Đổi đất lấy hạ tầng
Theo ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, từ khi tách tỉnh, Đà Nẵng đã sớm nhìn thấy hạn chế trong công tác quy hoạch ở các đô thị khác trên cả nước. Do đó, ngành xây dựng Đà Nẵng đã tham mưu cho thành phố trong việc kiên quyết không để tái diễn các kiểu nhà siêu mỏng, siêu méo, góc cạnh xù xì làm xấu cảnh quan đô thị.
Khi thực hiện giải phóng mặt bằng, những hộ dân còn ít đất, nếu để xây nhà sẽ mất mỹ quan, nguy hiểm… nên TP đền bù hết và thu hồi lại, sau đó bán cho những hộ dân ở gần.
Cách làm này cũng giống như việc cải tạo, nâng cấp những tuyến đường nội thị. Hầu hết thành phố không phải bỏ tiền mà vận động người dân hiến đất cùng làm. Dân đồng tình cao vì khi cải tạo đường mới khang trang hơn, giá trị nhà đất của họ được tăng lên rõ rệt.
Để làm được điều này, Đà Nẵng luôn công khai quy hoạch đến tận các hộ dân; người dân được tham gia ý kiến về công tác di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư, bảo đảm cuộc sống lâu dài.
Ông Hùng nêu cụ thể, từ năm 2013 đến nay, Sở đã tập trung rà soát 837 đồ án quy hoạch; hủy bỏ, thu hồi 32 đồ án; điều chỉnh 50 đồ án, đôn đốc tiến độ 70 đồ án từ đầu năm 2015 trở về trước; duyệt quy hoạch 21 cụm điểm nhấn kiến trúc; rà soát và hướng dẫn các chủ đầu tư cam kết thực hiện dự án theo tiến độ.
Có thể khẳng định, Đà Nẵng vươn lên nhờ đất. Đất đã làm nên “vàng” cho thành phố. Từ năm 2003 đến nay, tính riêng nguồn thu từ đất vào ngân sách Nhà nước. Đà Nẵng đã huy động được trên 20.000 tỷ đồng để tái đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị và xã hội. Hiện, Đà Nẵng đã công bố quy hoạch chung, được Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây được xem như phương thức đổi đất lấy hạ tầng và lấy quy hoạch nuôi quy hoạch, đang được Đà Nẵng áp dụng nhuần nhuyễn. Từ đó, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân thành phố.
Ngoài ra, trong công tác quản lý còn quan tâm đến việc nâng cao năng lực quản lý ngày càng chuyên nghiệp hơn. Công tác cải cách các thủ tục hành chính đã giảm phiền hà cho người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thủ tục hành chính một cách công khai, minh bạch…
3 cơ chế nổi bật
Ông Hùng cho biết, điểm nổi bật của Đà Nẵng có thể khái quát trong 3 cơ chế: “Thu hồi đất theo quy hoạch”; “Góp đất và điều chỉnh lại đất đai”, “Đối thoại - Đồng thuận”. Tất cả đều dựa trên sự minh bạch, công bằng và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Cụ thể, đối với cơ chế “Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch”, mức giá đền bù và tái định cư đối với tất cả các dự án được áp dụng theo biểu giá chung và thống nhất do thành phố duyệt.
Điều này đã giúp tạo sự công bằng trong xã hội và hạn chế các biến động về giá đất một cách bất thường. Nhà đầu tư không tham gia vào quá trình này, tránh được những khó khăn nảy sinh từ giá đền bù khác nhau trên cùng một khu vực và cùng thời điểm. Nhà nước giao cho nhà đầu tư đất sạch sau khi đã giải phóng mặt bằng.
Cơ chế “Góp đất và điều chỉnh lại đất đai” áp dụng hiệu quả trong việc chỉnh trang đô thị và cải tạo nâng cấp đường giao thông đô thị. Khi giải phóng mặt bằng để làm đường, Đà Nẵng thường lấy vào hai bên đường mới một khoảng không từ 30- 50m, sau đó quy hoạch bán đấu giá.
Việc này không chỉ tạo ra những con đường khang trang, sạch đẹp do việc xây dựng đồng bộ, tránh được nhà siêu mỏng, siêu méo, mà nó còn tạo ra nguồn vốn lớn từ chính quỹ đất này do đường xá khang trang, rộng rãi. Giá đất tại những khu vực này vì thế cũng đã tăng rất nhanh.
Mặt khác, việc đấu giá những lô đất hai bên đường mới cũng sẽ tránh được việc lợi dụng biết trước quy hoạch để mua đất bên trong chờ ra mặt đường. Cơ thế “Đối thoại - đồng thuận” đã đóng vai trò quyết định sự thành bại của dự án.
Thường các cuộc đối thoại với dân đều do lãnh đạo cao nhất thành phố chủ trì. Trong cuộc họp này, các thông tin về dự án, lợi ích của thành phố , của người dân đều được đem ra thảo luận. Người dân được giải quyết trực tiếp các băn khoăn bức xúc, từ đó giảm được các khiếu kiện không cần thiết.
Khi có trên 80% nhân dân đồng tình ủng hộ, thành phố mới triển khai thực hiện. 20% số hộ còn lại sẽ được tiếp tục vận động, tuyên truyền và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo cao nhất...
Cơ chế “đối thoại và đồng thuận” vốn được ông Nguyễn Bá Thanh áp dụng triệt để trong tất cả các dự án trước đây. Công trình đột phá đầu tiên của Đà Nẵng là dự án Vệt đường Bạch Đằng Đông với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng được khởi công năm 1997. Để triển khai dự án này, ông Bá Thanh đã trực tiếp thuyết phục để hàng nghìn hộ dân giải toả, di dời. Từ thành công trên, Đà Nẵng tiếp tục phát huy.
Toàn thành phố từ chỗ chỉ có hơn 360 con đường giờ đã tăng lên hơn 1.300 con đường cùng hàng trăm khu đô thị, hàng nghìn khu, cụm dân cư mới. Chỉ tính trong 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai gần 1.400 dự án, tổng diện tích hơn 18.000 ha.
Với sự đồng thuận của chính quyền và người dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại.
“Sự thay đổi của Đà Nẵng hôm nay là kết quả của một chiến lược quy hoạch và phát triển đô thị bài bản, có định hướng, có mục tiêu. Đây cũng là bài học lớn trong công tác quy hoạch đô thị tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng được nhiều địa phương trên cả nước tìm hiểu học hỏi…”, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng.
Kết quả giám sát của Hà Nội cho thấy, việc xử lý 192 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo tồn đọng trước năm 2005 tiến độ chậm. Đến nay vẫn 174 trường hợp chưa xử lý trên địa bàn 7 quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ.
Trong khi đó, qua rà soát tại các tuyến đường mới mở: Kim Mã - Trần Phú; Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5; đường Thanh Nhàn; đường Nguyễn Văn Huyên, có 442 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo phát sinh thêm cần tiếp tục xử lý.