Bỗng dưng mất đất?
Phản ánh đến Báo PLVN, ông Nguyễn Văn Xu cho biết: năm 1964, ông mua của vợ chồng cụ Nguyễn Đình Côi và cụ Nguyễn Thị Bến mảnh đất diện tích 1 sào 12 thước (khoảng 648m2 tại xóm An Lạc, thôn Hòa Bình, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ - nay thuộc tổ 14, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội).
Văn tự chuyển nhượng đất là “Đơn xin nhường lại vườn trại” được ông Nguyễn Văn Sưởng - Chủ nhiệm HTX Quyết Tâm lúc đó nhận thực và đóng dấu. Đến tháng 2/1965, ông đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu, tất cả giấy tờ về đất đai cùng kim loại quý ông gửi lại cho mẹ đẻ là cụ Đặng Thị Tùng trông giữ hộ. Đến năm 1975, do bị thương nên ông được đưa ra miền Bắc điều trị rồi chuyển công tác. Sau đó mẹ ông đã bàn giao lại giấy tờ mua bán đất cho ông.
“Năm 1992 mẹ tôi mất, trong thời gian tôi sống thoát ly, mảnh đất tôi mua lại của cụ Côi, cụ Bến đã bị gia đình ông Xy, bà Thọ (ông Xy hiện đã mất) chiếm giữ 324m2 ; gia đình ông Ngói, bà Đang chếm giữ 324m2 và thật vô lý khi họ cho rằng diện tích đất này được cụ Tùng chia cho. Mặc dù tôi nhiều lần yêu cầu hai gia đình trả lại đất và nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng không có kết quả, buộc tôi phải làm đơn khởi kiện ra TAND quận Hà Đông yêu cầu hai gia đình phải trả lại diện tích đất cho tôi”, ông Xu bức xúc.
Nhiều điều cần làm rõ
Trong ngày 29/1/2016, TAND quận Hà Đông đã đưa vụ kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Xu và bị đơn là bà Đỗ Thị Thọ và vụ kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa ông Xu và ông Nguyễn Văn Ngói, bà Đỗ Thị Đang ra xét xử, với nhận định: Tại tờ giấy mua bán chuyển nhượng ngày 2/1/1964, giữa bên bán là cụ Nguyễn Đình Côi và cụ Nguyễn Thị Bến, bên mua là ông Nguyễn Văn Xu được xác nhận của Ban Quản trị HTX Quyết Tâm, Chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Sưởng có diện tích 1 sào 12 thước giá 250 đồng...
Lời khai của các cụ Sưởng, ông Điểm, ông Chiến thì đều không trực tiếp chứng kiến việc mua bán và giao nhận tiền giữa 2 bên là cụ Côi và ông Xu mà chỉ nghe nói lại là cụ Tùng bỏ tiền ra mua và do ông Xu là người có học nên cụ Tùng cho đứng tên. Ngoài những lời khai trên thì không có bất kỳ một giấy tờ hay chứng cứ nào khác khẳng định cụ Tùng bỏ tiền ra mua đất. Tại giấy mua bán chuyển nhượng đất ghi rõ bên mua là ông Xu, bên bán là cụ Côi và cụ Bến được HTX chứng thực. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng không chứng minh được nguồn gốc đất là của cụ Tùng.
Tại Bản án số 03/2016/DSST, ngày 29/1/2016 HĐXX TAND quận Hà Đông quyết định: chấp nhận một phần khởi kiện của ông Xu; buộc bà Thọ cùng các con phải trả lại cho ông Xu giá trị thửa đất là 216m2, quy ra thành tiền tại thời điểm xét xử là 2 tỷ 160 triệu đồng. Tại Bản án số 04/2016/DSST, ngày 29/1/2016 của TAND quận Hà Đông quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Xu; buộc ông Nguyễn Văn Ngói, bà Đỗ Thị Đang cùng các con phải trả lại ông Xu trị giá thửa đất là 162m2 quy ra thành tiền tại thời điểm xét xử là 1 tỷ 944 triệu đồng.
Không đồng tình, cả nguyên đơn và bị đơn đều có đơn kháng cáo. Ngày 20/6/2016, TAND TP Hà Nội đưa hai vụ án trên ra xét xử bằng Bản án số 105/2016/DSST, quyết định sửa Bản án số 04/2016/DSST ngày 29/1/2016 của TAND quận Hà Đông. Theo đó, không chấp nhận đơn khởi kiện đòi quyền sử dụng 324m2 đất tại tổ 14, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông của ông Xu đối với ông Nguyễn Văn Ngói, bà Đỗ Thị Đang và Bản án số 106/2016/DSST, quyết định sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2016/DSST ngày 29/1/2016 của TAND quận Hà Đông: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Xu đòi gia đình bà Đỗ Thị Thọ, anh Nguyễn Văn Hải trả lại 324m2 đất tại tổ 14, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.
Không đồng tình với quyết định của 2 bản án của TAND TP Hà Nội, ông Xu cho biết, trong vụ án này tại “Đơn xin nhường lại vườn trại” của cụ Nguyễn Đình Côi và cụ Bến cho ông ngày 2/1/1964 được ông Nguyễn Văn Sưởng, Chủ nhiệm HTX Quyết Tâm nhận thực và đóng dấu nêu rõ ông Xu là người được cụ Côi bán cho 1 sào 12 thước đất với giá 250 đồng, văn tự này không có 1 từ nào nhắc đến tên cụ Tùng. Đây là giấy tờ duy nhất có giá trị pháp lý, là chứng cứ chứng minh diện tích đất trên là của ông, nhưng không được HĐXX phúc thẩm xem xét. Việc HĐXX phúc thẩm nhận định, năm 1964 cụ Tùng là người trực tiếp mua 1 sào 12 thước đất vườn của cụ Côi và để ông Xu đứng tên là hoàn không có căn cứ, phản ánh không đúng sự thật.
Mặt khác, theo ông Xu, nếu HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng cụ Tùng là người trực tiếp mua đất và để ông đứng tên từ năm 1964 thì trước khi mất thì cụ Tùng cũng không có bất kỳ một văn bản nào thay đổi nội dung không cho ông Xu đứng tên đất, điều này đồng nghĩa với việc đất vẫn là của ông.
“HĐXX phúc thẩm đã dựa vào lời khai không có căn cứ theo lối suy diễn của bị đơn cùng những chứng cứ vô lý để bác yêu cầu khởi kiện của tôi. Trong khi những chứng cứ phản ánh đúng sự thật, khách quan có lợi cho tôi lại không được xem xét”, ông Xu bức xúc.
Được biết, không đồng tình với phán quyết của tòa án cấp phúc thẩm, ông Xu đã làm đơn gửi TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét, đánh giá lại toàn bộ bản án nhằm bảo vệ quyền lợi cho ông.