Chuyện ngư dân Cà Mau cứu sống ngư dân nước ngoài

Họ là những cư dân của Myanma, Cambodia, Lào… vì cuộc sống khó khăn nơi quê nhà, lén vượt biên sang Thái Lan làm ngư phủ. Những tưởng sự hy sinh trong mạo hiểm của một thời trai trẻ là cứu cánh cho tương lai về sau. Nhưng tất cả như cát bụi nếu không được sự cứu vớt của ngư dân vùng ĐBSCL…

Thời gian qua, ngư dân Cà Mau trong khi hoạt động đánh bắt trên biển đã phát hiện cứu vớt được nhiều ngư dân nước ngoài gặp nạn, trôi dạt trên biển trong tình trạng hết sức nguy kịch. Khi vớt được, họ đã liên lạc báo cho Đồn Biên phòng. Có những trường hợp, ngư dân ngừng hoạt động để đưa người gặp nạn vào bờ  cấp cứu, chấp nhận lỗ chi phí đầu tư cho chuyến khai thác dài ngày. Tất cả các nạn nhân được cứu sống khi trao trả về nước đều ngậm ngùi xúc động, có người còn xin ở lại Việt Nam.

Họ là những cư dân của Myanma, Cambodia, Lào… vì cuộc sống khó khăn nơi quê nhà, lén vượt biên sang Thái Lan làm ngư phủ. Những tưởng sự hy sinh trong mạo hiểm của một thời trai trẻ là cứu cánh cho tương lai về sau. Nhưng tất cả như cát bụi nếu không được sự cứu vớt của ngư dân vùng ĐBSCL…  

Xỉ Ma ngày chia tay về với mẹ
Xỉ Ma ngày chia tay về với mẹ

Nô lệ thời @

Sinh ra ở vùng quê nghèo cách Thủ đô Viên Chăn, Lào khoảng 50 km, Vôn Đăm Xỉ Ma chỉ được học hết lớp 2, cả gia đình chỉ đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm lên 16 tuổi, Xỉ Ma cùng với 4 người bạn khác trốn gia đình, rời quê hương vượt sông Mê Kông tìm đến Thái Lan với bao hy vọng nơi xứ người. Cả 5 người cùng tìm về Cảng Lá Don, Thái Lan.

Tại đây họ chia tay, mỗi người tự đi tìm cho mình một công việc trong sự sợ hãi vì trốn tránh nhà chức trách sở tại. Xỉ Ma ở lại Cảng Lá Don xin xuống tàu đánh cá của một ông chủ người Thái. Làm việc trên con tàu không số, có tên: Sốp Thá Lê Thây.

Đoàn tàu gồm 4 chiếc khoảng 50 người. Nhưng trong đoàn tàu chỉ có 6 người Thái làm quản lý (Thuyền trưởng), tàu mẹ 3 người còn mỗi tàu con 1 người. Còn lại là người My An Ma; Cam Pu Chia và Lào. Bắt đầu từ đây Xỉ Ma và số ngư phủ khác trở thành nô lệ trên tàu, khi phát hiện ra thì đã quá muộn.

Xỉ Ma kể lại: “Tất cả phải lao động liên tục trên biển, trừ khi có bão gió, hoặc 6 - 7 tháng mới được vào cảng một lần, nhưng tất cả ngư phủ không được lên bờ, mọi giao dịch mua bán đều do người quản lý mua đem xuống chia cho từng người. Tất cả đều không được thanh toán tiền lương, không được liên lạc với gia đình.

Nhiều người quá bức xúc đòi quyền lợi lập tức bị họ đánh đập, thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng. Tôi cũng bị đe doạ sẽ bị giết nếu không ngoan ngoãn làm việc. Một đêm gió lớn mọi người trên tàu đều mệt mỏi thiếp đi vì thiếu ngũ, tôi đã lén nhảy xuống biển với hy vọng mong manh tìm được sự sống nếu có tàu lạ phát hiện cứu vớt. Và tôi đã sống.

Tàu cá của ngư dân ở Khánh Hội, Cà Mau đã cứu tôi. Tính đến thời gian tôi được cứu sống đã gần 8 năm liên tục tôi phải làm việc không công và chịu sự hành hạ của bọn người quản lý trên tàu, có lẽ gia đình tôi đã nghỉ đến việc tôi đã chết từ lâu ở đâu đó”.

May mắn hơn Xỉ Ma, Mi Phô Cung Sóc, SN 1969 quê ở ấp Tà Pen, xã Băng Priêu, huyện Sệ ầm Bul, tỉnh KóK Công, CamPuChia cũng là lao động của  tàu cá của Thái Lan, vì sợ sẽ trở thành nô lệ nên nhảy xuống biển tìm con đường sống để về nhà. Ngồi đối diện với tôi Cung Sóc không lo lắng, rất hồ hởi vì anh luôn tin vào một ngày sớm nhất anh sẽ được đoàn tụ cùng gia đình.

Anh kể lại chặng đường đã đi của anh. Mi Phô Cung Sóc lên Cô Kông đi tìm việc làm và gặp 1 người bạn tên Ni, hai người rủ nhau sang Thái Lan xin đi làm dưới tàu đánh cá và họ biết tên ông chủ tàu là Tò Ke. Tò Ke lại gửi 2 người sang 1 tàu khác (không nhớ tên và số tàu). Nhưng khi lên tàu ra biển chỉ còn lại mình Cung Sóc, còn Ni không thấy.

Trên hải trình ra biển, con tàu nhỏ bé cứ thẳng hướng biển mênh mông mà tiến, anh không hề định vị được mình đang đi đâu, về đâu. Trong đêm tối, một người bạn mới trên tàu đến bên anh bắt chuyện và 2 người trao đổi cho nhau nghe về cuộc sống, hoàn cảnh mỗi người.

Cung Sóc thông báo cho người bạn mới về sự đổi thay và phát triển ở quê hương mình. Ngược lại, Cung Sóc được người bạn thông báo lại cho mình một viễn cảnh mịt mù rằng “Lao động trên tàu vô cùng cực khổ, chủ tàu sẽ không cho vào bờ về thăm gia đình nếu chưa làm được từ 3 - 4 năm trên biển”. Nghe vậy, Cung Sóc đã nghỉ đến một tương lai không tốt nên đã nảy sinh ý định trốn khỏi tàu . Tàu Cung Sóc chạy liên tục 3 ngày mới ra đến vùng đánh bắt.

Quan sát thấy ở phía xa có tàu cá của Việt Nam, lợi dụng sơ hở của thuyền trưởng, Cung Sóc lén nhảy xuống biển và bơi về phía tàu cá Việt Nam Và sự “vượt ngục” thành công. Cung Sóc được tàu cá KG: 9836 TS do anh Nguyễn Hữu Vũ, quê U Minh, Cà Mau làm thuyền trưởng, cứu vớt và đưa vào bờ trình báo cho đồn Biên phòng Sông Đốc.

(Còn nữa)

Đón đọc kỳ 2: Sự tái sinh kỳ diệu

Ngọc Long

Đọc thêm