Theo hồ sơ vụ án, cuối những năm 1980, Lê Văn Đại (SN 1961, quê Thanh Hóa) cùng gia đình đi vùng kinh tế Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước) để mưu sinh. Năm 1992, Đại làm bảo vệ Nông trường Suối Nhung (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước ngày nay) với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Ngày 1/12/1992, sau khi đi tuần tra về, Đại có mang theo khẩu súng AK47 về nhà anh trai của mình là Lê Xuân Hành ở huyện Đồng Phú.
Do chiếc xe đạp bị hư nên Đại mang ra ngồi trước cửa nhà anh trai để sửa. Khi Đại đang còn mải mê với công việc của mình thì anh Nguyễn Hồng Quân (là hàng xóm với anh em Đại) vác cây rựa xông tới chém từ trên xuống đầu Đại. May mắn Đại né được, nhưng cũng bị sượt vào miệng làm mẻ răng hàm dưới của Đại.
Thấy em trai bị hàng xóm chém, anh trai Đại cầm gậy xông ra giải cứu, nhưng kết cục bị anh Quân vung rựa chém tới tấp nhiều nhát vào người. Sau khi hạ gục anh trai của Đại, anh Quân vác rựa ra về.
Quá uất ức vì anh em mình không làm gì nên tội mà bị anh Quân cầm rựa tới nhà chém nên Đại quyết làm cho ra lẽ. Đại chạy vào nhà lấy khẩu súng rồi chạy tới nhà anh Quân. Tại đây Đại hỏi: “Anh em tao làm gì mày mà mày lại chém anh em tao?”. Người hàng xóm cũng xấc xược trả lời: “Anh em mày là cái gì chứ, tao chém chết anh em mày”. Vừa nói anh Quân vừa cầm rựa đi tới chỗ Đại. Thấy vậy, Đại cảnh báo: “Mày bước tới là tao bắn”.
Mặc dù đã được Đại răn đe nhưng anh Quân vẫn liều mình xông tới. Khi anh Quân còn cách Đại chừng 5m thì Đại siết cò hạ gục người hàng xóm. Sau đó Đại bỏ chạy và vứt khẩu súng xuống suối. Khẩu súng này đã được một người anh trai khác của Đại vớt lên giao nộp cho công an.
Sau khi gây án, Đại đã bỏ trốn, sống lưu lạc nhiều nơi như lên Đắk Lắk, Kon Tum đi làm thuê cuốc cỏ rẫy cà phê, hồ tiêu… nhằm tránh sự truy lùng của cơ quan chức năng. Sau nhiều năm sống lưu lạc, Đại tưởng không ai phát hiện ra mình nên dùng giấy tờ tùy thân giả với tên gọi mới là Lê Xuân Hòa, ra Quảng Bình xin làm công nhân rồi lên chức Tổ trưởng cơ khí của một nhà máy ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Tuy nhiên, tung tích của Đại đã nằm trong tầm ngắm của nhà chức trách. Đầu năm 2015, sau 23 năm “sống ngoài vòng pháp luật”, Lê Văn Đại đã bị nhà chức trách bắt về quy án.
Với hành vi đó, Đại bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước truy tố về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Tại phiên tòa sơ thẩm, xét thấy bị cáo đại có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, phạm tội do người bị hại đã có hành vi trái pháp luật chém trọng thương anh trai Đại (mất 30% sức khỏe), còn Đại bị mẻ răng… Do đó, HĐXX cấp sơ thẩm chỉ tuyên phạt bị cáo Đại 2 năm tù.
Không đồng tình với bản án này, gia đình bị hại đã kháng cáo đề nghị thay đổi tội danh sang một tội khác nặng hơn. Vừa qua, TAND Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại đây, bị cáo Đại thừa nhận toàn bộ hành vi như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn diện tính chất của vụ án, biết rằng lỗi do một phần nạn nhân gây ra, nhưng bị cáo lại chủ động cầm súng đi tìm nạn nhân… Chính vì vậy, HĐXX quyết định chuyển đổi tội danh từ “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” sang tội “Giết người” và tuyên tăng từ 2 lên 9 năm tù đối với bị cáo.
Sau bản án, vẫn có nhiều luồng ý kiến trái chiều về quyết định thay đổi tội danh và tăng mức hình phạt đối với bị cáo Đại. Có người cho rằng tội danh mà cấp sơ thẩm tuyên là đúng vì rõ ràng anh em Đại không hề mâu thuẫn gì với nạn nhân, nhưng bị nạn nhân cầm rựa tới nhà chém khiến anh của bị cáo Đại trọng thương.
Cú chém của nạn nhân với bị cáo cũng nhằm tước mạng sống của bị cáo vì chém từ trên xuống đầu, may mắn bị cáo tránh được nên chỉ bị sượt vào hàm dưới, nếu không tránh được thì bị cáo chưa chắc bảo toàn được tính mạng. Chính vì tinh thần bị kích động mạnh nên bị cáo mới cầm súng đi tìm nạn nhân. Thế nhưng, khi vừa gặp thì nạn nhân lại thách thức, cầm rựa xông tới chém bị cáo. Dù được cảnh báo nhưng nạn nhân vẫn xông tới nên bị cáo mới bóp cò. Nếu như bị cáo không bắn thì có thể đã bị nạn nhân chém…
Bên cạnh đó, vẫn có luồng ý kiến cho rằng quyết định thay đổi tội danh, mức hình phạt của cấp phúc thẩm là đúng vì hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã dừng lại và đi về nhà. Tuy nhiên, bị cáo lại đủ bình tĩnh vào nhà lấy súng đi tìm nạn nhân. Khi nạn nhân cầm rựa xông tới thì bị cáo có thể tìm cách giải quyết khác như bỏ chạy, nhưng bị cáo không làm mà vẫn đứng lại rồi bóp cò khiến nạn nhân tử vong, như vậy chứng tỏ bị cáo rất bình tĩnh, chủ động giết người…
(Tên bị hại đã được thay đổi)