Bảo đảm xây dựng Chính phủ, chính quyền địa phương năng động, sáng tạo

(PLO) - Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên họp toàn thể lần thứ tư Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp về một trong những mục tiêu cần hướng tới trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp
Phiên họp này diễn ra vào cuối tuần qua tại trụ sở Bộ Tư pháp để cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP).
Bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt
Trình bày về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, Luật sửa đổi lần này sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, phát huy mạnh mẽ dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, kiến tạo, phát triển đất nước. 
Theo đó, Luật sẽ không quy định quá chi tiết, cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ như hiện hành mà vẫn khái quát hóa được 7 nhiệm vụ của Chính phủ đã được nêu tại Điều 96 Hiến pháp 2013 với 12 nhóm nội dung, bao quát hết tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ. Các hoạt động của Chính phủ được thực hiện trên cơ sở phân công, phân cấp giữa Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, giữa Trung ương và địa phương đúng nguyên tắc cơ quan hành chính cấp dưới phải phục tùng sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan hành chính cấp trên…
Chia sẻ về mục tiêu xây dựng Dự án Luật Tổ chức CQĐP, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, Dự luật sẽ quy định sao cho CQĐP các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng, giám sát hoạt động của CQĐP. Luật này cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính của từng cấp CQĐP, về phân cấp, phân quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp CQĐP…, đồng thời quy định nguyên tắc về hoạt động giám sát của HĐND, về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã cơ bản thống nhất với mục tiêu, quan điểm xây dựng hai Dự án Luật trên nhằm cụ thể hóa quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Chính phủ và CQĐP, đảm bảo sự thống nhất, thông suốt, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động và tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 
Cần làm rõ vai trò làm chính sách của Chính phủ
Cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, Dự thảo Luật vẫn chưa cụ thể hóa đầy đủ các nhiệm vụ của Chính phủ được quy định tại Điều 96 Hiến pháp; chưa làm sáng tỏ được vai trò của Chính phủ trong việc khởi xướng, hoạch địch và điều hành chính sách vĩ mô. 
Đáng chú ý, Dự thảo Luật chưa nêu bật 8 nhiệm vụ của Chính phủ được quy định tại Điều 96 Hiến pháp theo hướng phân cấp nhiệm vụ của Chính phủ và nhiệm vụ của CQĐP, đặc biệt là cụ thể hóa nhiệm vụ của Chính phủ “thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh quốc gia…” trong mối quan hệ với các cấp CQĐP trên các lĩnh vực này. “Đây là vấn đề rất quan trọng cần hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước” - ông Liên nói. Và nội dung này cũng chưa được thể hiện rõ nét trong Dự án Luật Tổ chức CQĐP. 
Đồng tình, chuyên gia cao cấp Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường cũng khẳng định, Chính phủ phải là cơ quan hoạch định chính sách quốc gia. Vì vậy, theo ông Đường, cần làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo hướng xây dựng Chính phủ đủ mạnh, độc lập tương đối bởi Chính phủ càng mạnh thì đất nước càng phát triển cũng như cần phân biệt rạch ròi hơn quyền, trách nhiệm của Thủ tướng và các Bộ trưởng. Thậm chí, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng còn đề nghị trao quyền quyết định thay đổi thành viên Chính phủ (các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ) cho Thủ tướng. 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thì băn khoăn, hai vấn đề về bộ máy tổ chức, kinh phí không được đề cập trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sẽ là không triệt để, không đáp ứng được kỳ vọng của người dân về đổi mới tổ chức Chính phủ. 
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, cả hai Dự thảo Luật trên đều phải đổi mới tư duy lập pháp nhằm xây dựng Chính phủ và CQĐP mạnh, năng động, sáng tạo, đủ năng lực để quản lý, điều hành, ứng phó kịp thời với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. 
Đối với Dự án Luật Tổ chức Chính phủ, theo Bộ trưởng, cần hóa giải được mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội hay vấn đề kiểm soát quyền lực giữa hành pháp với tư pháp. Còn về Dự án Luật Tổ chức CQĐP, Bộ trưởng cho rằng Luật nên tập trung quy định tổ chức và hoạt động của CQĐP tại các đơn vị hành chính và chỉ nêu ra nguyên tắc chung về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, các vấn đề cụ thể đối với đơn vị này thì dành cho Luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt quy định cho phù hợp. 

Đọc thêm