Vụ nổ xảy ra lúc 7 giờ 40 phút sáng (theo giờ địa phương) ngày 4/8/2015 ở phần phía Nam của DMZ, gần thành phố Paju thuộc tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc, khi các binh sĩ Hàn Quốc thuộc Sư đoàn Bộ binh số 1 đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường lệ tại đây.
Vụ nổ đã khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng ở chân, may mắn vết thương không đe dọa tính mạng. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, mìn phát nổ thuộc loại mìn PMD bán kính gây sát thương tối đa 2 mét.
Vi phạm ranh giới?
Tại một cuộc họp báo, Thiếu tướng Koo Hong-mo thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, theo kết quả điều tra tại hiện trường do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Ủy ban Đình chiến thuộc Bộ Chỉ huy Liên Hợp quốc phối hợp tiến hành, các binh sĩ CHDCND Triều Tiên đã vượt qua ranh giới phân định quân sự để đặt mìn gần vị trí canh gác của binh sĩ Hàn Quốc ở DMZ.
Theo Thiếu tướng Koo Hong-mo, hành động này của phía Triều Tiên vi phạm Hiệp định Đình chiến và thỏa thuận không tấn công lẫn nhau giữa hai miền. Ngay lập tức, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) đã yêu cầu phía CHDCND Triều Tiên xin lỗi về vụ nổ mìn và trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Trong một động thái nhằm đáp trả, quân đội Hàn Quốc đã nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh ở khu vực biên giới hai miền sau hơn một thập kỷ. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cho biết, hoạt động tuyên truyền này đã được nối lại và các loa phóng thanh đặt dọc biên giới đã bật lên lần đầu tiên kể từ khi ngừng phát thanh vào tháng 6/2004 sau khi đạt một thỏa thuận liên Triều. Ông Han Min-koo cũng cho biết Seoul sẽ xem xét các biện pháp khác nữa để đáp trả hành động của phía CHDCND Triều Tiên.
Theo nhiều nhà quan sát quốc tế, đây là một bước lùi trở lại 11 năm về trước. Từng cụm loa phóng thanh khổng lồ, đặt từ phía nam vĩ tuyến 38, bắt đầu gửi về phương bắc các chương trình tuyên truyền nhằm làm suy giảm tinh thần binh lính CHDCND Triều Tiên. Các chương trình này gồm bản tin thời sự quốc tế, phóng sự về đời sống sung túc, thịnh vượng tại Hàn Quốc. Những đơn vị bảo vệ các dàn loa phóng thanh được đặt trong tình trạng báo động tối đa đề phòng Bắc Triều Tiên đáp trả bằng vũ khí.
Tháng 6/2004, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã nhất trí ngừng “Chiến tranh tuyên truyền dọc biên giới” nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai nước. Đến năm 2010, Seoul đã nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh và rải truyền đơn dọc biên giới nhằm “trả đũa” CHDCND Triều Tiên sau vụ chiến hạm Cheonan của nước này bị chìm, mà phía Seoul cho rằng do ngư lôi của Bình Nhưỡng gây nên.
Tuy nhiên, chiến dịch này sau đó đã bị hủy bỏ do CHDCND Triều Tiên tuyên bố nếu Hàn Quốc nối lại hệ thống loa phóng thanh, quân đội CHDCND Triều Tiên sẽ bắn phá. Theo các nhà phân tích, hiện chưa rõ hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới lần này kéo dài trong bao lâu, song nó đang làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.
“Giờ Bình Nhưỡng”
Khi vụ việc còn chưa lắng xuống, ngày 7/8 CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ điều chỉnh giờ chuẩn muộn hơn 30 phút so với giờ chuẩn mà hai miền đang sử dụng bắt đầu từ ngày 15/8 tới, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thống trị thực dân của Nhật Bản, một ngày lễ lớn của cả hai miền Triều Tiên.
|
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un |
Theo MNR Daily, thay đổi múi giờ không phải là điều khác thường duy nhất ở CHDCND Triều Tiên mà quốc gia này còn có lịch riêng, bắt đầu từ ngày sinh của lãnh tụ sáng lập Kim Il Sung. Ông Kim Il Sung sinh năm 1912 nên đây được tính là năm thứ nhất của Lịch Chủ thể (Juche) của CHDCND Triều Tiên, do đó năm 2015 là năm 104 của nước này.
Từ góc độ khác, Time Lines trích lời phát ngôn viên Jeong Joon-hee của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói việc thay đổi múi giờ của miền Bắc có thể gây ra một số vấn đề như ảnh hưởng đến những giao dịch giữa hai miền nam bắc và luồng sinh hoạt của Khu công nghiệp Keasong trong ngắn hạn, về lâu dài có thể khiến cho những nỗ lực hàn gắn và thu hẹp khoảng cách giữa hai miền bị thất bại.
Hàn Quốc trước đây cũng đã có động thái tương tự nhằm thoát ra khỏi ảnh hưởng của Nhật, thay đổi múi giờ vào năm 1954 nhưng sau đó lại đổi lại theo giờ Nhật Bản vào năm 1961 sau khi ông Park Chung-Hee lên nắm quyền sau đảo chính quân sự. Việc đổi lại múi giờ này có lý do một phần là vì Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh lớn của Mỹ trong khu vực, nên hai nước có cùng múi giờ sẽ dễ dàng cho việc thực hiện các kế hoạch hoạt động chung.
Đối với những người Hàn Quốc thường phản đối sự hiện diện lâu dài của các lực lượng Hoa Kỳ tại đây thì động thái vừa rồi của CHDCND Triều Tiên là đúng, thậm chí có người còn muốn Hàn Quốc có thể làm điều tương tự đối với múi giờ của miền Nam.
Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cảnh báo rằng, quyết định đơn phương điều chỉnh giờ của CHDCND Triều Tiên có thể khoét sâu những bất đồng giữa hai bên. “Điều rất đáng tiếc là CHDCND Triều Tiên đã quyết định thay đổi giờ chuẩn của họ mà không có sự tham vấn hay thông báo trước nào”. Bà Park Geun-hye còn nhấn mạnh, quyết định này của CHDCND Triều Tiên đi ngược lại với những nỗ lực hướng tới sự hợp tác liên Triều và công cuộc thống nhất hòa bình giữa hai miền.
Căng thẳng càng đẩy lên “nấc thang” mới khi ngày 10/8, Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee cho biết, CHDCND Triều Tiên đã từ chối tiếp nhận đề nghị của Hàn Quốc về việc tổ chức đàm phán liên Triều. Trước đó ngày 5/8, Hàn Quốc đã tìm cách gửi một bức thư với danh nghĩa Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc tới Ban Mặt trận thống nhất của Triều Tiên đề nghị tổ chức đàm phán cấp cao giữa quan chức hai miền nhằm thảo luận một cách toàn diện về việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.
Tuy nhiên, phía Triều Tiên không chấp nhận điều này với lý do chưa nhận được lệnh từ ban lãnh đạo. Hàn Quốc đã lấy làm tiếc về động thái này của CHDCND Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấp nhận đề nghị đàm phán của Seoul càng sớm càng tốt và hướng tới việc cải thiện các mối quan hệ hai miền.
|
Những chiếc loa phóng thanh cỡ lớn được lắp đặt trở lại |
Những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên cho thấy chỉ những tuyên bố cải thiện quan hệ không thôi là chưa đủ. Bước đi cụ thể và quan trọng hơn là những hành động thiếu thiện chí và sự nghi kỵ giữa các bên cần phải được xóa bỏ mới có thể giúp tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sớm tìm ra cánh cửa mở.