Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Kế hoạch tổ chức thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đó, 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 có SGK được tiến hành thẩm định, gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Tiếng Anh.
Quy trình thẩm định SGK
Để đảm bảo chất lượng cho công tác thẩm định SGK, Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn cho đội ngũ những người dự kiến tham gia vào các Hội đồng quốc gia thẩm định sách vào tháng 5 tới. Mục tiêu của việc tập huấn là để các thành viên có thông tin đầy đủ về chương trình tổng thể, chương trình môn học, các nội dung liên quan khác và thống nhất quan điểm, nhận thức về các nội dung đã được quy định trong Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Sau quá trình tập huấn, các thành viên tham gia sẽ được Ban tổ chức cân đối thành phần để tham mưu Bộ trưởng thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2.
Đầu tháng 6, Bộ GD-ĐT sẽ thông báo việc tổ chức thẩm định SGK lớp 2 lần 1, để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu gửi bản mẫu SGK và hồ sơ đề nghị thẩm định về Bộ.
Từ tháng 7 đến tháng 9, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 sẽ làm việc tập trung, thẩm định bản mẫu SGK qua 2 vòng để đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt các bản mẫu được đánh giá “Đạt”.
Những bản mẫu SGK được đánh giá “Đạt nhưng cần sửa chữa” hoặc “Không đạt” ở lần thẩm định 1, nếu đơn vị có nhu cầu, có thể gửi hồ sơ đề nghị thẩm định vào tháng 9/2020.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ký phê duyệt 7 cuốn SGK mới, nâng tổng số SGK lớp 1 chương trình GDPT mới lên 45 cuốn gồm: 1 cuốn môn Tự nhiên và Xã hội, 3 cuốn môn Giáo dục thể chất, 2 cuốn môn Hoạt động trải nghiệm, 1 cuốn môn Tiếng Anh.
Như vậy, đến thời điểm này đã có 45 cuốn SGK lớp 1 cho 9 môn học/hoạt động giáo dục được phê duyệt sử dụng cho chương trình phổ thông mới để các hội đồng lựa chọn SGK đưa vào trường học từ năm học 2020 - 2021.
Chọn sách có dễ?
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các nhà xuất bản có hình thức phù hợp cung cấp SGK đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDPT, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin để thực hiện việc lựa chọn SGK theo quy định của pháp luật.
Là năm đầu tiên có một chương trình nhiều bộ SGK mới nên các giáo viên cũng lần đầu tiên được trao quyền chọn lựa SGK thay vì chỉ có duy nhất 1 phương án dạy học như trước đây.
Hiện nhiều trường trên toàn quốc đã bắt đầu tổ chức cho giáo viên lớp 1 nghiên cứu các cuốn SGK mới. Vậy giáo viên đang thực hiện công việc mới mẻ này như thế nào, họ có cảm thấy khó khăn hay không?
Thực tế, theo yêu cầu đến cuối tháng 3 các nhà trường phải báo cáo bộ sách lựa chọn. Thế nhưng, hiện tại không ít trường chưa được tiếp cận đầy đủ các bản mẫu SGK để mua rồi phát cho giáo viên và các thành viên có trong Hội đồng.
Giáo viên đọc SGK mà có chi tiết phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại, huống chi đại diện phụ huynh học sinh không phải ai cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn…
Hơn nữa, với học sinh lớp 1, các trường chưa tuyển sinh nên không thể cử đại diện phụ huynh là cha mẹ học sinh.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, sự xuất hiện của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết. Bởi phụ huynh ngày nay khá gắn bó với việc hướng dẫn, dạy con học tại nhà, như vậy họ cũng cần biết SGK ra sao để hướng dẫn con học.
Một bộ sách giáo khoa lớp 1. |
Mặt khác, các vấn đề liên quan đến kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán… địa phương, chắc chắn phụ huynh có sự am hiểu nhất định. Với những kiến thức, hiểu biết của mình, họ hoàn toàn có thể đóng góp tốt cho việc lựa chọn SGK.
Hội đồng chọn lựa SGK phải tạo điều kiện để phụ huynh được tiếp cận với bản mẫu SGK mới để họ cùng tìm hiểu, nghiên cứu và đóng góp ý kiến, quan điểm của mình. Hội đồng lựa chọn SGK cũng có trách nhiệm giải thích, tập huấn, thảo luận… để phụ huynh học sinh tham gia lựa chọn SGK có được hướng tiếp cận, định hướng khoa học, đúng hướng. Từ đó, sẽ có sự lựa chọn đúng đắn.
Và theo thầy cô “trong cuộc”, để đánh giá đúng được một quyển sách của một nhà xuất bản, một nhóm tác giả nào đó khi họ toàn là những nhà nghiên cứu, tiến sĩ biên soạn không chút dễ. Chưa kể, đội ngũ giáo viên có yêu cầu họ quá cao hay không khi bắt họ đánh giá ở nhiều góc độ? Trong khi trình độ họ chỉ có là của một giáo viên đạt chuẩn.
Do đó, dễ dàng nhận thấy, việc chọn sách giao về cho trường học sẽ mang cảm tính nhiều hơn. Chưa kể tới những bất cập về trình độ của giáo viên, không phải ai cũng có đủ trình độ để thẩm định?
Có địa phương giao cho mỗi giáo viên cốt cán chọn một đầu đầu sách, sau đó giáo viên cốt cán sẽ nhận xét đánh giá các đầu sách trong tọa đàm chọn SGK.
Theo GS Đinh Quang Báo, Hội đồng lựa chọn SGK cũng có trách nhiệm giải thích, tập huấn, thảo luận… để phụ huynh có được hướng tiếp cận, định hướng khoa học.Từ đó, phụ huynh sẽ có sự lựa chọn đúng đắn.
Mặt khác, với phụ huynh nằm trong thành phần lựa chọn SGK cũng cần có ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về các bản mẫu SGK.
Hiện nay, 100% các nhà xuất bản đã đưa các bản mẫu dưới dạng PDF, giới thiệu, tư vấn... lên các trang mạng. Như vậy, phụ huynh có thể chủ động truy cập để tìm hiểu về SGK. Chúng ta không nên đòi hỏi, phụ huynh học sinh là những chuyên gia về SGK. Nhưng chúng ta hãy tin rằng, khi họ bỏ tiền ra mua, là khách hàng của SGK thì không lý gì họ không biết về thứ mình mua.
Thầy giáo Phan Duy Nghĩa, Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh: Chúng ta đang chọn SGK cho ai?
Điều quan trọng khi chọn SGK là sách phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nghĩa là SGK phải phù hợp với các yếu tố đặc thù của địa phương, phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng và kế hoạch giáo dục của địa phương.
SGK phải có hệ thống bài tập gắn với thực tiễn của địa phương để giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển năng lực, phẩm chất; gợi mở các hoạt động, tăng cường trò chơi, thi đố, đóng vai, nhóm đôi, thảo luận nhóm…
Nội dung SGK đảm bảo tính mềm dẻo, tính phân hóa, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương; đảm bảo tính khả thi, phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục tại địa phương.
Nội dung SGK có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương; giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lí giáo dục địa phương.
Đưa phiên bản điện tử 4 bộ SGK lớp 1 lên mạng
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, để đọc phiên bản điện tử của các bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, bạn đọc có thể truy cập địa chỉ nxbgd.vn/sachdientu và chọn 1 trong 4 bộ sách để đọc sách điện tử của bộ sách tương ứng.
Ngoài phiên bản điện tử, đến thời điểm này, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã triển khai cung ứng 50.000 bộ SGK thuộc 4 bộ sách tới các cơ sở giáo dục tại 63 tỉnh, thành trong cả nước phục vụ nhiệm vụ lựa chọn SGK lớp 1.
Trước đó, bộ sách “Cánh diều” (do hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh và Công ty CP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam - VEPIC tổ chức biên soạn, phát hành) cũng đã “số hóa” SGK để công khai bản mẫu sách lên mạng tại địa chỉ sachcanhdieu.com.
Đây là cách giúp tất cả giáo viên và xã hội có thể tiếp cận với bộ SGk mới lớp 1, từ đó có những đánh giá, so sánh để lựa chọn được bộ sách tốt nhất cho học sinh.
Ngoài bản mẫu SGK, các đơn vị cũng công bố các video, tài liệu hướng dẫn giáo viên giảng dạy theo SGK mới.