Ám ảnh “cái chết trắng”
Theo ông Chảo A Chính (thôn phó thôn Giang Đông), ngôi làng Giang Đông có từ trước thời điểm xã Ea Đăh được thành lập. Nằm cách trung tâm xã chưa đầy 20km nhưng từ nhiều năm nay người dân ở thôn Giang Đông vẫn sống trong cảnh cái nghèo đeo bám dai dẳng.
Toàn thôn Giang Đông có 157 hộ thì có tới 147 hộ thuộc diện hộ nghèo. Người dân trong làng đa phần canh tác các cây hoa màu ngắn ngày như mì, bắp, và chăn nuôi gia súc nhỏ. Tuy nhiên, nhìn chung dân cư ít tập trung vào sản xuất, hơn nữa mất mùa, đói kém xảy ra liên miên nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Gần 100% người dân trong làng là người đồng bào dân tộc H’Mông, thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc (chủ yếu là tỉnh Yên Bái), di cư đến đây từ những năm 1996. Họ tự động di cư, đồng thời cũng chính họ mang theo ma túy từ quê hương đến reo rắc ở mảnh đất này.
Theo thống kê, hiện nay trong thôn có gần 20 người được xác định đã nghiện ma túy, 3 trường hợp thuộc diện tình nghi, đang được theo dõi. Đa phần những người nghiện là đàn ông ở độ tuổi trung niên. Trước đây, trong thôn từng có tới 3 cặp vợ chồng cùng nghiện ma túy.
Để có tiền chơi ma túy, thỏa mãn cơn thèm khát, các con nghiện có thể làm mọi thứ. Bởi vậy, tình hình an ninh trên địa bàn khá phức tạp, trộm cắp vặt xảy ra liên miên. Đặc biệt, do nơi đây nằm gần khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar), nghiễm nhiên tạo điều kiện thuận lợi cho các con nghiện trở thành lâm tặc kiếm tiền mua “chất trắng”.
Nhiều con nghiện chấp nhận tiếp tay cho kẻ xấu, vận chuyển ma túy chỉ với 50 ngàn đồng một chuyến gỗ lậu. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp ông bố bà mẹ đồng ý bán con để có tiền hút chích.
Nói về vấn đề này, ông A Chính ngao ngán lắc đầu tâm sự:“Theo tôi được biết, nguồn ma túy chủ yếu được người dân vận chuyển từ ngoài Bắc vào.
Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần trực tiếp vận động, tuyên truyền đến người dân về tác hại và sự nguy hiểm của ma túy nhưng do nhận thức của người dân nơi đây quá kém nên đa phần công tác dân vận chưa tạo được hiệu quả cao.
Nhận thức được vấn đề đó nên chúng tôi vẫn tiếp tục kết hợp với các ban ngành tăng cường công tác tuyên truyền vận động những con nghiện cai nghiện dứt điểm”.
Theo ông A Chính, cũng chính vì nhận thức kém mà tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cũng xảy ra rất nhiều. “Điều tôi ao ước nhất hiện nay là mong sao cho dân làng được no bụng, mong lớp trẻ được học hành tới nơi tới chốn. Bên cạnh đó, người dân thoát khỏi cơn mộng mị của “ả phù dung” để tương lai không xa ngôi làng sẽ tạo được diện mạo mới khởi sắc hơn”- Ông A Pính chia sẻ thêm.
Chị Sùng Thị Ư buồn bã tâm sự |
Giấc mơ mòn mỏi
Vào một ngày đầu tháng 11, từ trung tâm xã chúng tôi phải vượt qua những đoạn đường đèo dốc nhày nhụa bùn đất mới đặt đến được thôn Giang Đông. Mở đầu câu chuyện, chúng tôi được lắng nghe một trường hợp rất đỗi bi ai. Mặc dù đã xảy ra cách đây 2 năm, nhưng khi nhắc lại, trên vẻ mặt mọi người trong làng vẫn chưa hết bàng hoàng.
Không biết từ lúc nào, cả hai vợ chồng anh Sùng A Song đều nghiện ma túy. Vào một ngày giữa năm 2014, Sùng A Song sau những ngày vật vã trong đau đớn vì nghiện ngập đã qua đời, đáng sợ hơn, chưa đầy 5 ngày sau, dân làng lại sửng sốt nghe tin vợ anh A Song cũng ra đi cũng vì “chất trắng”, để lại hai con nhỏ sống lay lắt, không nơi nương tựa.
Theo chân cán bộ biên phòng và cán bộ thôn, chúng tôi tìm đến ngôi nhà từng có hai người thiệt mạng vì ma túy ấy. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng hết sức đau lòng. Mái nhà tranh dột nát, lạnh tanh như một ngôi nhà hoang.
Được biết, sau khi hai vợ chồng anh Sùng A Song qua đời, người em trai của anh A Song đã chuyển đến đây sống để trông coi và tiện việc nhang khói. Nhưng hiện tại, người em trai ấy đã về quê ở. Riêng hai người con bất hạnh của anh A Song, người con trai đã đi lấy vợ, còn đứa con gái may mắn đang được đến trường.
Gần đó, một nạn nhân khác của ma túy là chị Sùng Thị Ư cũng đang rơi vào bi kịch khi cả hai vợ chồng đều nghiện ma túy. Hoàn cảnh gia đình khó khăn đông con (5 người con) lại nghiện ngập, anh chị đành lòng bán đi đứa con út Sùng A Mình (6 tháng tuổi) với giá gần 4 triệu đồng.
Ngoài ra, để có tiền, anh Hờ A Hủ (chồng chị Ư) còn nhận lời kẻ xấu đi vận chuyển ma túy. Không lâu sau, anh A Hủ bị lực lượng công an bắt quả tang trong lúc đang thực hiện hành vi trái pháp luật. Sau quá trình điều tra, anh A Hử bị bắt giam, riêng chị Ư vì con nhỏ nên được cho tại ngoại.
Với khuôn mặt khắc khổ chị Ư tâm sự: “Biết đó là việc làm sai trái nhưng vừa nghiện vừa không có tiền trang trải nên chồng tôi vẫn nhắm mắt làm liều”.
Nói về thông tin bán đứa con út, chị Ư phủ nhận và cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, không thể nuôi nổi, thấy gia đình người em gái không có con lại có ý muốn xin nuôi nên tôi đã nhận lời. Số tiền đó chỉ là phụ tiền sữa, tiền ăn uống trong thời gian mang thai mà thôi”.
Trong ngôi nhà tranh tuềnh toàng, không có lấy một thứ đáng giá ngoài chiếc giường, cái võng để nằm. Chị Ư cho biết, trong 5 đứa con thì đứa lớn đã đi lấy chồng, đứa thứ hai đang được một nhà thờ ở Sài Gòn nhận nuôi, còn lại đang ở với chị, riêng đứa út thì cho em gái nuôi.
“Vì hoàn cảnh quá khó khăn, vợ chồng tôi đành để con cái mỗi đứa mỗi nơi. Giờ chồng ngồi tù rồi, còn một mình lo cho các con nhỏ, tôi chưa biết sẽ làm gì để cho chúng được no cái bụng, ấm cái thân nữa!”- Chị Ư tâm sự.
Ngoài hai trường hợp trên, ông A Chính còn cho biết thêm nhiều trường hợp rơi vào bi kịch vì ma túy. Cũng như gia đình chị Ư, để có tiền mua ma túy về sử dụng, anh Hờ A Thái đã bán đứa con sơ sinh với giá 5 triệu đồng. Tài sản trong nhà các con nghiện cũng dần dần “không cánh mà bay”. Thậm chí có những trường hợp bán cả bò do Nhà nước hỗ trợ để thỏa mãn cơn mộng mị của “nàng tiên nâu”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Xuân Hạnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Đăh) chia sẻ: “Xã Ea Đăh là một điểm nóng về sử dụng và mua bán chất ma túy, do đó, tình hình an ninh trật tự ở đây rất phức tạp.
Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức xuống địa bàn tuyên truyền về tác hại và sự nguy hiểm của ma túy. Bên cạnh đó, tích cực lồng ghép những nội dung này trong các hội nghị, thậm chí kết hợp với các xã kết nghĩa xuống động viên, thăm hỏi người dân nhưng tình hình ma túy vẫn hết sức phức tạp”.
Ông Hạnh thông tin thêm, trước đây, xã từng xử lý nhiều vụ liên quan đến mua bán và sử dụng ma túy, trong đó, có những trường hợp đối tượng là đại biểu hội đồng nhân dân, là công an viên.
Nói về những trường hợp bán con để có tiền mua ma túy, ông Hạnh cho biết: “Những trường hợp này xã chưa nắm được thông tin chính thức, họ cũng chưa làm thủ tục giao nhận con. Có thể, do điều kiện gia đình quá khó khăn nên họ cho anh em, họ hàng nuôi”.