển thuộc địa phương khác, phải cập bến, neo, đậu. Không có đủ chi phí lai dắt, thói quen của ngư dân là hỏng tại đâu, cố gắng tấp vào đó. Theo quy định tàu không đủ điều kiện an toàn, không được ra khơi, nếu cố tình không thực hiện sẽ bị xử lý về hành chính, thậm chí là hình sự. “Đối với những trường hợp này khi cơ quan THADS rất vất vả khi xác minh hiện trạng tài sản vì tàu đang neo đậu ở những vùng biển rất xa (thường là các tỉnh phía Nam). Cơ quan THADS phải thực hiện lai dắt về để xử lý dẫn đến phát sinh các chi phí và kéo dài quá trình tổ chức thi hành án”, ông Hoàng Văn Truyền, Cục trưởng Cục THADS Thanh Hóa cho biết.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác đến từ những người phải thi hành án. Theo nhiều cơ quan THADS, bản thân các chủ tàu khi đã bị khởi kiện, đến giai đoạn thi hành án thường có thái độ bất hợp tác, tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành, với lý do hoạt động khai thác không hiệu quả, chi phí sửa chữa tăng cao, không có khả năng thanh toán. Đặc biệt, chủ tàu thường gây khó khăn bằng cách thường xuyên di chuyển, không neo đậu ở địa điểm cố định, không cho tàu về neo đậu tại cảng cá đã đăng ký làm mất nhiều thời gian và gây khó khăn cho việc tìm kiếm, xác minh, kê biên, xử lý tài sản. Có trường hợp phải phối hợp với lực lượng biên phòng để truy tìm.
Trường hợp tàu đã về đến cảng, sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế kê biên thì việc giao ai bảo quản tàu cũng là vấn đề vô cùng nan giải. Nếu đi thuê các đơn vị có chức năng bảo quản trông giữ thì chi phí tính theo ngày, rất đắt đỏ. Do đó, nhiều cơ quan THADS giao cho người phải THA trông giữ luôn tài sản bảo đảm. Thường thì người phải thi hành án sẽ neo đậu nhờ trên các vùng biển, cửa sông được phép neo đậu và thực hiện bảo quản định kỳ để giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, trong trường hợp thiên tai, bão, hoặc phát sinh những rủi ro khác đối với con tàu thì rất khó truy trách nhiệm, đặc biệt khi có những thiệt hại xảy ra.
Đến thẩm định giá, bán đấu giá, thu hồi nợ
Các vụ việc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm là tàu cá theo phản ánh của nhiều cơ quan THA thường kéo rất dài. Ngoài khó khăn trong tống đạt, xác minh, lai dắt, tìm nơi neo đậu tàu cá… thì việc thẩm định giá, bán đấu giá để thu hồi nợ cũng khó khăn không kém. Theo phản ánh của Cục THADS Bình Định, giá trị tàu cá tại thời điểm thế chấp và thời điểm cơ quan THADS kê biên, xử lý chênh lệch rất lớn. Đa số tàu cá đến giai đoạn thi hành án đã bị gỉ sét, mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Giá khởi điểm đưa tàu ra bán đấu giá lần đầu chỉ có giá trị khoảng 13% giá trị tài sản lúc thẩm định cho vay, nhưng vẫn cao hơn giá thị trường, dẫn đến tình trạng không có người mua, cơ quan THADS phải hạ giá nhiều lần dẫn đến quá trình THA kéo dài, chi phí xử lý tài sản lớn, đến khi thu được nợ có khi chỉ còn giá trị khoảng 7-9% giá trị khoản vay phải trả cho ngân hàng. Thực tế qua các vụ việc PV chứng kiến cho thấy, rất nhiều tàu cá đầu tư ban đầu từ 15-20 tỷ/tàu nhưng khi kê biên bán đấu giá chỉ được khoảng 1,5-2 tỷ đồng/tàu. Con số này chỉ đủ một phần rất nhỏ để thực hiện nghĩa vụ của bản án.
Theo thống kê của Cục THADS Quảng Nam, từ năm 2021 đến nay tổng số việc các cơ quan THADS đã thụ lý liên quan đến xử lý tài sản là tàu đánh cá theo Nghị định số 67 là 22 việc nhưng chưa có việc nào thi hành xong. Về tiền, tổng số tiền đã thụ lý: 260.036.387.000 đồng; đã thi hành xong: 24.705.902.000đồng; còn phải thi hành là 230.833.725.000 đồng.
Mặc dù số vụ việc phải thi hành liên quan đến việc thực hiện Nghị định 67 là rất ít, chỉ có 22 việc nhưng chiếm tổng số tiền còn phải thi hành rất lớn. Về kết quả tổ chức thi hành xong, đặc biệt là về tiền là rất thấp (đạt tỷ lệ 0% về việc và 9,50% về tiền so với tổng số thụ lý).
Trong khi đó, đối tượng mua tàu cá cũng rất hạn chế, chỉ có ngư dân đánh bắt hải sản mới có nhu cầu mua. Thậm chí nhiều tàu cá phải bán cho ngư dân trên địa bàn tỉnh khác, phát sinh các chi phí lai dắt tốn kém, trong khi mua về họ cũng phải đầu tư một khoản tiền rất lớn để tu tạo, sửa chữa, tàu mới có thể hoạt động trở lại. Khoản đầu tư rất lớn vào tàu cá đã bị hỏng hóc, xuống cấp cũng vô tình hạn chế nhiều ngư dân muốn mua tàu. Thực tế có nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá nhưng không có người đăng ký mua, có những tàu cá giảm giá hơn 10 lần chưa bán được. Khi bán được, trừ các chi phí cho quá trình tổ chức thi hành án cũng còn lại không đáng là bao.
Với đặc trưng của tàu cá, khi bị ngưng hoạt động, neo đậu vào bờ thì rất nhanh chóng bị xuống cấp, đối với các tàu vỏ sắt thì bị gỉ sét, hư hỏng nặng về thân vỏ, các trang thiết bị và ngư lưới cụ trên tàu lâu ngày không hoạt động cũng đều bị hư hỏng, mất mát. Tàu nằm bờ, càng để lâu, càng hỏng, càng phát sinh chi phí. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ tiền duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép cho ngư dân còn nhiều thủ tục, thiếu hướng dẫn về định mức kỹ thuật nên ngư dân khó tiếp cận.
Chấp hành viên Cục THADS Quảng Nam kiểm tra tàu cá neo đậu |
Theo Cục THADS tỉnh Quảng Nam khi Cơ quan THADS xử lý xong hết tài sản tàu nhưng không đủ để trả khoản vay thì Cơ quan THADS buộc phải tiếp tục xử lý tài sản khác (như nhà, đất…) của ngư dân. Nhiều gia đình cả mấy thế hệ chỉ có ngôi nhà là tài sản duy nhất, việc kê biên, bán đấu giá nhà ở và tàu cá dẫn đến họ và gia đình không còn nơi ở, không còn công cụ, phương tiện để ra khơi hoặc sản xuất kinh doanh dựa vào biển. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương và chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế biển và các vấn đề biển đảo; dư luận địa phương cũng không ủng hộ việc Cơ quan THADS kê biên, xử lý tài sản khác, nhất là tài sản là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình họ, đi ngược với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo bức xúc và chống đối của người phải thi hành án. Đây là vấn đề chung của nhiều cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản để thu hồi nợ.
Ngoài ra, theo phản ánh của một số cơ quan THADS, khó khăn còn nằm ở chỗ, phía ngân hàng để thu hồi nợ thì rất muốn định giá cao (trong khi giá trị tài sản thực tế thì rất thấp), dẫn đến có nhiều cuộc thẩm định giá phải làm đi làm lại, phát sinh nhiều chi phí. Quan điểm không thống nhất giữa Ngân hàng, cơ quan THADS và các cơ quan liên quan, định giá không sát giá trị thực tế, đây cũng là nguyên nhân các vụ xử lý tài sản tàu cá bị kéo dài.