*5 gợi ý chính sách từ VEPR
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2016 với những cảnh báo bất ổn của nền kinh tế nếu Chính phủ vẫn “cố” đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.
Theo phân tích của VEPR, kinh tế thế giới quý 2 nổi bật với sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu. Quyết định này dẫn tới biến động trên các thị trường khác nhau trong ngắn hạn, có thể tác động tới kinh tế Việt Nam.
Trong đó, đáng kể nhất là việc giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản đang phục hồi ổn định. Do đó, áp lực lạm phát trong nước thời gian tới sẽ không chỉ đến từ các đợt điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Trong nước, công nghiệp suy giảm khiến tình hình tăng trưởng nửa đầu năm nay không đạt được như kỳ vọng. Dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, VEPR tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng trưởng 6,7% là không thể đạt được.
“VEPR tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế 2016 ở mức 6% hoặc thấp hơn. Do đó, chúng tôi cũng duy trì lưu ý về việc cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới, dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Nếu bất ổn vĩ mô tái diễn, thì cái giá phải trả sẽ đắt hơn nhiều…”-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR lưu ý.
Đại diện VEPR khẳng định hoàn toàn có cơ sở lo ngại về kịch bản này và đưa ra các lưu ý về chính sách.
Áp lực tăng lạm phát không chỉ đến từ điều chỉnh giá
Tiếp tục xu hướng trong Quý 1, lạm phát đã tăng liên tục trong ba tháng trở lại đây. Đáng chú ý, lạm phát toàn phần đã cao hơn lạm phát lõi cho thấy sự gia tăng mạnh trong chỉ số giá các nhóm hàng lương thực thực phẩm, năng lượng và do nhà nước quản lý.
Theo phân tích của VEPR, lạm phát tăng nhanh không chỉ do yếu tố điều chỉnh giá của Nhà nước, mà còn bởi sự hồi phục của giá hàng hóa trên thế giới.
Theo nhận định của VEPR, khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước theo lộ trình. Trong khi đó, cung tiền đang có xu hướng được điều chỉnh tăng cao, đặc biệt trong sáu tháng đầu năm.
“Do vậy, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây…”- VEPR cảnh báo.
Thu hẹp doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân
Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, VEPR cho rằng Chính phủ mới đã có những bước đi đầu tiên trong việc mở rộng không gian cho các DN tư nhân.
Tuy nhiên, các mục tiêu đưa ra trong Nghị quyết như đóng góp của khu vực tư nhân chiếm 48%-49% GDP vào năm 2020, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm là những mục tiêu khá cao, đòi hỏi Chính phủ mới cần quyết tâm hành động rất cao mới làm được điều này để vực dậy nền kinh tế nội địa.
Mặt khác, theo phân tích của VEPR, bản thân Nghị quyết 35/NQ-CP chưa đủ chi tiết và khi triển khai sâu hơn trên thực tế cần có thời gian và sự phối hợp của các Bộ.
“Chúng tôi cho rằng bên cạnh nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, Chính phủ cần quyết tâm tạo dựng môi trường cạnh tranh thực sự hữu hiệu, thu hẹp khu vực DNNN – đây là cách hỗ trợ cho DN tư nhân của Việt Nam một cách tốt nhất trong bối cảnh hội nhập nhanh hiện nay…”- Báo cáo khuyến nghị.
Nhà nước cần thoái vốn một cách quyết đoán
Câu chuyện Bộ Tài chính yêu cầu 2 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước lớn là BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt được VEPR đề cập trong báo cáo kinh tế vĩ mô để phần nào phản ánh cơ cấu thu ngân sách đang dần dịch chuyển do một số nguồn thu suy giảm, trong đó có các khoản lợi tức từ các DNNN.
Theo khuyến cáo của VEPR, về dài hạn, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn. “Chúng tôi khuyến nghị Nhà nước thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các DNNN lớn, đặc biệt tại một số NHTM Nhà nước. Việc này có thể giúp bổ sung nguồn NSNN, đồng thời tạo điều kiện cho các NHTM này vẫn có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động…”- Báo cáo của VEPR gợi ý.
Huy động vàng- Chỉ tạo thêm bất ổn
Theo phân tích của VEPR, ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế theo đề xuất của Hiệp hội kinh doanh vàng đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường và nếu thực hiện, sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy tới.
Theo phân tích của VEPR, vàng, hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống.
Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu (như trường hợp Brexit khiến giá vàng thế giới tăng hiện nay), sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Và về dài hạn, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua.
“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông, và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản…”- VEPR đề nghị.
Khủng hoảng cá chết - Hồi chuông cảnh báo về mô hình tăng trưởng kinh tế
Tâm điểm của Quý 2 không thể không đề cập tới là hiện tượng cá chết bất thường tại bờ biển 4 tỉnh miền Trung. Theo VEPR, đa số người dân cho rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng vừa chậm chạp vừa vội vàng.
Sự chậm chạp trong xử lý tình huống và truyền thông vào giai giai đoạn đầu khi cuộc khủng hoảng vừa nổ ra, cho thấy Chính phủ còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng môi trường trên diện rộng, cả về năng lực kỹ thuật lẫn khả năng kết nối liên ngành. Trong khi đó, việc xác định và chấp nhận mức bồi thường từ Formosa được đánh giá là đã quá vội vàng.
“Chúng tôi cho rằng việc xác định mức bồi thường phải dựa trên một quy trình chặt chẽ cả về pháp lý và kỹ thuật. Nếu chưa có sự xác minh lượng giá tổn thất của cuộc khủng hoảng một cách khoa học, mà đã chấp nhận mức đền bù, thì vô hình trung đã thừa nhận quy mô tổn thất tương đương với mức đền bù đó. Hành động này có thể khép lại các cơ hội đàm phán dựa trên các tính toán chặt chẽ, khoa học hơn…”- VEPR nhận định.
Mặc dù chưa thực hiện một ước lượng nghiêm ngặt về những tổn thất này, theo ước tính sơ bộ, VEPR cho rằng mức tổn thất vượt qua rất nhiều so với con số 500 triệu USD. Thêm vào đó, theo VEPR, cuộc khủng hoảng là một hồi chuông dữ dội để chúng ta suy nghĩ lại mô hình tăng trưởng kinh tế đang theo đuổi hiện nay, ở cả cấp trung ương và địa phương.
Đồng thời, nó cho thấy năng lực và trách nhiệm quản lý các quá trình gây ô nhiễm của các cơ quan chức năng còn rất thấp. “Nếu không xử lý nghiêm minh và bảo đảm một cơ chế bảo vệ môi trường hữu hiệu, thiệt hại cho xã hội và người dân là vô cùng to lớn, đe dọa cuốn trôi những nỗ lực tăng trưởng và ổn định kinh tế-xã hội…”- Báo cáo đưa ra cảnh báo.
Tác động của hiện tượng cá chết là rất nặng nề
Trong Quý 2, kinh tế 4 tỉnh miền Trung bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng cá chết hàng loạt. Có ít nhất 70 tấn cá tự nhiên của các địa phương này đã chết và trôi dạt vào bờ, ảnh hưởng tới không chỉ hoạt động đánh bắt cá , mà còn cả các hoạt động kinh tế khác.
Sau 84 ngày điều tra, Chính phủ đã công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh.
Phía Formosa Hà Tĩnh đã chấp nhận kết luận của Chính phủ và cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường với số tiền là 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).
Theo đánh giá của VEPR, tác động về mặt kinh tế của hiện tượng cá chết hàng loạt sẽ thông qua hai kênh. Thứ nhất, hiện tượng này tác động trực tiếp tới những ngành có liên quan như nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, nghề muối, và ngành du lịch.
Thứ hai, trong trung và dài hạn, nhiều ngành khác trong nền kinh tế sẽ chịu tác động lan tỏa dây chuyền sau những tác động trực tiếp. Ngoài ra, những thiệt hại về môi trường biển, nguồn lợi thủy sản, uy tín chỉ dẫn địa lý, sinh kế người dân và gắn kết xã hội là lâu dài, to lớn và rất khó đánh giá .
Theo ước tính của Bộ LĐ TB & XH, có khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp. Tại các địa phương, Quảng Bình ước tính địa phương này thiệt hại trực tiếp khoảng 2.655 tỷ đồng sau ba tháng, dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng đến hết năm 2016.