Bàn cách xóa tình trạng “mạnh ai nấy… ban hành” văn bản QPPL

Theo các chuyên gia, những hạn chế về công tác xây dựng pháp luật thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nằm ngay trong bản thân qui định của Luật ban hành VBQPPL (năm 2008) và Luật ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (năm 2004).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo Luật Ban hành Văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) sáng qua chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban soạn thảo Dự án Luật này để cho ý kiến về việc xây dựng đề cương Dự thảo Luật.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Soạn thảo Dự án Luật.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Soạn thảo Dự án Luật.

Luật trung ương khác luật địa phương?

Theo các chuyên gia, những hạn chế về công tác xây dựng pháp luật thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nằm ngay trong bản thân qui định của Luật ban hành VBQPPL (năm 2008) và Luật ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (năm 2004).

Ông Nguyễn Hồng Tuyến (Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp) cho biết, việc tồn tại hai đạo luật cùng qui định về ban hành VBQPPL  gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất.

Nội dung của Luật năm 2008 điều chỉnh cả hoạt động ban hành văn bản của chính quyền địa phương, nhưng vẫn đang được hiểu là Luật ban hành VBQPPL của trung ương nên Luật năm 2008 không được quan tâm thực hiện trong hoạt động ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc tạo cơ sở pháp lý chung để xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ.

Tính đến năm 2012, nước ta có 354 luật, pháp lệnh, điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực đời sống xã hội.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII có 132 dự án luật, pháp lệnh để đạt mục tiêu đến hết nhiệm kỳ (vào năm 2016) phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng đầy đủ luật điều chỉnh các lĩnh vực, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật góp phần quản lý xã hội.

Bên cạnh đó, hai Luật năm 2004 và 2008 đang có những qui định không thống nhất dẫn đến cách hiểu khác nhau trong hệ thống pháp luật rằng hệ thống các văn bản của trung ương khác hệ thống các văn bản của địa phương, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành các văn bản dưới luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu vào việc hoàn thiện pháp luật

Đại diện các bộ, ban, ngành đều nhận thấy, tiến hành sửa đổi, bổ sung các qui định của hai luật ban hành VBQPPL và xây dựng một Dự án Luật ban hành VBQPPL chung trên cơ sở hợp nhất hai luật ban hành VBQPPL hiện hành để đáp ứng yêu cầu mới về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng VBQPPL, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NNPQ XHCN và mở rộng hội nhập quốc tế là cần thiết.

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Sỹ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), cùng với việc xây dựng một qui trình thống nhất cho việc ban hành VBQPPL chung cho cả T.Ư và địa phương, Dự án Luật ban hành VBQPPL cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về xây dựng pháp luật với việc phân định rõ hơn thẩm quyền ban hành VBQPPL của các cơ quan lập, hành, tư pháp cho phù hợp nguyên tắc Hiến định là có sự phân công rành mạch, kiểm soát giữa các quyền; thẩm quyền ban hành VBQPPL của cơ quan T.Ư và địa phương theo nguyên tắc quyền lực là tập trung và thống nhất từ T.Ư đến địa phương.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật ban hành VBQPPL sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại các kỳ họp vào năm 2014.

Huy Anh

Đọc thêm