Băn khoăn thẩm quyền quyết định chính sách thuế

(PLO) - Cho ý kiến về Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (21/9), nhiều ý kiến băn khoăn khi giao cho Chính phủ thẩm quyền quyết định một số chính sách về thuế.
Cần sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho phù hợp. (Ảnh minh họa)
Cần sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho phù hợp. (Ảnh minh họa)
Phải quan tâm đến các đối tượng yếu thế
Cho rằng khi thay đổi thuế suất của một loại thuế sẽ có tác động đến toàn bộ nền kinh tế, đại biểu Ksor Phước - Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Dự thảo Luật phải tính toán đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; phải quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong nền kinh tế, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả lĩnh vực công nghiệp. Còn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì quan tâm đến tác dụng của chính sách thuế đối với nền nông nghiệp khi đưa ra yêu cầu “thuế phải tạo đòn bẩy để phát triển nông nghiệp”.
Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề xuất Ban soạn thảo đánh giá thêm về tác động của Luật Thuế xuất nhập khẩu (XNK) đến ngành chăn nuôi nhỏ lẻ trong 10 năm tới khi hiện nay thịt gà Mỹ, thịt bò Úc… đã có mặt phổ biến trên thị trường Việt Nam. 
Ngoài đối tượng chịu thuế, một số đại biểu còn đề nghị làm rõ về chính sách miễn, giảm thuế. “Miễn thuế đối với những mặt hàng cụ thể nào? Ai có thẩm quyền quyết định? Tôi đề nghị phải quy định rõ ràng và minh bạch hơn... ”- bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến. Trước thực tế việc miễn thuế đối với mặt hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập dễ bị lợi dụng, bà Nga đề nghị Chính phủ làm rõ trong thời gian qua, việc miễn thuế đối với hàng tạm nhập, tái xuất thường bị lách luật ở những mặt hàng nào? 
Ai có quyền quyết định chính sách thuế?
Liên quan đến thẩm quyền ban hành chính sách thuế, nhiều đại biểu tỏ ý băn khoăn khi thẩm quyền này đề xuất được giao cho Chính phủ, trong khi theo quy định của Hiến pháp 2013, Quốc hội có thẩm quyền quyết định về các loại thuế. “Quy định như vậy sẽ không phù hợp với nội dung của Hiến pháp. Chính phủ chỉ là người điều hành, tham mưu cho Quốc hội về chính sách thuế chứ không được ban hành pháp luật về thuế” -  đại biểu Ksor Phước khẳng định.
Phân tích thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: “Tôi thấy nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chúng ta còn để ngoài luật nhiều quá. Chúng ta để ngoài luật, để giao hoặc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc cho Chính phủ, thậm chí giao cho Bộ là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp”.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, rà soát kỹ Dự thảo Luật để đảm bảo nội dung của Luật phù hợp với tinh thần của Hiến pháp và đồng bộ với các quy định tại các luật chuyên ngành khác; đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch về thuế và thẩm quyền quyết định về chính sách thuế. 
“Trong Tờ trình, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá kỹ hơn tác động của việc sửa đổi các quy định của Luật XNK  đến việc thúc đẩy nền kinh tế và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời tính toán mức ảnh hưởng của việc tăng- giảm thu ngân sách”- Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với điều khoản thi hành tại Dự thảo Luật, đó là Luật XNK sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Đọc thêm