Báo chí phải góp phần xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách Việt Nam

(PLVN) -  Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), sáng 20/6, phát biểu tại Hội nghị Giao ban công tác báo chí tháng 6/2023, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phải góp phần xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách Việt Nam.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh VGP-Minh Khôi)
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh VGP-Minh Khôi)

Khẳng định được tâm thế và phẩm chất của người làm báo cách mạng

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc những người làm báo cách mạng Việt Nam “bút sắc, lòng trong”, thực hiện thật tốt vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh nghề nghiệp để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, chúng ta đã bước sang nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Đây là thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực hết sức với quyết tâm cao hơn, khát vọng cao hơn, trí tuệ hơn, sáng tạo hơn, trách nhiệm hơn để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra. “Báo chí Cách mạng Việt Nam, với vai trò và sứ mệnh nghề nghiệp cao cả, với bề dày truyền thống vẻ vang gần 100 năm xây dựng và phát triển, cần tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam ở hai dấu mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập Nước - năm 2045”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí phải giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, vai trò “đi trước mở đường”, vai trò chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền; thể hiện rõ nét là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước. Tập trung xây dựng các chuyên mục, chương trình tổng kết, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Làm tốt hơn nữa, chủ động hơn nữa, không ngừng nghiên cứu, đổi mới tư duy, cách thức quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, phải đẩy mạnh hơn nữa thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó chú trọng khai thác, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Đặc biệt, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phải góp phần xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách Việt Nam. Thông tin cần kịp thời, khách quan, toàn diện, thiết thực, giàu tính chiến đấu, có khả năng định hướng, chỉ dẫn xã hội. Cần chú trọng đến việc tham gia giám sát, phản biện xã hội một cách xây dựng và tích cực; chủ động tham gia giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề được dư luận quan tâm với tâm thế và phẩm chất của người làm báo cách mạng.

Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn đến việc xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hoá. Làm tốt được điều này, chúng ta sẽ có được một nền báo chí liêm chính, nhân văn và chuyên nghiệp; khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của phóng viên, người làm báo. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí ngày càng phải chủ động hơn, kịp thời hơn, sát thực tiễn hơn trong chỉ đạo, định hướng thông tin. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí, cần tích cực nghiên cứu các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện để báo chí phát triển.

“Tôi đề nghị các cơ quan liên quan xác định rõ việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng phải là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn từ nay đến dấu mốc 2025 - Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ.

Ông cũng mong muốn mỗi nhà báo, mỗi người làm báo và cơ quan báo chí cần quán triệt tinh thần báo chí cách mạng, đầu tư nguồn lực xây dựng đội ngũ người làm báo và cơ quan báo chí vững về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại. Lấy kết quả công tác, lấy sự phụng sự Tổ quốc và nhân dân là hành trang và kế hoạch ý nghĩa để hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và bước sang giai đoạn phát triển mới với tinh thần “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tạo sức mạnh cho xã hội qua cách tiếp cận sáng tạo, đa dạng, chính xác

Cũng tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, trải qua 98 năm được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành, đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng CNXH, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Báo chí đóng vai trò tiên phong trong bồi đắp, làm giàu nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học. Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, đưa tin tại những “điểm nóng”, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như công tác xây dựng Đảng, đấu tranh PCTN,TC, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh, quốc phòng… với nhiều cách tiếp cận sáng tạo, đa dạng, chính xác, tạo sức mạnh tổng hợp cho xã hội. Đây là minh chứng rõ nét của sự dấn thân, ý chí bản lĩnh, sự tìm tòi sắc sảo, sáng tạo của những người làm báo trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, nguy hiểm.

Phó Thủ tướng đánh giá cao hoạt động giao ban báo chí với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, địa phương trao đổi với lãnh đạo các cơ quan báo chí về những vấn đề đang được người dân, dư luận xã hội quan tâm. Từ đó giúp lan toả, kết nối hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuống địa phương hiệu quả hơn, đến gần hơn với người dân. “Chính phủ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với các bộ, ngành, địa phương để tuyên truyền, vận động, khích lệ người dân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; luôn luôn lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, phản hồi từ chuyên gia, nhà khoa học, người dân… để thực hiện tốt nhất trách nhiệm phục vụ nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng tình với kế hoạch tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng đây là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, góp phần ôn lại quá khứ hào hùng, nâng cao hiểu biết, nhận thức, niềm tự hào về báo chí cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ. Các bộ, ngành cần nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch. Đây không chỉ là sự kiện của ngành báo chí mà cả hệ thống chính trị sẽ cùng tham gia. Từ đó, ôn lại lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như vai trò, vị trí của báo chí cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Báo cáo tại Hội nghị về triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, nhiều cơ quan báo chí, các hội nhà báo, liên chi hội nhà báo đã hưởng ứng tích cực phong trào gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều mô hình hay, thiết thực và có hiệu quả.

Để thực hiện có hiệu quả, thiết thực phong trào trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cấp hội, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí cần tập trung gắn nội dung phong trào thi đua với trách nhiệm chính trị của đơn vị trong từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, coi trọng việc kiểm tra giám sát ở các cấp hội để kịp thời biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân tổ chức hội, hội viên gương mẫu; chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị chưa thực hiện tốt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đọc thêm