Bài toán tài chính cho phát triển khu công nghiệp

(PLVN) - Từ nay đến năm 2030 ước tính sẽ có thêm khoảng 120.000 ha khu công nghiệp (KCN) cần được xây dựng với tài chính khoảng 72 tỷ USD. Nếu tính cả đầu tư phát triển hạ tầng KCN và lấp đầy các KCN thì con số đó lên tới khoảng 670-720 tỷ USD.
Hình minh họa. (Nguồn: Batdongsan)

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hơn 72%

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (KKT), Bộ KH&ĐT, trong năm 2023 cả nước có thêm 13 dự án đầu tư hạ tầng KCN đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh/chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 3.858 ha.

Như vậy, đến nay cả nước đã có 416 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Trong số các KCN đã được thành lập, có 296 KCN đã đi vào hoạt động (chiếm 71% tổng số KCN) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động, thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.

Lý giải về việc còn 1/3 KCN vẫn đang trong quá trình xây dựng, trong khi tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động mới đạt trên 74%, TS. Ngô Công Thành - Ủy viên ban Ban Chấp hành lâm thời Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) cho biết, hiện các địa phương và nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN trong nước vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư lấp đầy KCN, chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường và xã hội của dự án đầu tư, nên hiệu quả đầu tư phát triển các KCN chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Mặt khác, do năng lực tài chính hạn chế, chủ đầu tư hạ tầng KCN Việt Nam thường có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp, rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong KCN, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư. Sự giằng co, chờ đợi này đã khiến nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp…

Khơi thông các nguồn vốn

Dẫn nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, hệ thống chính sách tài chính áp dụng cho các KCN Việt Nam hiện nay nhìn chung đã bao gồm 5 nhóm chính sách: chính sách thuế phí, chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách đất đai, và các chính sách khác.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, các chính sách chủ yếu mới chỉ bao gồm chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ khác của địa phương. Vai trò của chính sách tín dụng còn tương đối mờ nhạt.

Đồng thời, nhiều vấn đề còn đặt ra như: Nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật KCN còn rất hạn chế, dẫn đến việc hạ tầng chưa hoàn thiện, quá trình xây dựng chậm trễ kéo dài nên khó thu hút đầu tư;

Đặc biệt đang tồn tại sự chồng chéo về quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn, dẫn đến một số KCN không được hưởng các chính sách ưu đãi; Chưa có chính sách tài chính ưu đãi cho các DN, dự án đầu tư thứ cấp trong KCN; Chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN đối với DN trong KCN cũng chưa thật sự thu hút;

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các KCN sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha KCN, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000 ha.

Theo ước tính của ISC, chi phí đầu tư phát triển một ha đất KCN bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các KCN đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD. Nếu tính suất đầu tư bình quân 6,5 triệu USD/ha đất công nghiệp thì nhu cầu thu hút vốn đầu tư lấp đầy diện tích còn lại của các KCN của Việt Nam đã được quy hoạch khoảng 600 - 650 tỷ USD. Còn tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng KCN và lấp đầy các KCN khoảng 670 - 720 tỷ USD.

Ngoài ra, còn phải tính đến nhu cầu vốn đầu tư đổi mới công nghệ của các DN trong KCN, tái cấu trúc và chuyển đổi các KCN hiện hữu thành các KCN sinh thái để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, hiện nguồn vốn phát triển KCN còn hạn chế, chủ yếu là vốn tự có của DN cộng với vốn ngân hàng, vốn trái phiếu chưa có gì, vốn phát hành trái phiếu gắn với KCN thì hầu như chưa có…

“Để huy động được nguồn vốn to lớn đầu tư vào các KCN, KKT trong những năm tới đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong việc khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư….”- TS. Ngô Công Thành - Ủy viên ban Ban Chấp hành lâm thời VIPFA, Phó Chủ tịch ISC nói.

Đọc thêm