Gia đình ông Trần Văn Kháng (thôn Đông Thạnh 1, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chung tàu đánh bắt xa bờ với 7 người bạn, chủ yếu đi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mua tàu hết gần 2 tỷ đồng cuối năm 2012, mới đi được đôi chuyến, năm ngoái tàu bị tàu lạ va đụng, phải nằm nhà sửa chữa mấy tháng ròng. Gia đình ông và các bạn đã đem thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng, hộ nào cũng nợ vài trăm triệu đồng, mới trả được chút ít. Đã thế, trước mỗi chuyến biển cũng cần gần 200 triệu đồng để chuẩn bị dầu, đá, lương thực nên mỗi người phải chi gần 30 triệu đồng.
“Nếu không đủ tiền, chúng tôi phải mua chịu của người bán dầu, bán đá, nếu không bị họ tính giá cao, rồi sản phẩm về phải bán cho họ. Họ định giá, mình đã mượn tiền, mua nợ rồi đành chịu” - ông kể. Thế nên, nghe tin Nhà nước hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu và chuẩn bị chuyến biển, ông Kháng vừa hào hứng vừa băn khoăn bởi lần đầu thấy mức hỗ trợ “hấp dẫn” đến thế, nhưng để “với” được, ông và các bạn thuyền phải tìm nguồn lực từ đâu, rồi cả một quy trình vận hành sau đó sẽ được thực hiện như thế nào…
Cho vay đến 90% giá trị tàu
Cách đây chưa lâu, trong một cuộc tiếp xúc với ngư dân Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thông tin về chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu, được ghi nhận tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Theo đó, chủ tàu đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu và chỉ phải trả lãi suất 2%/năm do được ngân sách nhà nước cấp bù phần lãi suất còn lại. Thậm chí, trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu và chỉ phải trả lãi suất 1%/năm. Quan trọng hơn, chủ tàu còn được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay.
Mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng này. Theo đó, kể từ ngày 25/8/2014, để được thụ hưởng chính sách này, chủ tàu phải có tên trong danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Bên cạnh đó, chủ tàu cam kết mua đầy đủ bảo hiểm theo quy định đối với thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu sau khi hoàn thành việc đóng mới, nâng cấp tàu và trước khi đưa vào sử dụng. Phương án vay vốn được ngân hàng thương mại thẩm định có hiệu quả, khả thi.
Lấy 10% ở đâu?
Ông Trần Đình Tiến, Chủ tịch xã Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, xã có tới 80% hộ dân làm nghề biển với khoảng 500 tàu thuyền. Nghề biển đòi hỏi phải có tổng vốn đầu tư lớn, mà không có ngư dân nào đủ tiền chi trả, phần lớn phải vay mượn, nên nếu không may mất phương tiện thì phải gánh món nợ 500 – 700 triệu đồng chưa biết tìm đâu nguồn trả. “Từ trước đến nay ngân hàng chỉ cho vay khoảng 200 – 300 triệu đồng, mà đóng một chiếc tàu hết 2 – 3 tỷ đồng, cố lắm vốn tự có cũng chỉ được phần tư, rồi lại phải vay ngoài, mà vay ngoài là bị đầu nậu khống chế tiền lãi, mua dầu, bán cá…”.
Chủ tịch xã Trần Đình Tiến biết rõ: “Ngư dân mà có 500 – 700 triệu đồng đã là khí thế lắm rồi, chẳng có nổi được 5 – 7 tỷ đâu, nên đóng tàu hết 10 tỷ mà phải có 1 tỷ rồi vay 90% cũng là bài toán khó đối với nhiều ngư dân”.
“Dù hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt là chính sách mới nhưng nhiều hộ gia đình ở Tịnh Kỳ đã quan tâm đăng ký đóng tàu vỏ sắt 400 mã lực trở lên. Theo tôi, đây là chính sách tốt, nhưng phải tính toán sản xuất kinh doanh cho hợp lý” – ông Nguyễn Xí, Phó Chủ tịch xã chia sẻ. Đóng tàu đi xa thì cơ chế hậu cần, luồng lạch… phải đáp ứng đồng bộ. Đánh bắt rồi, nhưng vào bờ thế nào cũng là bài toán phải tính, không thể để tình trạng được mùa mất giá, không chủ động đầu ra. Ngư dân có thể bỏ tàu, nếu càng “ôm” tàu càng lỗ, nên Nhà nước phải tính đầu tư thế nào cho hợp lý, từ người lao động, ngư trường đến hậu cần, tiêu thụ… phải đáp ứng đồng bộ.
Dù rất háo hức nhưng nhiều hộ ngư dân đang phải cân nhắc khi đặt bút làm hồ sơ xin vay vốn, bởi họ lo có thể đi vào “vết xe đổ” của chương trình đánh bắt xa bờ trước đây…