Bài học về ứng xử với dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu truyền thông không vào cuộc và người dân bị xúc phạm không quyết liệt phản ứng thì sự việc một Phó Giám đốc Sở hách dịch, thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa khi thực hiện công vụ có thể đã không bị phát hiện ra.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách đây hơn một tháng, sáng 6/9, Phó Giám đốc Sở TN&MT một tỉnh phía Bắc cùng Đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra hiện trạng căn nhà của gia đình một hộ dân bị nứt, nghi do nổ mìn khai thác đá.

Kết thúc buổi làm việc, vị Phó Giám đốc Sở đi ra ngõ và có lời nói to tiếng, xưng “mày - tao”, nói một số câu như “cả gia đình nhà mày chết tao đi tù cũng được” hay “không lấy tiền tao không cho nữa”. Sau đó, vị cán bộ này lên ô tô rời đi.

Sự việc được nhiều cán bộ địa phương chứng kiến và camera an ninh của gia đình người dân bị xúc phạm ghi lại. Người dân đã gửi đơn đến UBND tỉnh yêu cầu xử lý hành vi của vị Phó Giám đốc Sở. Truyền thông cũng vào cuộc, phản ứng quyết liệt trước sự việc vị cán bộ hách dịch, lộng quyền.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, sau khi nhận được phản ánh về sự việc cán bộ ứng xử thiếu chuẩn mực với người dân khi thi hành công vụ, tỉnh đã yêu cầu xác minh, chấn chỉnh. Tại cuộc họp ngày 17/10, vị Phó Giám đốc Sở đã thừa nhận hành động khiếm nhã khi ứng xử với dân.

Vị cán bộ trên đến lúc này mới “thể hiện thái độ cầu thị, nhận thấy cái sai của bản thân là vì công việc chung nên nóng nảy, không kiểm soát được lời nói”, theo lời thuật lại của lãnh đạo tỉnh với báo chí và tại cuộc họp, vị này xin phép đến nhà người dân để xin lỗi. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu vị Phó Giám đốc Sở khi xuống địa phương cần đi cùng lãnh đạo huyện, xã để họ chứng kiến.

Vị Phó Giám đốc Sở sau đó quay lại nhà người dân bị xúc phạm nhưng chị này không có nhà. Ông đến trụ sở UBND xã viết thư xin lỗi, mong gia đình tha thứ cho hành động không đúng mực của mình. Ông nhờ Bí thư Đảng ủy xã chuyển thư tới gia đình người bị xúc phạm và hứa khi gia đình chị trở về sẽ đến gặp trực tiếp để xin lỗi lần nữa.

Theo quy định, vị cán bộ trên thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nên khi sự việc vi phạm bị phát giác, sẽ phải viết giải trình gửi lãnh đạo tỉnh để xin ý kiến các bước xử lý tiếp theo.

Sự việc tưởng chừng chỉ là một vài lời nói, nhưng nhỏ mà không nhỏ. Tất nhiên vị cán bộ biện bạch “áp lực công việc”, cũng có thể áp lực vì việc khó giải quyết, nhưng trong mọi trường hợp đều không thể được phép phát ngôn kiểu “giang hồ” “cả gia đình nhà mày chết tao đi tù cũng được”; không thể được phép hoang tưởng lộng quyền kiểu “không lấy tiền tao không cho nữa”. Thực hiện công vụ là chức trách của cán bộ, chứ không phải nắm quyền “sinh sát”, “xin - cho”. Để rồi sau một vài lời nói nóng nảy, là ân hận xin lỗi, là hệ quả phải chấp nhận.

Sự việc là bài học thực tế để mọi người rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc: Khi được tin tưởng giao trọng trách thì phải làm việc vì cái chung, đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu, tuyệt đối đừng hống hách hoang tưởng quyền lực.

Đọc thêm