"Bận giải phóng mặt bằng" để tránh hầu tòa?

Để đình chỉ vụ án hành chính mà bị đơn là Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, thẩm phán TAND huyện Phú Bình đã đưa ra lý do trái luật, rằng người đại diện cho người bị kiện đang bận giải phóng mặt bằng phục vụ một số dự án trọng điểm nên không thể tham gia phiên tòa.

Để đình chỉ vụ án hành chính mà bị đơn là Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, thẩm phán TAND huyện Phú Bình đã đưa ra lý do trái luật, rằng người đại diện cho người bị kiện đang bận giải phóng mặt bằng phục vụ một số dự án trọng điểm nên không thể tham gia phiên tòa.

Quyết định của Tòa án gây bức xúc cho người khởi kiện

Quá hạn vẫn chưa xử

Bà Dương Thị Hằng ở tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình cho biết, bà là nguyên đơn trong vụ án khởi kiện hành vi cưỡng chế thu hồi đất của chủ tịch UBND huyện Phú Bình được TAND huyện Phú Bình thụ lý ngày 7/5/2012.

Tuy nhiên, ngày 4/9/2012 thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra Quyết định tạm đình chỉ với lý do: Ông Dương Thanh Nhị, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình (người được ủy quyền, đại diện cho người bị kiện trong vụ án) có đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án vì hiện nay ông đang được Chủ tịch UBND huyện Phú Bình giao nhiệm vụ cùng ban Giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình giải phóng mặt bằng phục vụ một số dự án trọng điểm để thu hút đầu tư và ông đang đi điều trị bệnh về mắt tại bệnh viện. Do vậy, ông không thể có mặt tại Tòa án để giải quyết được.  Đồng thời, Tòa án cho biết, sẽ tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn.

Sở dĩ, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình bị kiện là vì đã ra thông báo yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai việc tổ chức bảo vệ thi công đường vào Trạm dịch vụ cấp nước và giải tỏa hành lang tuyến đường đi Úc Sơn- Lữ Vân. Ngày 17/11/2011, đoàn cưỡng chế thực hiện chỉ đạo nói trên đã cưỡng chế tài sản và giải phóng mặt bằng của gia đình bà Hằng và một hộ khác. Đoàn cưỡng chế đã thu hồi một phần diện tích đất ở của gia đình và toàn bộ thửa ruộng 13 thước nhưng không hề đền bù một đồng nào.

Ngoài ra, theo thống kê của gia đình bà Hằng, Đoàn đã hủy hoại toàn bộ hoa màu trên thửa ruộng khiến tổng giá trị tài sản bị thiệt hại khoảng 64,3 triệu đồng. Bà đề nghị Tòa án xét xử buộc Chủ tịch UBND huyện Phú Bình bồi thường toàn bộ thiệt hại do tài sản bị hủy hoại và đền bù đất đã thu hồi theo đúng qui định.

Trao đổi với phóng viên, bà Hằng cho biết, quá trình đưa vụ việc ra tòa hết sức gian nan. Bà nộp đơn khởi kiện và phải chờ tới 4 tháng trời mới được tòa án thụ lý. Tính từ thời điểm thụ lý đến nay, vụ án đã kéo dài 7 tháng nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử. Trong khi đó, luật Tố tụng Hành chính quy định thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 6 tháng kể từ ngày thụ lý. Vụ án đã quá thời hạn, lại còn nêu lý do tạm đình chỉ không hợp lý như trên càng khiến bà Hằng bức xúc.

Tạm đình chỉ trái luật?

Theo quyết định tạm đình chỉ của TAND huyện Phú Bình, lý do tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án nói trên căn cứ vào Điều 118 của Bộ luật Tố tụng Hành chính, trong đó có trường hợp: “Đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng, trừ trường hợp có thể xét xử vắng mặt các đương sự”.

Vậy việc “bận giải phóng mặt bằng  phục vụ một số dự án trọng điểm để thu hút đầu tư” của ông Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường có được coi là lý do chính đáng hay không?

Nguyên đơn bà Hằng băn khoăn về sự vô lý và mâu thuẫn trong lý do tạm đình chỉ. Bởi vì đã nằm viện điều trị thì không thể nào làm việc cùng ban giải phóng mặt bằng được. Tại sao UBND huyện lại giao dự án trọng điểm cho một cán bộ đang phải đi viện điều trị?

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02 ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số qui định của Luật Tố tụng hành chính thì “lý do chính đáng” là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được như: cần phải có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử mà người có thẩm quyền chưa cử được người khác thay thế; vụ án phức tạp đã được xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Toà án khác nhau, nên không còn đủ Thẩm phán để tiến hành xét xử vụ án đó mà phải chuyển vụ án cho Toà án cấp trên xét xử hoặc phải chờ biệt phái Thẩm phán từ Toà án khác đến… dẫn đến Toà án không thể tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

Như vậy, đối chiếu với hướng dẫn nêu trên, việc bận giải phóng mặt bằng một số dự án không thể coi là sự kiện không lường trước được để tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Luật sư Nguyễn Thị Phượng, Cty Luật Đại Việt cũng cho rằng lý do ốm nàm viện có thể xem là lý do chính đáng để tạm đình chỉ, còn lý do bận giải phóng mặt bằng xem ra không ổn bởi đó là việc đã được phân công, có kế hoạch từ trước chứ không phải đột xuất. “Chủ tịch UBND huyện phân công thiếu hợp lý. Nếu bận việc không thể dự tòa thì Chủ tịch UBND huyện hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác để đảm bảo quyền lợi của của người khởi kiện, chứ không thể bắt dân chờ dài cổ vì lý do vô lý đó. Tòa án cần xem lại lý do tạm đình chỉ gây phản ứng của đương sự nêu trên”, Luật sư Phượng nói.

Thanh Quý

Đọc thêm