Giao tiếp, ứng xử với tổ chức, công dân: Cán bộ, công chức cần có tác phong, thái độ đúng mực

(PLVN) -  Trong giao tiếp, ứng xử với tổ chức và công dân, cán bộ, công chức, viên chức cần có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.
Cán bộ, công chức, viên chức cần có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực. (Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitrethudo)
Cán bộ, công chức, viên chức cần có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực. (Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitrethudo)

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý quy định tại dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Bộ quy tắc Đạo đức công vụ, đang được Bộ Nội vụ xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Cơ sở để cán bộ, công chức rèn luyện bản thân

Mục đích của Bộ quy tắc này nhằm bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Đây cũng là cơ sở để CBCCVC tu dưỡng, rèn luyện bản thân; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Đồng thời, là cơ sở thực hiện việc giám sát, đánh giá đạo đức của CBCCVC; là căn cứ để cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật đối với CBCCVC theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nêu rất nhiều chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của CBCCVC. Theo đó, CBCCVC phải thiết lập sự tin tưởng, độ tin cậy cho tổ chức, công dân trong quá trình làm việc; tuân thủ pháp luật và cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật. Không được lợi dụng vị trí công tác, chức vụ để mưu cầu lợi ích cá nhân; không để các thành viên gia đình, CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác liên quan đến công việc, nhiệm vụ do CBCCVC có thẩm quyền giải quyết.

Khi thực hiện nhiệm vụ, CBCCVC phải hành xử nghiêm túc, đúng mực, lịch thiệp, không được có lời nói, cử chỉ, hành động, trang phục phản cảm; không thu thập, sử dụng, phát tán thông tin của tổ chức, cá nhân trái quy định của pháp luật; không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước dưới mọi hình thức.

Trong giao tiếp, ứng xử với tổ chức và công dân, CBCCVC cần có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân. Tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy trình, thủ tục và những thắc mắc, vướng mắc của công dân và tổ chức liên quan đến giải quyết công việc; khiêm tốn, tiếp thu các ý kiến góp ý của công dân và tổ chức.

Đặc biệt, dự thảo Bộ quy tắc cũng quy định, CBCCVC chỉ được tiếp công dân và tổ chức tại cơ quan, không hẹn gặp, không tiếp công dân và tổ chức bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc, tại nhà riêng.

Không làm việc riêng trong giờ làm việc

Bên cạnh những yêu cầu trên, dự thảo của Bộ Nội vụ cũng liệt kê nhiều quy tắc mà CBCCVC phải tuân thủ trong giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, với cấp trên, với cấp dưới, giao tiếp với cơ quan báo chí…

Cụ thể, trong giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, CBCCVC phải có tinh thần phối hợp, tương trợ với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ; tôn trọng, giữ gìn uy tín, danh dự cho đồng nghiệp; không bè phái, cục bộ, có lời nói, hành động gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, nói không đúng sự thật, hạ uy tín, trả thù cá nhân trong cơ quan, đơn vị. Cầu thị, chia sẻ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của đồng nghiệp; chân thành, thẳng thắn phê bình, góp ý với đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, khách quan trong các cuộc họp, đánh giá.

Trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, phải nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo, điều hành và phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ. Khi có căn cứ cho rằng quyết định của cấp trên trái pháp luật phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định, trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành phải chấp hành nhưng yêu cầu có ý kiến bằng văn bản và không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành đó, đồng thời báo cáo với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cấp trên; chủ động đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến với cấp trên về biện pháp quản lý, điều hành.

Đối với cấp dưới, phải giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của cấp dưới; không quan liêu, hách dịch, coi thường cấp dưới. Phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng, đúng người, đúng việc; không được chuyên quyền, độc đoán… Không chỉ đạo cấp dưới làm việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của CBCCVC và của cơ quan, đơn vị.

Trong sử dụng thời giờ làm việc, CBCCVC không được làm việc riêng và tham gia các hoạt động khác không liên quan đến công việc trong giờ làm việc. Không chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc…

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, CBCCVC có hành vi vi phạm các nội dung nêu trên thì cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm