Giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình Dự án Luật nói trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 38/183 điều, trong đó bổ sung 04 điều, sửa đổi 34/183 điều và bãi bỏ 04/183 điều so với Luật hiện hành.
Một trong những nội dung lớn là Dự thảo Luật bổ sung các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức thi hành án.
Mặt khác, để phù hợp hơn với thực tiễn, Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ của người được thi hành án thành trách nhiệm của Chấp hành viên nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án, đồng thời quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh; người được thi hành án cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và được miễn, giảm phí thi hành án nếu cung cấp thông tin chính xác.
Ủy ban Tư pháp tán thành với Dự thảo Luật về việc sửa đổi quy định về xác minh điều kiện thi hành án theo hướng giao trách nhiệm này cho cơ quan THADS, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho người được thi hành án tự mình hoặc nhờ cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định xác minh điều kiện của người phải thi hành án để cung cấp thông tin cho cơ quan THADS.
Tuy nhiên về thủ tục, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án và nâng cao trách nhiệm của cơ quan THADS, thời hạn tiến hành xác minh cần được rút ngắn hơn, Ủy ban Tư pháp cho rằng việc Dự thảo Luật quy định Chấp hành viên tiến hành xác minh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Chấp hành viên nhận được quyết định thi hành án là không hợp lý.
Bổ sung các trường hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Nhằm khắc phục tình trạng lượng án tồn đọng rất lớn, nhất là những việc mà các cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để tổ chức thi hành trong nhiều năm nhưng không có kết quả, dẫn đến tốn kém công sức, kinh phí từ ngân sách nhà nước, Dự thảo Luật bổ sung các trường hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án như: Các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn mà người phải thi hành án không còn tài sản; không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống và tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời, Dự thảo Luật quy định những trường hợp người phải thi hành án có thể được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước, cụ thể như sau: Người phải thi hành án có thể được miễn khoản nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 5 triệu đồng, trừ các trường hợp phạm tội an ninh quốc gia, tội tham nhũng, tội trốn thuế; người phải thi hành án phải thi hành được một phần năm mươi của nghĩa vụ còn lại thì có thể được miễn, giảm khoản nộp ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cơ quan THADS lập sổ theo dõi riêng đối với các trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án và không đủ điều kiện xét miễn, giảm khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước khi hết thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật THADS năm 2008 có hiệu lực. Trường hợp phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan THADS hoặc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp tục tổ chức thi hành án.
Ngoài ra, việc miễn khoản án phí và các khoản thu cho ngân sách nhà nước cũng được áp dụng đối với các trường hợp không còn bị coi là tội phạm theo quy định tại Điểm c Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Ủy ban Tư pháp tán thành với chủ trương cần hoàn thiện cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước để góp phần giảm lượng án tồn đọng. Nhưng theo Ủy ban, việc sửa đổi, bổ sung về điều kiện, đối tượng và mức xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án phải bảo đảm yêu cầu vừa góp phần giảm lượng án tồn đọng, vừa thể hiện tính nhất quán của chính sách và sự nghiêm minh của pháp luật.
Ủy ban Tư pháp thấy rằng, mặc dù cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra để chỉnh lý căn bản nội dung quy định tại Điều 61 (Khoản 16 Dự thảo Luật). Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu nói trên, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thu hẹp hơn nữa phạm vi đối tượng, theo đó, không nên quy định trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống và không xác định được tài sản của người phải thi hành án cũng thuộc diện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Quy định này cũng nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách miễn, giảm để chây ỳ, che giấu tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Mặc dù còn 2 loại ý kiến khác nhau về trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong THADS , tuy nhiên qua phân tích, Chính phủ đồng tình với loại ý kiến thứ nhất cho rằng, ngoài các loại quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Tòa án như quy định hiện hành (quyết định miễn, giảm thi hành án; quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm), Tòa án chỉ cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp, đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, qua đó cũng xác nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành; các loại quyết định khác trong quá trình THADS chỉ mang tính chất hành chính, thuộc về nghiệp vụ THADS thì do cơ quan, tổ chức THADS thực hiện. Dự thảo Luật được thể hiện theo loại ý kiến này.