Từ sau Đại hội 18, có tới 218 cán bộ cơ quan UBKTKLTW bị gọi để “trò chuyện”, 21 người bị điều chuyển chức vụ, 17 người bị lập án điều tra; còn trong hệ thống UBKTKL toàn đảng có hơn 5.000 người bị gọi lên nhắc nhở, 2.100 người bị xử lý tổ chức, 7.500 người bị kỷ luật. Con số đó nói lên tính cần thiết phải tăng cường giám sát chính đội ngũ đội quân xung kích trong cuộc chiến chống tham nhũng, cũng thể hiện quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của UBKTKLTW.
Lần lượt hơn 10 quan chức lãnh đạo UBKTKL cấp cao, những người từng được tung hô là “Bao Công thời nay” nhưng đã sa ngã bởi tiền, vàng, rượu, gái, phạm tội lỗi nghiêm trọng…đã được đưa ra phân tích, “mổ xẻ” về các hành vi, thủ đoạn phạm tội, quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cùng những lời sám hối, phản tỉnh…khiến nhiều người ngỡ ngàng, kinh sợ.
Ngụy Kiện là quan chức lãnh đạo cấp cục, sở đầu tiên của UBKTKLTW bị điều tra vì phạm tội kể từ sau Đại hội 18. Kiện là Chủ nhiệm Phòng Giám sát kỷ luật cán bộ số 4 thuộc UBKTKLTW, từng tham gia điều tra các vụ đại án, án quan trọng Bạc Hy Lai (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trùng Khánh), Đới Xuân Ninh (TGĐ Công ty Bảo hiểm xuất khẩu Trung Quốc)…Việc Kiện bị bắt ngay tại phòng làm việc để điều tra từng gây chấn động lớn trong ngành KTKL đảng.
Tiền tang vật đủ loại giấy bạc NDT, USD, euro từng bó thu được trong nhà Ngụy Kiện |
Ngụy Kiện nguyên là Phó Chánh án Tòa án tỉnh Hà Bắc, năm 2008 được điều về UBKTKLTW làm Chủ nhiệp Phòng Giám sát số 5 phụ trách công tác kiểm tra kỷ luật đảng các tỉnh Tây Nam (Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Tây Tạng); tháng 7/2012 chuyển sang phụ trách Phòng số 2 phụ trách công tác KTKL của 26 bộ, ban, ngành ở trung ương như các bộ Tài chính, Thương mại, Ngân hàng nhân dân, Tổng thanh tra, Cục Thuế, Tổng cục Công thương, Hải quan…
Từ tháng 3/2014, sau khi UBKTKLTW cải tổ cơ cấu, Kiện được giao làm Chủ nhiệm Phòng Giám sát kỷ luật số 4, phụ trách 26 cơ quan, đơn vị thuộc ngành tài chính, ngân hàng cho đến khi bị bắt giữ điều tra ngày 9/5/2014.
Sau khi Ngụy Kiện được điều từ tỉnh lên công tác tại UBKTKLTW, số bạn bè, các ông chủ chủ động tìm đến kết giao ngày một đông, Kiện cũng chẳng từ chối ai. Trong quá trình giao lưu, tận mắt thấy lối sống xa hoa của các ông chủ, dần dần tâm thái Kiện trở nên mất cân bằng. Có tết, một ông chủ mời Kiện ra Hải Nam du lịch, bố trí Kiện vào ở trong biệt thự của ông ta khiến Kiện bắt đầu thay đổi nếp suy nghĩ…
Kiện nói: “Tôi đi một vòng quanh biệt thự, ngay ven biển, nguy nga, toàn những thứ xa xỉ. Khi đó tôi chợt thấy mình thật ngốc. Họ kiếm được nhiều tiền quá! Sau đó, khi họ cho tiền, trong lòng tôi nghĩ: anh tiến cống tôi à? Được thôi. Dù sao cũng là bạn bè nhau, anh cũng có thực lực, có gì đáng ngại?”
Tâm thái đó của Kiện đã bị các thương gia “vây chặt, săn đuổi” thực ra là “anh tự nguyện, tôi muốn nhận”, cho đến khi ngã ngựa Kiện mới nghĩ lại việc nhận những khoản tiền lớn đó đã đem lại gì cho mình.
Kiện khai thật: “Nhận tiền rồi cất ở trong nhà, bình thường tôi chả có lúc nào tiêu tiền, điều kiện nhà tôi cũng khá giả, nên những khoản tiền biếu đó nói thật là sau khi nhận tôi quẳng một chỗ, chẳng ngó ngàng đến. Cầm chúng, tôi đã phải trả giá bằng sự an nguy của bản thân, bằng tiền đồ cả cuộc đời phía trước. Tôi thật là ngu ngốc!”.
Ngà voi thu được trong nhà Ngụy Kiện |
Ngày 4/5/2014, Kiện vẫn đến cơ quan làm việc như mọi ngày, không ngờ vừa đến phòng thì bị bắt giữ để điều tra. “Tôi cũng từng nghĩ mình nhận tiền cũng nguy hiểm, nhưng khi đó đầu óc đã mụ mị; vả lại cũng nghĩ mình là quan chức UBKTKLTW, ai lại điều tra cơ quan này kia chứ?”. Khi Kiện bị bắt, nhiều đồng nghiệp đã sửng sốt, ngỡ ngàng đến “rơi kính”.
Qua điều tra cho thấy tổng số tiền liên quan đến mấy chục triệu Nhân dân tệ. Số lượng tiền, quà nhiều đến nỗi khiến người ta kinh hoàng; có đến hơn 100 người đưa hối lộ cho Kiện; trong đó có quan chức, ông chủ tư nhân, bạn học cũ, đồng hương…Đằng sau trự trao đổi lợi ích là giao dịch, thứ Kiện đem ra để đổi lấy tiền bạc, đồ vật chính là quyền lực giám sát, thực thi kỷ luật.
Như trường hợp 1 ông chủ dính vào vụ án tranh chấp quyền cổ đông bèn tìm đến Ngụy Kiện. Sau đó Kiện lấy danh nghĩa Phòng 4 chuyển tài liệu xuống UBKTKL tỉnh ủy đó, đề nghị họ xử lý, thực tế là giải quyết giúp ông chủ nọ, thế là mọi việc thu xếp xong. Có tới mấy chục trường hợp Kiện đã giải quyết mưu lợi cho người khác.
Ngoài việc trực tiếp lợi dụng chức vụ, lấy cớ đánh án để mưu lợi, Kiện còn nhiều lần thông qua việc tác động đến quan chức các địa phương để giải quyết việc cho đối tác trong đủ mọi lĩnh vực như: thăng chức, sắp xếp công tác, xét xử vụ án, nhận công trình…những việc mà bản thân Kiện thì không trực tiếp giải quyết được, nhưng với chức vụ và quyền lực của Kiện có thể nhờ các quan chức địa phương giải quyết hộ.
Trường hợp điển hình là Tống Chí Viễn, ông chủ người Tứ Xuyên đưa hối lộ hàng chục triệu tệ. Khi đó Viễn muốn nhận một công trình lớn ở Tứ Xuyên, nên tìm đến Ngụy Kiện nhờ cậy tác động đến chính quyền tỉnh. Kiện lập tức gọi điện cho Lý Xuân Thành, khi đó đang là Bí thư thành ủy Thành Đô, Phó Bí thư Tứ Xuyên (sau này là UVTW, Bí thư Tứ Xuyên), đề nghị quan tâm giúp đỡ Viễn.
Ngụy Kiện xuất hiện trong phim với mái tóc bạc trắng |
Kiện nhấc máy lên gọi cho Thành, biết là vi phạm nguyên tắc nhưng mọi việc đã được giải quyết: chỉ một cú điện của Kiện, việc nhận thầu công trình tiền tỷ của Viễn đã xong. 3 ngày sau, Bí thư huyện ủy nơi có công trình gọi điện cho Viễn, nói:
“Anh Viễn, chúng tôi ủng hộ anh mà, sao anh phải chạy lên đến Bắc Kinh?” Viễn hỏi: “Có chuyện gì vậy?”. “Trên UBKTKLTW gọi điện cho lãnh đạo tỉnh nói chúng tôi không ủng hộ. Chúng tôi ủng hộ anh đấy chứ!” Thế là họ xúc tiến rất nhanh, hợp đồng được ký kết ngay.
Trong suốt thời gian làm lãnh đạo các Phòng 5, 2, 4 của UBKTKLTW, Kiện đã liên hệ với nhiều địa phương và ban ngành, dùng cách gọi điện để nhờ vả. Có tới cả chục tỉnh thành bị “nhờ” như Tứ Xuyên. Chỉ là cán bộ cấp Cục, Vụ, nhưng Kiện dám gọi điện cho lãnh đạo cấp tỉnh để nhờ giải quyết việc riêng như thế là bởi ỷ vào quyền lực sinh sát của UBKTKLTW, có liên quan đến sinh mạng chính trị của các cán bộ lãnh đạo là đảng viên.
Không được nhận tiền tài của người khác, không được dùng quyền mưu lợi tư là ranh giới đỏ phải giữ của mỗi cán bộ đảng viên, huống hồ lại là một cán bộ cơ quan kiểm tra kỷ luật gánh trọng trách chống tham nhũng.
Ngụy Kiện từng giữ các chức vụ lãnh đạo ở tòa án và UBKTKL, nắm rất chắc các quy định về kỷ luật, pháp luật; thế nhưng dục vọng và quyền lực đã khiến y “tri pháp phạm pháp, tri kỷ vi kỷ”, biết sai cố phạm; từ một cán bộ giám sát thực thi kỷ luật, pháp luật trở thành đối tượng bị trừng phạt vì tham nhũng.
Sau khi bị bắt, chỉ qua một đêm, tóc Kiện đã bạc trắng…Tại nhà Kiện, ngoài các bó giấy bạc USD, euro, NDT, các nhân viên điều tra còn thu được tượng Phật bằng vàng, vòng ngọc, vàng thoi, ngà voi đã chạm khắc và hàng đống thẻ ngân hàng, thẻ quà tặng, tổng giá trị hàng mấy chục triệu tệ...
Từ tối 3/1/2017, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV-1) đã bắt đầu chiếu bộ phim tài liệu “Muốn rèn thép, búa đe phải cứng” với chủ đề mà báo chí gọi là “chiếu sáng nơi chân đèn”, “làm sạch đội ngũ thợ săn Hổ” – tức những quan tham trong hàng ngũ lãnh đạo cơ quan Ủy ban kiểm tra kỷ luật đảng (UBKTKL) đầy quyền lực, được coi là những người tiên phong trong cuộc chiến “đả Hổ, đập Ruồi, săn Cáo”.
(Còn tiếp)