Dù mới ở thời điểm giữa tháng 7 Âm lịch, nhưng các Công ty cũng như cơ sở sản xuất kinh doanh bánh Trung thu đã khởi động từ hơn tuần trước. Đang thời điểm dịch heo tai xanh, cộng với hoạt động ngoài luồng của nhiều cơ sở sản xuất bánh chui, mùa Trung thu năm nay được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM cảnh báo có nguy cơ cao với ngộ độc thực phẩm mùa Trung thu.
Giá nguyên liệu tăng đột biến, sản lượng tăng nhẹ
Bánh Trung thu không nhãn mác, hạn sử dụng, giá cực rẻ được bày bán ở chợ An Đông
Theo các nhà sản xuất, nguyên liệu đầu vào của bánh Trung thu năm nay tăng khá cao cùng với giá cả thị trường. Cụ thể, hầu hết các nguyên liệu đường, màu, thực phẩm đều tăng 25% so với cùng kì. Tuy nhiên, các thương hiệu lớn trong ngành hàng bánh Trung thu như Kinh đô, Bibica, Phạm Nguyên đều cho biết, để giữ khách hàng và ổn định thị trường, họ chỉ tăng giá sản phẩm khoảng 10-15% so với năm 2009.
Đánh giá chung về thị trường năm nay cho thấy, nhu cầu tiêu thụ bánh Trung thu vẫn đang chững lại, vì thế, phía các nhà sản xuất có vẻ “cầm chừng”, giữ nguyên sản lượng như 2009 hoặc tăng chút đỉnh. Đại diện Kinh đô cho biết, năm nay Kinh Đô tăng 100 tấn so với sản lượng 2009 (1800 tấn). Còn ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Bibica thì cho biết: “Năm nay Bibica tung ra thị trường khoảng 500 tấn bánh Trung thu, tăng 20% so với năm ngoái. Giá cả cũng chỉ dao động nhẹ, tăng 10%”.
Về phía các cơ sở sản xuất nhỏ và gia công, tình hình cũng không khả quan hơn. Nhiều tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6), chợ được coi là đầu mối về bánh Trung thu cho biết, nhiều bạn hàng đã giảm số lượng đặt hàng.
Bánh Trunh Thu “ba không”
Dạo một vòng quanh các khu vực chợ An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6) và một số quầy bánh Trung thu tại các chợ trên địa bàn quận Bình Tân, dễ dàng nhận thấy rất nhiều loại bánh trung thu không đề tên cơ sở sản xuất, bảo quản không đúng quy cách: Bao bì mỏng, không có gói hút ẩm và không… thời hạn sử dụng.
Người bán hàng tại chợ Bình Tây “bật mí” với một khách lần đầu đến mua hàng về bỏ mối: “Để trống sẵn thời hạn sử dụng, về đó em chỉ cần in lên cho khớp ngày”. “Độc đáo” hơn, có rất nhiều bánh Trung thu có mặt tại sạp ngày 23/8, nhưng ngày sản xuất đề trên bao bì lại là… 28/8. Nhiều chiếc bánh còn có thời hạn sử dụng lên đến hơn 2 tháng (thời hạn được khuyến cáo của bánh Trung thu thông thường là một tháng sau khi sản xuất).
Nhan nhản tại các sạp bánh chợ Tân Bình là các loại bánh Trung thu của các thương hiệu chưa nghe đến bao giờ như Thanh Lan, Hoa Lan, Phương Mai… mà theo quan sát của chúng tôi, bao bì cẩu thả chỉ để cho có, vì có rất nhiều khách lấy mối có nhu cầu đem về để đóng vào hộp của các thương hiệu được ưa chuộng như Kinh Đô, Đồng Khánh, Như Lan…
Điều đáng nói là giá cả của các loại bánh trôi nổi, không xuất xứ này đặc biệt rẻ hơn bình thường. Tại chợ An Đông, giá bánh lẻ thăm dò cho thấy dao động từ 10-25.000 đồng/ bánh (2 trứng); bánh không trứng chỉ có… vài ngàn. Nếu so sánh với giá sàn của bánh Trung thu được sản xuất đóng gói bởi các công ty lớn: Bánh lẻ 20- 80 ngàn đồng/ bánh thì chênh lệch quá lớn.
Trong thời điểm gia nguyên liệu tăng cao như hiện nay, giá cả bánh sản xuất không nguồn gốc tại các chợ trên, so với thành phần thông thường được in trên bao bì: Thịt heo, dăm bông, trứng, vi cá, nấm…vv là không thể tin tưởng được, chưa nói đến việc đặt ra câu hỏi những nguyên liệu nào được dùng thay thế cho các nguyên liệu được in trên bao bì nói trên?
Nguy cơ với dịch heo tai xanh
Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM Lê Thái Hoà cho biết: “thời điểm bánh Trung thu được sản xuất năm nay đúng vào thời điểm mà dịch heo tai xanh đang có nguy cơ bùng phát. Điều lo lắng nhất của Chi cục VSATTP hiện nay là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sử dụng thịt heo không có nguồn gốc, nguy cơ heo bệnh cao.
Hiện Sở Y tế TPHCM và phía Chi cục đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, đồng thời Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã triển khai kế hoạch phòng y tế của 24 quận huyện nhằm thành lập các đoàn thanh tra liên ngành thanh tra đối với các cơ sở sản xuất bánh trên mỗi địa bàn.
Ngoài kiểm tra hồ sơ pháp lý, điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh, trọng tâm năm nay sẽ nhắm vào truy nguồn gốc các nguyên liệu, phụ gia làm bánh như: bột, hạt dưa, hạt sen, lạp xưởng, gói chống ẩm… Các loại nhân bánh ngoại nhập cũng sẽ được “soi” kĩ lưỡng.”
Mùa Trung thu năm nay, nếu tiếp tục có sự thiếu đồng bộ và mạnh mẽ từ phía các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm và quản lý thị trường, thì việc bánh Trung thu chất lượng kém tràn lan trên thị trường và gây hậu quá xấu là chuyện không thể tránh khỏi.
Ngọc Mai