Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe báo cáo về việc triển khai các nội dung về quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Thời gian qua, việc thực hiện dân chủ trong các loại hình cơ sở tại Phú Thọ có nhiều chuyển biến, thực chất và hiệu quả hơn. Dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân được biết, được bàn, được quyết định và kiểm tra, giám sát những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình.
Ban chỉ đạo quy chế dân chủ các cấp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hướng sát cơ sở, gần dân, trọng dân, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao.
Hiện toàn tỉnh có 225 ban thanh tra nhân dân với 2.445 thành viên; 225 ban giám sát đầu tư cộng đồng với 2.348 thành viên. Năm 2021, ban thanh tra nhân dân đã tiến hành 482 cuộc giám sát, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tiến hành 527 cuộc giám sát. Sau thanh tra, giám sát đã kiến nghị xử lý 95% vụ việc.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ tỉnh Phú Thọ |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Công Thủy cho biết, những kết quả mà tỉnh Phú Thọ đạt được trên các lĩnh vực thời gian qua có đóng góp quan trọng từ việc phát huy dân chủ tại cơ cở. Đây là điều kiện tiên quyết để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ đề nghị thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương tiếp thu những kiến nghị, vướng mắc từ cơ sở... đề xuất với Trung ương ban hành các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo để việc thực hiện dân chủ tại cơ sở ngày càng đi vào thực chất hơn, góp phần quan trọng vào đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 23/5, Đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ huyện Đoan Hùng |
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam đánh giá cao kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh Phú Thọ.
Thời gian qua, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, sáng tạo, có nhiều cách làm hay trong phát huy dân chủ ở cơ sở trong công tác xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội đảm bảo, cải cách hành chính... Đồng thời phát huy được sức mạnh đại đoàn kết, sự ủng hộ, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Người dân là chủ thể, trực tiếp tham gia, được hưởng lợi. Niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền được nâng lên.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, đoàn công tác sẽ tổng hợp, trình Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện xây dựng pháp luật.
Trước đó vào ngày 23/5, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ huyện Đoan Hùng và Công ty CP Giấy Việt Trì.
Làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ huyện Đoan Hùng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà huyện Đoan Hùng đã đạt được trong thực hiện dân chủ tại cơ sở. Đồng thời mong muốn huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy dân chủ tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tại buổi làm việc với Công ty CP Giấy Việt Trì, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam đề nghị công ty tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở. Người sử dụng lao động và người đại diện người lao động thường xuyên trao đổi, bàn bạc, thống nhất, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Cùng với đó là đưa việc thực hiện quy chế dân chủ thành tiêu chuẩn để xem xét, công nhận danh hiệu thi đua hàng năm...