5 năm qua, Phong trào Thi đua Quyết thắng (PTTĐQT) 2019 - 2024 được ngành Hậu cần Quân đội triển khai toàn diện, đồng bộ, sôi nổi, có sức lan tỏa sâu rộng; kết hợp chặt chẽ giữa Phong trào TĐQT với các đợt thi đua cao điểm, đột kích và các cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”, “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”... PTTĐQT đã đột phá vào khâu yếu, mặt yếu với những nội dung, biện pháp cụ thể.
5 năm qua, Cục Hậu cần Quân khu 9 đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, xây dựng các khu tăng gia sản xuất tập trung, vườn rau, trại chăn nuôi… theo Đề án QN-21 với định hướng cơ bản, lâu dài để chủ động nguồn lương thực, thực phẩm, tăng tỷ lệ tự túc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Công tác tăng gia sản xuất và dịch vụ hậu cần đạt hiệu quả, lãi bình quân đạt 1.548.000 đồng/người/năm.
Các đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội, quân số khỏe bình quân đạt hơn 99,13%; các tuyến quân y thu dung, cấp cứu, điều trị an toàn, hiệu quả, kịp thời xử lý tốt các dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Tổ chức quản lý, khám sức khỏe định kỳ đạt tỷ lệ cao, nhất là cán bộ cao cấp.
Quân đoàn 4 đóng quân ở địa bàn đô thị các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ. Đây là khu vực có điều kiện kinh tế và hạ tầng phát triển năng động, với mật độ dân cư cao nên có nhiều thuận lợi trong công tác bảo đảm hậu cần. Tuy nhiên, ngành Hậu cần Quân đoàn vẫn gặp không ít khó khăn, như: Địa hình, thời tiết, khí hậu khu vực đóng quân phức tạp; nắng gắt, nhiệt độ cao kéo dài; mùa mưa thường đi kèm sấm sét, dông lốc... ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bộ đội và công tác tăng gia, chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng biến động, đắt đỏ. Tình hình dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm vẫn phát triển mạnh và có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào...
Cục Hậu cần Quân đoàn 4 kiểm tra công tác tăng gia của Kho Tổng hợp. (Ảnh: Hoàng Thành) |
Đại tá Nguyễn Văn Phượng, Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 4 cho biết, giai đoạn 2019 - 2024, ngành Hậu cần Quân đoàn 4 đã làm tốt công tác tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn lấy chất lượng bảo đảm cho đơn vị là thước đo đánh giá trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ hậu cần; chủ động phân cấp khai thác, tạo nguồn bảo đảm lương thực, thực phẩm kết hợp với đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chế biến. Đây là biện pháp quan trọng để giữ ổn định và nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội.
Bên cạnh đó, ngành Hậu cần đã duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả cơ sở xay xát gạo ở Cần Thơ, do Quân đoàn đầu tư. Hằng năm, vào tháng 3 chính vụ đông xuân, Quân đoàn đều mua từ 1.300 đến 1.500 tấn lúa khô đưa vào tạm trữ, kết hợp với mua gạo nguyên liệu để xay xát, sau đó sử dụng tàu vận chuyển về bến thủy nội địa của Quân đoàn cấp phát bảo đảm nhu cầu gạo ăn cho đơn vị mỗi tháng 3 lần với chất lượng gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (5% tấm, độ ẩm 15%); giá ổn định, rẻ hơn thị trường 15 - 20%. Do đóng quân chủ yếu ở địa bàn đô thị nên Quân đoàn đã chỉ đạo chuyển từ nuôi heo sang nuôi gia cầm lấy thịt và trứng.
Đối với công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội, ngành Hậu cần chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, say nắng, say nóng... bảo đảm đơn vị không để xảy ra dịch bệnh, quân số khỏe tham gia huấn luyện, học tập đạt trên 99%.
5 năm qua, ngành Hậu cần Quân đoàn 4 đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm hậu cần đầy đủ, chu đáo, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của Quân đoàn. Hiện tại, 100% đầu mối đơn vị đã quy hoạch và đầu tư xây dựng khu tăng gia tập trung; 100% diện tích rau ăn lá được trồng trong nhà lưới, bê tông hóa hệ thống giàn. Vườn cây ăn quả được đầu tư phát triển tốt... Toàn Quân đoàn luôn bảo đảm đủ 100% nhu cầu rau xanh và trái cây phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội.
Quân đoàn cũng duy trì nền nếp hoạt động của 11 trạm chế biến tiếp phẩm tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn và sư đoàn. Hoạt động giết mổ, sản xuất đậu phụ, giá đỗ, chả, dưa muối... bảo đảm chất lượng, an toàn và rẻ hơn thị trường cùng thời điểm 15 - 25%. Việc cấp phát, quản lý xăng dầu, quân nhu, doanh trại đúng quy định, thực hành tiết kiệm và làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ, không để xảy ra thất thoát, hư hao...