Đánh thuế - còn khá gian nan
Mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP và Cục Thuế TP HCM, một vấn đề tồn tại nhiều năm nay đã được đặt ra, đó là chuyện tính thuế đối với việc kinh doanh trên facebook. Tất nhiên, để một ý định đi vào thực tế, con đường sẽ còn rất dài và nhiều khó khăn. Trong buổi làm việc nói trên, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP HCM đã đặt ra vấn đề, việc bán hàng trên facebook hiện nay ngày càng nở rộ, nhưng rất khó thu thuế. Chính vì thế, ông Kiên đề nghị UBND TP làm việc với facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu.
Không thể phủ nhận, facebook đã tạo ra một con đường “khởi nghiệp” khá lý tưởng cho nhiều người. Nếu như trước đây, để mở một cửa hàng buôn bán, người ta cần có một số vốn tương đối để đầu tư cho nhiều chi phí mặt bằng, nhân viên, trang trí… thì với buôn bán online, mọi thứ đã được tối giản. Thậm chí, để tiết kiệm, nhiều người còn không lập website mà chỉ có một kênh bán hàng duy nhất là facebook.
Đường đi của khởi nghiệp cũng dường như đổi chiều: Nhiều người bắt đầu từ việc kinh doanh “không vốn” qua facebook bằng cách nhận đặt hàng, nhận tiền trước, mua hàng thu tiền sau, sau đó dần mở rộng kinh doanh, phát triển mạnh thì lập webstie, thuê mặt bằng, mở công ty… Cộng đồng facebook từng chứng kiến rất nhiều trường hợp đi từ không có gì đến trở thành thương hiệu mạnh như thế.
Giờ đây, lực lượng người bán hàng online đã phủ sóng khắp facebook, khi hầu như cứ vài người dùng lại có một người tận dụng facebook để kinh doanh. Có người bán buôn bài bản, có người thì tự phát với việc bán thức ăn tự nấu, cây trái tự trồng, có gì bán nấy… Không ít người bán hàng chuyên nghiệp/bán chuyên nghiệp trên facebook khoe khoang, họ kiếm được vài chục đến hàng trăm triệu mỗi tháng nhờ kinh doanh trên facebook. Trong nhiều năm qua, có lẽ cơ quan thuế đã “thất thu” không biết bao nhiêu tiền vì chưa tính được phương án thu thuế người kinh doanh trên facebook.
Tuy nhiên, chuyện thu thuế này cũng chẳng phải dễ dàng gì. Ngoài những người bán hàng chuyên nghiệp, có fanpage riêng và phải trả tiền quảng cáo cho facebook hàng ngày để phát triển kinh doanh thì còn có hàng ngàn, trăm ngàn cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, dùng facebook làm phương tiện giải trí rồi tiện thể buôn bán kiếm thêm đồng tiền.
Ngoài ra, còn có các cơ sở, đơn vị kinh doanh có đăng kí với cơ quan thuế, đóng thuế đàng hoàng, chỉ tận dụng facebook để mở thêm một kênh tiếp cận khách hàng cho mình. Làm thế nào để phân loại kinh doanh trên facebook, thống kê doanh thu cho đúng, rồi thu làm sao để không gây phải ứng, xáo trộn… là những vấn đề khá nan giải mà cơ quan thuế và TP phải giải quyết khi bắt tay vào thu thuế kinh doanh trên facebook.
“Chuẩn hóa” việc buôn bán trên facebook
Mới đây, một vụ lừa đảo lên đến vài chục tỉ đồng đã làm rung động cư dân mạng. Một facebooker tên M. khá có uy tín trong cộng đồng mua bán trên facebook, nhờ có chồng người Ý, có một gia đình hạnh phúc và đang sinh sống tại Ý. Facebooker này chuyên khoe ảnh đi du lịch, mua sắm hàng hiệu, rồi từ đó, nhận săn mua hàng hiệu cho chị em trong nước. Facebooker này cho biết, mình có nguồn hàng hiệu chính gốc nhưng lỗi một chi tiết nhỏ, từ trong hãng tuồn ra, với giá rẻ chỉ bằng 2/3 giá gốc.
Chiêu bài này khiến nhiều chị em mê hàng hiệu giá rẻ rất có hứng thú, đơn đặt hàng tới tấp. M. trở thành người bán có uy tín trên facebook của giới mê hàng hiệu, cho đến 1 lần, có người mua hư túi, đi sửa và kiểm tra tại cửa hàng bán đồ hiệu thật thì mới phát hiện ra đó là túi giả.
Sự việc được công bố rộng rãi, khách hàng của M. ùn ùn đi kiểm tra túi, và hầu hết đều là hàng giả. Tổng số tiền ước tính mà M. lừa của những người phụ nữ nhẹ dạ lên đến vài chục tỉ đồng, vì trung bình mỗi chiếc túi hàng hiệu giá vài chục đến hàng trăm triệu là thường. Sau sự việc, M. đã khóa trang cá nhân, trốn mất.
Đây không phải là vụ lừa đảo đầu tiên và cũng không phải là vụ cuối cùng trên facebook. Facebook đã mở ra cơ hội lý tưởng cho người làm ăn chân chính và cả những kẻ lừa lọc. Đối với một người kinh doanh thông thường, phải có đăng kí kinh doanh, có địa điểm buôn bán, thì người mua lỡ có chuyện gì, còn có cái mà nắm, còn với việc buôn bán trên facebook, toàn dựa vào “tin nhau là chính”. Đặc biệt là cách giao dịch “bằng niềm tin” trong một số hội mua bán hàng xa xỉ phẩm đang tồn tại trên facebook hiện nay.
Tương tự, trong ngành hàng thực phẩm nếu như các cửa hàng buôn bán đều phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, người bán phải trải qua tập huấn, rồi các đợt thanh, kiểm tra… thì mặt hàng này trên facebook hoàn toàn được thả lỏng. Đã không ít vụ việc không hay xảy ra từ thực phẩm thiếu vệ sinh an toàn mua bán online.
Hầu hết việc trao đổi, mua bán trên facebook đến nay chưa chịu sự điều chỉnh, quản lý của các cơ quan chức năng. Thế nên, có việc gì xảy ra, hầu hết người mua, người bán tự thỏa thuận với nhau hoặc tự tìm cách để khắc phục thiệt hại của chính mình… Chính vì thế, về lâu dài, việc xác định phương án tính thuế cho người kinh doanh facebook và chuẩn hóa, đưa vào quản lý việc kinh doanh trên facebook là vô cùng cần thiết.