Bản án bít đường đi lại, người dân khổ cực sống trong ốc đảo

Hàng chục người dân ở ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát (Bình Dương) đang sống trong tình trạng vô cùng khó khăn vì bị chặn lối đi vào nhà. Mỗi lần muốn đi đâu họ phải đi qua suối bằng mấy cây cừ tràm chênh vênh. Con đường duy nhất để vào nhà mà họ đã sử dụng mấy chục năm nay đã bị một bản án bít lại.

Hàng chục người dân ở ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát (Bình Dương) đang sống trong tình trạng vô cùng khó khăn vì bị chặn lối đi vào nhà. Mỗi lần muốn đi đâu họ phải đi qua suối bằng mấy cây cừ tràm chênh vênh. Con đường duy nhất để vào nhà mà họ đã sử dụng mấy chục năm nay đã bị một bản án bít lại.

Lối đi chung mấy chục năm qua giờ đã bị bịt kín khiến nhiều hộ dân phải lội suối hàng ngày...

Sống trong “ốc đảo”

Hiện có gần 30 con người của nhiều hộ dân và rất nhiều công nhân cạo mủ cao su hằng ngày phải lội suối để ra vào trên những cây cừ tràm bắc ngang suối làm cầu đi lại. Chỉ cần một cơn mưa, nước từ đầu nguồn đổ về sẽ ngập đến tận cổ và cứ bắc cây cầu nào là bị cuốn phăng cầu đó; gặp lúc có đau bệnh, cấp cứu thì coi như phó mặc cho số phận.

Một bé gái 5 tuổi sống trong “ốc đảo” này hằng ngày cha mẹ phải cõng qua suối đi học rất cực khổ từ mấy tháng nay, bên kia suối là phần đất của người khác, nếu họ không cho đi nhờ nữa thì đành chịu. Lội suối là con đường duy nhất để người dân trong “ốc đảo” đi lại, vận chuyển hàng hóa hết sức nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão. Các hộ dân cho biết con đường duy nhất để họ đi lại hàng chục năm nay đã bị xây bít lại hồi tháng 8 năm trước tới giờ.

Bà Đoàn Ngọc Huệ, một người dân bị “bịt đường vào nhà” trong ấp Cây Sắn cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi bầy heo hơn hai trăm con, giờ phải thuê người cõng thức ăn lội suối đưa vào, không thì heo chết, thậm chí thua lỗ nặng nữa. Heo đến lứa xuất chuồng không thể đưa ra đường cái bán được, phải gọi thương lái vào bán rẻ. Thương lái mua cao su cũng phải bỏ xe tải ngoài đường cái, phải thuê nhân công vào vườn khuân hàng ra, từ đó họ ép giá không còn đường sống”.

Trước khi lối đi này bị tranh chấp, các hộ dân ở đây sử dụng một lối đi công cộng để ra đường lộ lớn; mới đây, chủ đất rào chắn lối đi này nên đường đi lại của người dân đã bị chặn. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, lối đi chung này có từ sau năm 1975, người dân ở đây khai hoang làm nghề trồng lúa, bắp, mì, đốn củi, dùng xe bò để chở các sản phẩm qua lại nên con đường này được đặt tên là “đường xe bò”.

Đến khoảng năm 1987-1988, Tỉnh đội Tiền Giang về đây, nới rộng đường này cho xe bốn bánh vào, khai phá để trồng xoài, nhãn và sau đó sang nhượng lại cho dân, hiện đa số đã được cấp giấy chủ quyền. Hai bên đường đã có dây điện chạy suốt vào từng hộ dân, mỗi lần cần sửa chữa, bảo dưỡng, đây là đường duy nhất để Cty điện lực ra vào nhưng giờ thì tất cả không có lối thoát.

Đường độc đạo bị chặn

Theo tường trình, vào năm 2001, bà Huệ mua đất trồng cao su, chăn nuôi heo gà. Bốn năm sau, vợ chồng ông Phạm Đình Bộ mua phần đất ở phía trước nhà bà, xây bít lối đi chung của các hộ phía sau. Từ đó ông Bộ và các hộ dân nảy sinh tranh chấp.

Ngày 27/8/2005, hòa giải tại ấp, lãnh đạo ấp và bà con trong ấp đều xác nhận lối đi chung hiện hữu trên 30 năm, không của riêng ai. Tuy nhiên, tại các lần hòa giải sau đó, chẳng hiểu sao lối đi lại thuộc sở hữu của ông Bộ. Tranh chấp lên tới đỉnh điểm không  thể giải quyết bằng tình được khi vào tháng 9/2008, ông Bộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm cả lối đi này.

Sự việc được ông Bộ đưa ra Tòa kiện bà Huệ và hai hộ dân nữa đòi lối đi chung với tổng diện tích lên tới 1.630 m. Thật bất ngờ, TAND huyện Bến Cát đã tuyên bà Huệ và các hộ dân phải trả lại phần đất công cộng đang được sử dụng chung làm lối đi cho ông Bộ; sau đó, cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Bình Dương cũng y án. Cả hai cấp Tòa đều nhận định, phần đất mà ông Bộ được cấp giấy chủ quyền không thể hiện lối đi tranh chấp.

Sau phiên phúc thẩm, bà Huệ về Tiền Giang nhờ xác nhận con đường đang tranh chấp là chung, được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang trả lời bằng văn bản ngày 5/9/2012: Năm 1994, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có mở một con đường đất nội bộ ngang 6m, dài 1 cây số chạy dọc từ mặt đường lộ đất đỏ đến hướng ra suối để thuận tiện đi lại và vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Các hộ dân gửi đơn đến huyện xin điều chỉnh quyền sử dụng đất của ông Bộ,  trả lại con đường ra vào duy nhất mà họ đã sử dụng lâu nay. Hiện tại, UBND huyện Bến Cát đã có 2 văn bản cuối năm 2012 và đầu năm 2013 chỉ đạo Phòng TN&MT huyện, UBND xã Lai Uyên “khảo sát thực tế, báo cáo cụ thể việc sử dụng lối đi của các hộ dân từ trước đến nay và tình hình cụ thể hiện nay”. Tuy nhiên, cho đến khi người dân lên xã hỏi thì vẫn chưa có động thái gì trả lời cho các hộ dân và chỉ đạo của huyện.

Như vậy, mấy chục người dân ở ấp Cây Sắn sẽ tiếp tục đi lại như thế nào khi đường trước nhà bị bịt kín? Họ cố gắng liên hệ với UBND xã Lai Uyên hỗ trợ, thiết lập một lối đi tạm thời cũng không được, buộc phải sống trong cảnh vô cùng bế tắc nhưng chẳng biết kêu ai. “Ở vùng sâu vùng xa, người ta còn đào lộ, bắc cầu cho dân đi, vậy mà ngay giữa đồng bằng vẫn còn mấy chục con người phải khốn khổ như sống trong ốc đảo, cách biệt với bên ngoài” - bà Huệ ngao ngán.

Bản án đã có hiệu lực thi hành, nên chăng cần xem lại việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ bao gồm cả lối đi chung cho gia đình ông Bộ, bởi đây là lối đi chung mấy chục năm qua…

Ngọc Quý

Đọc thêm