Bài viết “Nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1969

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nói đến ngày Giỗ Tổ, mùng 10 tháng 3 (âm lịch), người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, xu hướng chính trị, ai cũng cảm thấy nao nao trong lòng, lắng mình suy nghĩ: nghĩ đến cội nguồn, đến lịch sử lâu dài và vinh quang của dân tộc, nghĩ đến công lao của tổ tiên đã xây dựng và bảo vệ đất nước qua hàng nghìn năm văn hiến, nghĩ về những đóng góp cho đất nước thêm giàu mạnh và tươi đẹp.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có bài viết “Nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng” đăng trên Báo Nhân dân ngày 29/4/1969. Bài viết này hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông GS.TS Sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, Hồ sơ 942, tờ số 2 - 3.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông GS.TS Sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, Hồ sơ 942, tờ số 2 - 3.

Mở đầu bài viết Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng: tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc xây dựng và giữ nước...” [2].

Trong bài viết, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu lên một số nội dung chính sau:

“Nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng, chúng ta hãy nhìn kỹ lại điều đó trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Thật là kỳ diệu! Đến nay sử sách mà ta biết được viết về Vua Hùng thật là ít ỏi, vẻn vẹn chỉ trong mấy trang giấy và chắc chắn là không thể tin được hết vì nhiều lẽ! Nhưng may mắn thay! Ở đây chúng ta có một nguồn sử rất quý giá là truyền thuyết trong dân gian…Liên quan đến thời Vua Hùng, thời kỳ lập nước của dân tộc Việt Nam ta, chúng ta có những truyền thuyết hay và đẹp lạ lùng! Tất nhiên đây là truyền thuyết đã trải qua mấy nghìn năm, biết bao biến đổi và vì vậy có chỗ khác nhau trong câu chuyện truyền miệng của dân gian. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta cần phải thấy ý nghĩa chính của câu chuyện, của truyền thuyết: Vua Hùng là tổ tiên của dân tộc Việt Nam ta, lúc dân tộc ta trở thành một nước, và đó là nước Văn Lang”. [3].

Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ trong bài viết của Thủ tướng rất đặc biệt: “Đối với một dân tộc, đây là một vấn đề, một vấn đề lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì đã trải qua mấy nghìn năm, biết bao thế hệ, biết bao biến đổi mà người Việt Nam ta vẫn tưởng nhớ Vua Hùng với tất cả tình yêu và lòng tin, đến ngày nay, tình yêu và lòng tin đó lại càng sâu sắc và đẹp đẽ, thì sự tưởng nhớ đó phải có sức mạnh lạ thường, phải có gốc rễ rất vững chắc. Tất cả những điều này sẽ sáng hẵn với chúng ta lúc chúng ta thấy rõ sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam ta trong cuộc chống Mỹ, cứu nước hiện nay cũng như trong toàn bộ lịch sử của mình từ thời Vua Hùng. Sự tưởng nhớ Vua Hùng là một biểu hiện của sức sống mạnh liệt này, một biểu hiện của niềm tự hào dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, ý chí kiên cường bất khuất, đã thể hiện trong cuộc đấu tranh không ngừng và vô cùng ác liệt chống ngoại xâm và thiên nhiên, làm nảy nở những đức tính cổ truyền của dân tộc: anh dũng, cần cù, thông minh, sáng tạo...”. [4].

Lịch sử oai hùng chống ngoại xâm, bảo vệ, xây dựng đất nước được Thủ tướng nhắc nhở: “Chúng ta hãy ngẫm nghĩ về truyền thuyết Thánh Gióng! Ở đây có màu sắc thần thoại, tất nhiên! Nhưng ở đây chắc chắn có cái cốt của câu chuyện: một trang sử oanh liệt chống ngoại xâm trong đó nổi bật chiến công của con em người dân thường. Ngày nay ở nhiều nơi thuộc Hà Nội và Hà Bắc, còn có đền thờ Thánh Gióng. Còn Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh! Rõ ràng đây là bản anh hùng ca biểu dương cuộc đấu tranh anh dũng và bền bỉ của dân tộc ta chống nạn bão lụt: Ở đây con người không ngừng vươn lên vượt trên mức nước để chiến thắng thiên nhiên. Ngày nay ý nghĩa sâu xa của câu chuyện thần thoại này còn rất thiết thực đối với chúng ta…” [5].

“Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân ta qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích. Nghiên cứu buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc thời kỳ Hùng Vương và trước nữa, chúng ta không chỉ dựa vào một ít tài liệu lịch sử, cũng không chỉ tìm hiểu qua các truyền thuyết, chúng ta còn một kho tàng rất phong phú và quý giá vô ngần: đó là những di tích do người xưa để lại, được bảo tồn khá chu đáo trong lòng đất mà ngày nay khảo cổ học phải nghiên cứu” [6].

Cuội nguồn lịch sử dân tộc được khảo cứu, minh chứng qua con đường khảo cổ học đã được Thủ tướng đề cập trong bài viết: “Khảo cổ học, một khoa học với ý nghĩa chính xác của nó, nói chung là còn trẻ, ở nước ta chỉ mới bước đầu. Tuy vậy, những di vật mà chúng ta đã tìm thấy hơn 10 năm qua nhờ các cuộc khai quật ở trung du, ở đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Liên khu 4 (cũ) thật là phong phú và đã vượt qua nhiều lần tất cả những gì đã được thu thập từ trước. Những di vật đó, không chút nghi ngờ, có thể kể lại cho chúng ta những thời kỳ lịch sử rất xưa của dân tộc Việt Nam ta, của con người trên dải đất này. Ý nghĩa quan trọng của những di vật đó là ở chổ chẳng những nó chiếu một ánh sáng mới làm thêm rực rỡ nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng trên thế giới mà còn phát hiện một nền văn hóa lâu đời hơn văn hóa Đông Sơn, sản sinh trên đất nước ta, cùng với văn hóa Đông Sơn hình thành một sự diễn biến văn hóa và lịch sử liên tục từ khoảng cuối thời đại đồ đá mới qua thời đại đồ đồng đến thời đại đồ sắt sớm. Các loại công cụ lao động, các loại đồ dùng trong nhà, đồ trang sức, các loại vũ khí để săn bắn, nhất là để đánh giặc, qua thời gian, qua sự phát triển về mọi mặt của xã hội nước ta thời xưa đã có những bước tiến bộ rõ rệt. Ai đã từng thấy những di vật đồ đá, đồ xương, từ cái rừu rất nhẵn, rất sắc, cho đến cái vòng tay hoặc chuỗi hạt bằng đá với hình dáng đẹp và nghệ thuật tinh, các loại đồ gốm với những hoa văn trang trí đẹp và tinh xảo, rồi đến những di vật đồ đồng, từ những trống đồng rất lớn với hình khắc mô tả đời sống xã hội cho đến những mũi tên đồng nhiều kiểu khác nhau, đều phải ngạc nhiên về kỹ thuật và nghệ thuật của người thợ thủ công lúc bấy giờ…” [7].

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng lưu ý: “…Tất cả những gì chúng ta đã khai quật được chỉ là một phần nhỏ, có thể rất nhỏ trong kho tàng vô giá mà lòng đất còn cất giữ. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục tổ chức các cuộc khai quật có trọng điểm, có kế hoạch. Đồng thời, chúng ta luôn luôn tham khảo những hiểu biết mới của ngành khảo cổ ở các nước láng giềng và nhiều nước khác. Thái độ khoa học nghiêm túc trong việc nghiên cứu buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng đầy đủ, cùng với khảo cổ học, tất cả các ngành khoa học có liên quan, với những thành quả và phương pháp hiện đại của mỗi ngành. Đó là các ngành sử học, cổ nhân học, dân tộc học, ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học dân gian, địa chất học, còn có thể có những ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên khác…” [8].

Năm tháng trôi qua, nhưng đọc lại bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thế hệ hôm nay càng hiểu hơn về sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo nhà nước đối với việc gìn giữ, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, qua bao thế hệ, bao biến động, người Việt Nam ta vẫn tưởng nhớ Vua Hùng ở buổi đầu dân tộc thành hình với tất cả tình yêu và lòng tin, sâu sắc, mạnh mẽ. Ngày 10 tháng 3 là ngày để con dân Việt cùng nguyện một lòng vì dân tộc Việt và mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”./.

------------

Chú thích:

1. Phông GS.TS Sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, Hồ sơ 942, tờ số 2 - 3.

2.3.4.5. Phông GS.TS Sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, Hồ sơ 942, tờ số 2.

6.7,8. Phông GS.TS Sử học - Xã hội học Phạm Huy Thông, Hồ sơ 942, tờ số 3.

Đọc thêm