Bài học từ những thảm án “ma chài” nơi đại ngàn

(PLO) - Tại các bản vùng sâu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, hiện vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu như mời thầy về cúng ma khi gia đình có người đau ốm, dẫn đến hậu quả không ít người thiệt mạng oan uổng. Sai lầm tiếp theo, nhiều người mông muội cho rằng thầy cúng thả ma hại chết người thân nên sát hại thầy cúng để rồi bản thân sa vào vòng tù tội…
Hảng A Vư giết hại thầy cúng.
Hảng A Vư giết hại thầy cúng.
Sáng 21/2/2015 (tức mùng 3 Tết Ất Mùi), khi sắc xuân còn đang tưng bừng khắp núi rừng thì người dân bản Chảng Phàng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu phát hiện thầy cúng Giàng A Súa (SN 1969) bị đánh chết, vứt xuống suối. Công an sau đó đã xác định hung thủ là Hảng A Vư (SN 1983, ở bản Chảng Phàng, xã Sin Súi Hồ).
Tại cơ quan công an, Hảng A Vư khai nguyên nhân gây án hết sức mông muội, đó là do nghi ngờ Súa thả ma hại chết 2 đứa con của Vư. Năm 2012, con gái đầu lòng của Vư là Hảng Thị Ca (8 tuổi) bị ốm, có mời Súa đến “làm phép” cúng ma. Tuy nhiên, “pháp sư” Súa đã làm đủ mọi cách mà cháu vẫn không đỡ nên Vư muốn đưa con đi bệnh viện cấp cứu nhưng Súa không cho. Hậu quả là cháu bé đã tử vong. Từ đó, Vư luôn nghĩ con gái mình chết là do Súa đã yểm bùa và luôn nuôi hận trong lòng. 
Trước Tết Nguyên đán 2015 khoảng 10 ngày, đứa con trai thứ năm của Vư mới sinh được 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên lại bị ốm. Sau khi cúng ma không khỏi, gia đình Vư mới đưa con đi bệnh viện nhưng cháu bé đã tử vong. Đến lần này, Vư càng tin rằng do Súa làm bùa phép hại các con mình nên quyết trả thù.
Chiều 26 Tết (tức 14/2/2015), Vư lấy hòn đá to làm hung khí, mật phục ở khu vực bờ suối để đợi đến khi nào gặp và giết bằng được Súa. Khi gặp, Vư nói: “Mày hại chết 2 đứa con của tao, bây giờ tao lấy mạng mày để đổi lại” rồi dùng đá đánh chết Súa, vứt xác xuống suối. Xong, Vư cởi bỏ bộ quần áo bên ngoài bị dính máu của Súa vứt xuống suối rồi đi về nhà cho đến khi bị bắt giam về tội “Giết người”.
Trước đó, tại bản Khuổi Ngoa, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cũng xảy ra một vụ thảm án kinh hoàng có nguyên nhân do nghi thả “ma chài”. Nạn nhân là chị Thào Thị Dinh (SN 1991) bị vợ chồng Tráng A Lử, Giàng Thị Súa nghi ngờ thả ma hại chết con trai hơn một tháng tuổi của họ. Trước đó, cháu Tráng A Thái con trai Lử bị ốm nên vợ chồng Lử đã mời chị Dinh về để trừ ma cho con.
Khoảng 18h ngày 18/4/2014, chị Dinh đến nhà Lử “làm phép” bằng cách lấy một dây chỉ ở khăn buộc lỏng vào cổ cháu Thái như đeo dây chuyền. Chị Dinh buộc xong khoảng 15 phút thì cháu Thái tử vong, Súa liền bảo Lử trói chị Dinh lại đánh để hỏi cách thả ma ra khỏi người cháu Thái và cháu bé sống lại. Nhưng do cháu bé không thể sống lại được nữa nên vợ chồng Lử đã điên cuồng đánh chết chị Dinh trước sự chứng kiến và can ngăn trong bất lực của nhiều người. 
Sau đó, Lù Thị Súa quá đau đớn, hoảng loạn đã ăn lá ngón tự vẫn. Còn Tráng A Lử bị công an bắt. Tại phiên tòa sơ thẩm sau đó, TAND huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) tuyên phạt Tráng A Lử 7 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cũng vì mông muội mà người vợ trẻ Hờ Thị Sông (ở bản Há Tủa Sò, xã Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang) khi thấy chồng là Sình Mí Sính ốm đau dặt dẹo thì tích cực mời thầy cúng về cúng ma trị bệnh cho chồng nhưng không khỏi. Quá lo sợ, sau đó chị Sông lại tìm đến nhà thầy bói. Tuy nhiên, ông thầy bói lại bảo số Sính xấu lắm, chắc không qua khỏi hết năm. 
Trở về, Sông vô cùng tuyệt vọng, nghĩ cách tiêu cực là sẽ chết theo chồng để vợ chồng được bên nhau. Sông đã nhờ Sính dùng dao nhọn đâm mình trước, sau đó Sính sẽ tự sát. Tuy nhiên, rốt cục chỉ có Hờ Thị Sông thiệt mạng, còn Sình Mí Sính phải lãnh án tù về tội “Giết người”.
Những vụ án đau lòng trên đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều vụ án đã được Tòa án tổ chức xét xử lưu động tại địa bàn để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tội phạm và tệ nạn đến đồng bào. 
Bên cạnh việc tuyên truyền, các ban ngành chức năng cần phải có những chính sách hỗ trợ tích cực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, hạn chế những thảm kịch đau lòng tương tự…

Đọc thêm