22 năm lần theo dấu vết kẻ “tàng hình”
Vụ án xảy ra vào khoảng 8h30 ngày 18/11/1990, tại bến đò xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã xảy ra vụ án mạng kinh hoàng khiến một thanh niên thiệt mạng. Hung thủ được xác định là Đàm Xuân Hà (SN 1972, ở xóm Hầu, xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên), sau khi gây án Hà đã bỏ trốn nên bị phát lệnh truy nã toàn quốc. Điều khó đối với lực lượng bắt nã là từ bé đến khi gây án Hà chưa từng chụp ảnh, chưa làm chứng minh nhân dân nên trong hồ sơ truy nã của công an, các đặc điểm nhận dạng đối tượng truy nã hết sức mờ nhạt, chủ yếu dựa vào sự mô tả về ngoại hình hung thủ, giọng nói, thói quen.v.v...
22 năm trôi qua, tung tích Đàm Xuân Hà vẫn mịt mù khiến vụ án tưởng chừng như bị “thối”. Trong suy nghĩ của nhiều người, thậm chí ngay cả thân nhân người bị hại cũng tuyệt vọng với ý nghĩ công an không thể tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.Hải Phòng được giao nhiệm vụ thì vẫn kiên trì theo dõi, xác minh.
Đến năm 2012, trinh sát xác định một người tên Đoàn Thế Vinh (40 tuổi, quê Thái Bình, hiện trú tại tổ 19, khu phố Phú Bình, phường An Lộc, TX.Bình Long, Bình Phước) có đặc điểm về ngoại hình, giọng nói rất giống mô tả về hung thủ Đàm Xuân Hà trong hồ sơ truy nã của Công an Hải Phòng. Tiếp tục bí mật theo dõi đến khi có đủ bằng chứng khẳng định Vinh chính là Hà.
Tối 27/7/2012 lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.Hải Phòng đã có mặt tại phường An Lộc để triệu tập Đoàn Thế Vinh lên làm việc. Tuy nhiên, ban đầu Vinh một mực khẳng định mình không liên quan, dính dáng gì đến câu chuyện về hung thủ Đàm Xuân Hà và vụ án ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) 22 năm trước.
Sau nhiều giờ đấu tranh khai thác với những chứng cứ đanh thép, đến 2h sáng ngày 28/7, Vinh mới chịu cúi đầu nhận mình chính là Đàm Xuân Hà. Tra tay vào còng, đối tượng vẫn còn chưa hết bàng hoàng tự hỏi tại sao công an vẫn “móc” ra hắn ở nơi cách hiện trường vụ án trên 2000km, khi mà bụi thời gian đã phủ mờ vụ án suốt 22 năm…
Thay tên đổi họ, thay hình đổi dạng cũng không thoát
Một vụ trốn truy nã cũng tròn 22 năm vẫn bị công an bắt về quy án là bị án Nguyễn Thị Luyến (SN 1971, ở xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Vào ngày 24/7/1990, Luyến đã sát hại anh hàng xóm rồi phóng hỏa phi tang tội ác nên sau đó bị kết án 18 năm tù về hai tội “Giết người” và “Hủy hoại tài sản”.
Ngày 6/4/1991, lợi dụng sơ hở tại nơi giam giữ, Luyến vượt ngục sang Trung Quốc lấy chồng, làm giấy tờ giả với tên Nguyễn Thị Hằng và nhập được quốc tịch Trung Quốc, có hộ chiếu, giấy tờ thông hành. Hơn hai chục năm trôi qua, Luyến đã trở thành một quý bà đài các, sành điệu, thay đổi “một trời một vực” so với sơn nữ quê mùa ở bản vùng sâu trước đây.
Chính vì tin chắc là mình đã “thoát xác” hoàn toàn từ tên họ, ngoại hình đến giấy tờ tùy thân nên Luyến khá ung dung, vẫn thản nhiên đi về Việt Nam thăm thân mà không sợ bị bắt lại. Bất ngờ sáng 30/7/2012, Luyến về thăm người tình của mình ở TP.Yên Bái thì bị cảnh sát ập vào bắt giữ.
Khi bị bắt, Luyến bình tĩnh khẳng định công an đã bắt nhầm người vì mình là “mệnh phụ” mang tên Nguyễn Thị Hằng rồi xuất trình giấy tờ tùy thân mang tên này. Chỉ đến khi công an tiến hành đối chiếu dấu vân tay của Nguyễn Thị Hằng với dấu vân tay của Nguyễn Thị Luyến khi lập danh chỉ bản có trong hồ sơ truy nã, Luyến mới hết đường chối cãi và thú nhận: “Cháu chính là cái Luyến đây. 22 năm qua, cháu biết chắc chắn không thoát được ngày này…”.
Nghẹt thở hành trình bay cùng tội phạm
Đó là vụ bắt nã trùm giang hồ Nguyễn Thị Hạnh (tức Hạnh “sự”, SN 1960, trú tại Hà Nội). Sau thời gian “tác oai, tác quái” trong nước, khi phát hiện “có biến” lập tức Hạnh “sự” đào tẩu sang Lào và “thoát xác” thành Phommalath Ketsana mang quốc tịch Lào để tiếp tục bay từ Lào sang Singapore có mặt tại các sòng bài.
Một tổ công tác trong đó có Thượng tá Đào Trọng Sơn (Cục C52) được cử lên đường sang cùng 3 đồng chí thuộc Văn phòng Interpol Việt và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để vây bắt Hạnh “sự”. Từ chứng cứ lột mặt nạ của Phommalath Ketsana không phải là người mang quốc tịch Lào, Hạnh “sự” bị Tòa án xét xử và bị trục xuất khỏi nước bản địa. Chiều 7/6/2012, Cục Xuất nhập cảnh Singapore áp giải Nguyễn Thị Hạnh ra sân bay để tiến hành trục xuất Hạnh về Việt Nam.
Lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm đã phải đồng hành cùng chuyến bay với Hạnh từ Singapore về Việt Nam. Hành trình truy bắt Hạnh gay cấn đến nghẹt thở, vì chỉ sơ suất một chút sẽ ảnh hưởng đến hành khách, đến an ninh hàng không bởi trên chuyến bay này có khoảng 40 người là đàn em, bạn bè của Hạnh “sự”.
Trên máy bay, Hạnh thường xuyên đổi chỗ ngồi và liên tục vào nhà vệ sinh thay đồ để “thay hình đổi dạng”. Tổ công tác vẫn dằn lòng “án binh bất động”, bám sát đối tượng. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, Hạnh “sự” lạnh gáy khi nghe bên tai mệnh lệnh đánh thông báo Hạnh đã bị bắt khẩn cấp. Hạnh bất đắc dĩ phải chấp thuận tra tay vào còng nhưng vẫn hy vọng rằng ít phút nữa, chỉ khi ra khỏi khu vực sân bay, “bà trùm” sẽ được đàn em “giải cứu” theo kế hoạch định trước. Việc “bắt sống” Hạnh “sự” khi đối tượng vừa tiếp đất đã thêm một lần khẳng định chân lý: kẻ tội phạm dù có “trốn lên trời” cũng vẫn bị bắt về quy án như thường.
Khoa học hiện đại phục vụ đắc lực công tác truy nã
Đó chỉ là ba trong số hàng ngàn vụ “tầm nã” gian khổ, hiểm nguy của lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm. Hiện nay, công tác truy nã tội phạm đã được hỗ trợ bằng nhiều phương tiện tối tân như hệ thống tàng tư căn cước can phạm nối mạng thông suốt từ Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát - Cục C53 tới Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát của công an 63 tỉnh, thành...
Đến nay, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm - Cục C52 (thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) đã phối hợp với Văn Phòng Interpol Việt Nam tổ chức xác minh, truy bắt và bàn giao cho Cảnh sát các nước bắt giữ nhiều đối tượng bị truy nã quốc tế trà trộn vào Việt Nam theo con đường kinh doanh hoặc du lịch.
Trong công tác phối hợp giữa Cục C52 và Cục C53 cũng đạt hiệu quả tích cực, điển hình là việc hai đơn vị đã đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, khai thác thông tin đối tượng truy nã, truy tìm... Thời đại toàn cầu hóa, việc những kẻ tội phạm nguy hiểm di cư từ nước này sang nước khác để lẩn trốn diễn ra khá phổ biến, và phương tiện được chúng ưa chọn chính là đường hàng không, kẻ phạm tội có thể ung dung sang lãnh thổ nước khác trốn truy nã chỉ sau vài giờ bay.
Nắm bắt nhanh đặc điểm tình hình, giữa năm 2012 một Quy chế phối hợp giữa Cục Cảnh sát truy nã tội phạm C52 với Cục Hàng không Việt Nam đã được ký kết và triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương, ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Theo đó, để công tác trao đổi thông tin được kịp thời, Cục C52 và Cục Hàng không Việt Nam đã giao Trung tâm thông tin truy nã và truy tìm của Cục C52 và Phòng An ninh hàng không làm đầu mối liên lạc của hai đơn vị và thiết lập điện thoại nóng để tiếp nhận các thông tin và giải quyết các vụ việc đột xuất.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng kêu gọi quần chúng đề cao cảnh giác, dũng cảm tố giác tội phạm và vận động kẻ phạm tội truy nã tự giác quay về quy án để trả nợ lương tâm./.