Chúng ta học được gì hậu Blackpink?
Nhà xã hội học John Lie (Đại học California - Berkeley, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về đất nước Hàn Quốc, cho biết Hàn Quốc có truyền thống hướng các ngành công nghiệp đến xuất khẩu. Điều này càng được tăng cường sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
10 năm trước, hiệu ứng Gangnam Style đã mở màn cho trào lưu nhạc Kpop xâm chiếm vào thị trường quốc tế. Với K-pop, đó là nỗ lực của các hãng sản xuất âm nhạc và công ty tìm kiếm tài năng. Họ đã nhắm mục tiêu vào thị trường nước ngoài bắt đầu từ đầu những năm 2000, khi tuyển dụng các tài năng người Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, người Mỹ gốc Á cho các ban nhạc. Đồng thời phát hành sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Cùng với đó, một yếu tố không thể phủ nhận là người hâm mộ. Đó là những người góp phần không nhỏ cho chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội khi đua nhau tải, phát trực tuyến các sản phẩm mới của thần tượng.
Chưa kể, thành công của các bộ phim Hàn Quốc lại đến theo một cách khác, một phần nhờ vào việc Hàn Quốc có quan điểm cởi mở trong quản lý điện ảnh từ những năm 1960. Hàn Quốc cũng đưa nhiều tài năng về điện ảnh sang Mỹ học tập. Và những người này về sau trở thành những nhân tố quan trọng trong việc phát triển nền điện ảnh nước này.
Phim Hàn Quốc dần dần đã có chỗ đứng ở Nhật Bản, sau đó là Trung Quốc, trước khi bùng nổ khắp châu Á, tạo nên làn sóng Hàn lưu. Còn nhớ những năm 2000, ngay khi xuất hiện trên sóng truyền hình Việt Nam, những bộ phim với mô típ câu chuyện tình cảm lãng mạn, sự tinh tế, diễn viên xinh đẹp, hiện đại đã lấy đi bao nước mắt của khán giả châu Á. Tiếp đó, với sự xuất hiện của các nền tảng trực tuyến như Netflix, phim Hàn tiếp cận được với khán giả phương Tây theo cách mà ngay cả những người tạo ra chúng cũng bất ngờ...
Trở lại Blackpink, tháng 4/2023, truyền thông quốc tế thừa nhận, tour lưu diễn vòng quanh thế giới Born Pink của nhóm Blackpink trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất của một nhóm nữ trong lịch sử, vượt qua các nhóm nhạc nữ huyền thoại như Spice Girls, TLC và Destiny’s Child. Tour diễn của 4 cô gái đã mang về doanh thu đáng kinh ngạc.
Hà Nội là điểm dừng chân cuối cùng của Blackpink tại châu Á trong khuôn khổ tour lưu diễn toàn cầu Born Pink. Tour khởi động từ cuối năm ngoái, đến nay đạt doanh thu khoảng 163,8 triệu USD, với hơn 900.000 vé tiêu thụ. Trung bình mỗi đêm diễn, nhóm nhạc này thu về hơn bốn triệu USD với khoảng 22.600 khán giả.
Blackpink ra mắt năm 2016, gồm bốn thành viên Jennie, Lisa, Jisoo, Rosé. Sau bảy năm hoạt động, dù mới phát hành hai album, nhóm nữ khuấy đảo làng nhạc với nhiều bản hit như Ddu-Du Ddu-Du, Kill This Love, Pink Venom. Họ có kênh YouTube đạt lượt xem cao nhất với 30 tỷ lượt. Ngoài âm nhạc, bốn cô gái của nhóm còn là những người có sức ảnh hưởng trong làng thời trang.
Theo Asean Daily, màn trình diễn của BlackPink tại Việt Nam làm nhiều người nhớ đến slogan của thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng toàn cầu: “Think global, act local” (tạm dịch: Nghĩ toàn cầu, hành động địa phương). Khẩu hiệu của thương hiệu vốn nổi đình đám trong giới marketing, ở mọi quốc gia mà nhãn hiệu này hoạt động. Chiến lược ra mắt sản phẩm phù hợp đặc trưng với đất nước họ đến.
Tại concert diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, Blackpink khéo léo khi xuất hiện với hình ảnh đội nón lá, nói tiếng Việt, mô tả cảnh húp cạn tô phở, nhảy theo bài hát “See tình” vốn là bản hit của một ca sĩ người Việt. Ngay sau phần mở màn, các cô gái thần tượng của giới trẻ thể hiện sự đáng yêu, gần gũi khi chào khán giả bằng tiếng Việt. Rosé và Lisa nói may mắn khi trời đổ mưa trước show, nhưng đã tạnh. Họ làm động tác “nổi gai ốc”, thể hiện sự thích thú khi người hâm mộ cổ vũ nhiệt tình. Họ là những ngôi sao nhưng cách họ lấy lòng người hâm mộ chính là yêu thích văn hóa bản địa cùng sự thể hiện nét đáng yêu, thân thiện như “người thường”...
“Nhóm nhạc nữ đẳng cấp thế giới gửi đến Việt Nam thông điệp họ muốn giao lưu với văn hóa Việt Nam bằng cách thể hiện những màn trình diễn hài hòa giữa văn hóa của họ và đặc trưng địa phương”, tờ Asean Daily bình luận.
Và tư duy toàn cầu này đã có ngay từ lúc YG Entertainment thành lập nhóm Blackpink. Các thành viên nhóm không chỉ người Hàn Quốc, Lisa là người Thái Lan đầu tiên thành công ở YG. Blackpink nhanh chóng thu hút sự chú ý từ thị trường Thái Lan và Đông Nam Á. Chiến lược âm nhạc, thực hiện MV, tiếp thị quảng cáo đều phát triển kỹ lưỡng dựa trên chiến lược hướng đến thị trường quốc tế…
Làm sao để công nghiệp văn hóa phát triển?
Không thể phủ nhận, Hallyu lan rộng mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ lĩnh vực giải trí, Hàn lưu xâm nhập cả lĩnh vực văn hóa, kinh doanh, thời trang, thậm chí cả bóng đá.
Có một điều khác biệt, trong sự kiện Blackpink 2023, chúng ta đều có cách tiếp cận với các con số, khác hẳn với trào lưu phê phán “cơn cuồng” thần tượng Hàn Quốc bắt đầu từ những năm 2010. Hậu Blackpink, chúng ta thấy sự chuyên nghiệp và văn minh, từ khán giả trẻ đi “đu” thần tượng. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn chỉ để được sống trong không khí của một đêm nhạc toàn cầu và thần tượng đang ở rất gần mình...
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do Thủ tướng Chính phủ kí ban hành đặt mục tiêu: đến 2030 GDP từ 12 ngành công nghiệp văn hóa đạt 7% GDP.
Chúng ta cũng chứng kiến, tour diễn của Blackpink được mổ xẻ như một hàng hóa được sản xuất từ nhiều góc độ: Nhà sản xuất nào phía sau nhóm nhạc? Sản phẩm này trả tiền bản quyền theo công thức nào? Giá vé trung bình cao hay thấp so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và so với khu vực? Lượng đặt phòng đến Hà Nội tăng bao nhiêu? Thu nhập từ show diễn quốc tế tương đương bao nhiêu phần trăm so với các ngành sản xuất truyền thống ( điện tử, xe hơi) của Hàn Quốc...
Có thể thấy, Việt Nam trở thành một phần của chuỗi tiêu thụ văn hóa toàn cầu do ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc chiếm lĩnh. Đồng thời, người dân đã ý thức được sức mạnh vật chất của ngành công nghiệp văn hóa.
Theo thông tin từ truyền thông, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận định, Blackpink đã xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ và độc đáo, từ âm nhạc sôi động, những màn biểu diễn ấn tượng đến phong cách thời trang cá nhân. Từ ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, Việt Nam có thể học được nhiều kinh nghiệm để phát triển văn hoá và du lịch. Cụ thể, có thể học cách tạo ra nội dung giải trí chất lượng và sáng tạo. Đầu tư vào việc phát triển năng lực của các nghệ sĩ và nhóm nhạc, xây dựng hình ảnh và thương hiệu mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước.
Mặt khác, công nghiệp giải trí Hàn Quốc cũng có thể cung cấp kinh nghiệm về quản lý và tiếp thị ngành công nghiệp giải trí, quảng bá nhanh chóng và hiệu quả qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Việc thúc đẩy du lịch bằng cách tận dụng sức hút của công nghiệp giải trí cũng là một khía cạnh mà Việt Nam có thể học tập từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, GS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, chúng ta cũng cần bảo đảm bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc của mình trong quá trình học tập từ Hàn Quốc. Sự đa dạng và độc đáo của văn hóa Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch và cung cấp trải nghiệm khác biệt.
Nhiều người có chung nhận định, Việt Nam đang dần vươn lên thành thị trường tiềm năng để nghệ sĩ quốc tế lớn chú ý và sang biểu diễn. Điều này tạo cơ hội cho khán giả trong nước được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đỉnh cao, tiệm cận với nền giải trí thế giới và cũng góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam với thế giới.
Thế nhưng, bao giờ chúng ta có thể chạm tới ngành công nghiệp văn hóa với doanh thu khổng lồ sẽ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bởi tất cả cần tới chiến lược phát triển đồng bộ trong tầm nhìn chiến lược quốc gia.
Đến nay, nhiều quốc gia phát triển nhận thức rất rõ, các tài nguyên dưới lòng đất, dưới biển, trên rừng có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa (bao gồm các sáng tạo từ trí tuệ con người) sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, sử dụng, phát huy giá trị của nó. Dưới góc độ kinh tế, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa có thể làm giàu cho một đất nước không thua kém bất cứ một ngành công nghiệp nào. Không chỉ vậy, nó còn là nhân tố gắn kết con người, tăng cường hợp tác, trao đổi, bảo vệ bờ cõi văn hóa quốc gia.
Điều quan trọng, yếu tố khách hàng (ở đây là công chúng, người thưởng thức văn hóa) được đặt lên hàng đầu. Bởi chính họ là người đóng góp để “nuôi” người sáng tạo thông qua việc tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa. Dù vậy, đối với không ít doanh nghiệp và người sáng tạo, “công nghiệp văn hóa” ở Việt Nam vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, và chưa thật sự nhập cuộc bằng một sự thay đổi cần thiết trong nhận thức của văn nghệ sỹ, doanh nghiệp, nhà sáng tạo…
Chính vì vậy, nhiều góc nhìn cho rằng, thay đổi nhận thức đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Chỉ có thay đổi nhận thức mới dẫn đến thay đổi hành động, thay đổi thái độ ứng xử trong toàn xã hội đối với văn hóa. Do đó, bên cạnh các giải pháp về mặt cơ chế, chính sách pháp luật, tạo dựng môi trường thuận lợi, cần tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân từ các cấp quản lý đến các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và công chúng về vai trò của văn hóa trong giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân. Cũng như đóng góp to lớn của văn hóa vào nền kinh tế đất nước…
Du lịch Hà Nội thu 630 tỷ đồng
Thông tin được Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong hai đêm diễn của Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình, khoảng 170.000 khách đã đến Hà Nội, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Khoảng 65% khách quốc tế có lưu trú, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia.
Lượng khách tham gia chương trình tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình ước đạt 70.000 lượt, trong đó có 3.000 khách quốc tế.