[links()] Trong bối cảnh khó khăn, những vấn đề kinh tế luôn “nóng”, luôn là tâm điểm quan tâm của dư luận vì “có thực mới vực được đạo”. Nhưng không vì thế mà báo chí khối nội chính nói chung và báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) nói riêng sao lãng “địa bàn” vẫn bị coi là “khô cứng, vĩ mô so với mặt bằng nhận thức và quan tâm của xã hội” là những vấn đề tư pháp và pháp luật.
Bộ Tư pháp chúc mừng Báo PLVN nhân ngày 21/6 |
Xông pha vào những vấn đề “xương xẩu”
Làm báo về vấn đề nội chính đã khó, làm báo ngành nội chính như báo PLVN còn nhiều trọng trách hơn. Với cái tên gắn với “pháp luật”, các thông tin trên báo PLVN vừa phải truyền tải được “hơi thở” của công cuộc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, vừa để dư luận hiểu được “cái khó” của những người làm công tác tư pháp rồi đồng thuận hơn với chính sách, pháp luật về các lĩnh vực của ngành.
Dẫn những tin, bài về công tác chứng thực, giao dịch bảo đảm, công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản, THADS – những lĩnh vực “xương xẩu” của ngành tư pháp – trên báo PLVN, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, tại buổi gặp mặt báo chí nhân ngày báo chí cách mạng 21/6, đã khẳng định, “báo chí không chỉ tuyên truyền để người dân hiểu hơn về công tác tư pháp, mà còn cung cấp những thông tin quan trọng, đa dạng, khách quan để ngành Tư pháp đáp ứng sát hơn các nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành”.
Thực vậy, nhiều bài viết trên báo PLVN đã được coi là “tài liệu thực tiễn” cho các chuyên gia khi xây dựng chính sách. Gần đây nhất là bài viết “Đà Nẵng: Công chức “đua” nhau cải chính hộ tịch” trên báo PLVN đã được đưa ra làm ví dụ để thành viên ban soạn thảo cân nhắc qui định vấn đề phân cấp quản lý hộ tịch trong dự thảo Luật Hộ tịch sao cho phù hợp thực tiễn; Hay bài viết “Không để công chứng thành cái “sọt” cảnh báo về hậu quả của việc pháp luật về công chứng không hạn chế độ tuổi hành nghề đã được nhiều chuyên gia pháp lý và công chứng viên công nhận “đây là bất cập đầu tiên của Luật Công chứng cần phải được sửa đổi”.
Những bài viết “kêu khổ” cho công tác pháp chế, chỉ ra sự khập khiễng giữa vai trò và điều kiện hoạt động thực tiễn của những người làm công tác pháp chế đã góp phần thúc đẩy cho Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế được ban hành (ngày 4/7/2011), đưa công tác pháp chế về đúng vị trí là “người gác cổng” về tính pháp lý của hệ thống văn bản (ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhà nước về công tác pháp chế).
Loạt bài về công tác giám định tư pháp (nhất là giám định pháp y) của phóng viên và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp y trên báo PLVN đã được nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII “nghiên cứu” và bày tỏ sự đồng thuận cao về quan điểm thống nhất tổ chức giám định pháp y trên cả nước, trong khi trước đó, cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Giám định tư pháp, Quốc hội khóa XII vẫn bị chia rẽ về vấn đề giữ tổ chức pháp y ở công an tỉnh hay bãi bỏ để thống nhất vào tổ chức pháp y của ngành y tế…
Có thể báo điện tử, truyền hình có phần lấn lướt báo giấy do tốc độ cập nhật thông tin. Nhưng ở đa số các địa phương, rất nhiều bài báo về công tác nội chính, tư pháp đăng trên báo PLVN được bạn đọc, nhất là các cán bộ tư pháp ở địa phương, các chuyên gia pháp lý, các giảng viên chuyên ngành luật,… vẫn lưu trữ như tài liệu tham khảo bởi “tính chính thống, khách quan, phân tích sâu về những vấn đề pháp lý” của các bài viết.
Luôn xứng đáng là những nhà báo cách mạng
Lĩnh vực nội chính vốn khô khan và nhiều “nhạy cảm”, chỉ một sai sót nhỏ của phóng viên cũng có thể ảnh hưởng đến thân phận pháp lý, uy tín của cá nhân, tổ chức, cơ quan. Trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường những người làm báo nội chính phải luôn tự trang bị cho mình đủ kỹ năng để đối phó với cạm bẫy, thông tin lệch lạc, thiếu khách quan, sự nguy hiểm..., phải can đảm để đưa ra những vấn đề dù “đụng chạm”. Nhờ đó, “phóng viên nội chính thường là những phóng viên “cứng”, luôn nhìn nhận vấn đề bằng bản lĩnh và ý thức chính trị cao” như nhận xét ông Nguyễn Kinh Quốc (Vụ Báo chí - Văn phòng Chính phủ).
Thêm nữa, “Báo PLVN là một trong những tờ báo của nền báo chí cách mạng, nên các nhà báo của báo PLVN dù ở vị trí nào cũng đều phấn đấu để xứng đáng là những nhà báo cách mạng, những người làm báo cách mạng” là điều mà TS.Đào Văn Hội (Tổng Biên tập báo PLVN) luôn nhắc nhở các phóng viên, biên tập viên để tờ báo đi đúng định hướng và tôn chỉ, mục đích trong những biến động của thời cuộc.
Nên bằng nỗ lực của bản thân, sự định hướng, tin tưởng và hỗ trợ tích cực của tòa soạn, sự phối hợp của các cơ quan liên quan, phóng viên nội chính báo PLVN vẫn từng ngày kiên trì đeo bám, theo đuổi những đề tài trong các lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Cho dù bị chê là “tốn công tốn sức mà không có nhiều hiệu quả kinh tế”, song đổi lại, điều mà phóng viên nội chính báo PLVN có được chính là niềm hạnh phúc khi từng ngày cảm nhận được công sức đóng góp của mình cho sự nghiệp phát triển nền báo chí cách mạng, nền tư pháp gần dân và hướng tới NNPQ XHCN./.
Hương Giang