Báo động nạn đào trộm mồ cổ ở Gia Lai

Thời gian gần đây, việc đi tìm đồng, cổ vật dưới lòng đất và gỗ Huỳnh Đàn rộ lên khiến một số kẻ bất lương tìm đến các khu nhà mồ của bà con dân tộc Bana ở các huyện Đắc Pơ, Kbang Gia Lai để đào trộm mồ mả….

Thời gian gần đây, việc đi tìm đồng, cổ vật dưới lòng đất và gỗ Huỳnh Đàn rộ lên khiến một số kẻ bất lương tìm đến các khu nhà mồ của bà con dân tộc Bana ở các huyện Đắc Pơ, Kbang Gia Lai để đào trộm mồ mả….

Thượng tá Đỗ Hùng đang chỉ một ngôi mộ mới bị bọn trộm đào bới
Thượng tá Đỗ Hùng đang chỉ một ngôi mộ mới bị bọn trộm đào bới

Cách đây hai năm, gia đình ông Đinh Văn Nghèo, ở làng Mơ H’Ra, xã Kon Lơng Khương, huyện Kbang không may có người thân qua đời. Theo phong tục của dân tộc Bana, gia đình ông đã chia của cải cho người chết gồm một bộ nồi, xoong, bát, đĩa và một chiếc ghè cổ.

Trước khi chôn ghè cùng người chết, gia đình ông đã đập bể đít ghè. Một tuần sau ông Nghèo ra thăm khu nhà mả đã thấy ngôi mộ bị đào bới, mất bộ nồi xoong và ghè cổ.  Để cúng và lấp lại ngôi mộ, dù nghèo nhưng gia đình ông đã phải làm thịt một con lợn và mua 2 ghè rượu để mời dân làng.

Chuyện đào trộm mả dù đã xảy ra với gia đình cách đây hai năm, nhưng nó vẫn như còn mới đối với bản thân và gia đình ông: “Nó lấy cái ghè cũ mà mình chôn rồi nó hàn lại, bán cho người ta, đau lòng lắm chú ơi”.

Làng Leng Dôr, xã Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai vốn là một ngôi làng bình yên của người Bana nơi đại ngàn Tây Nguyên. Thế nhưng, hơn một năm qua, những kẻ bất lương đã liên tục tìm đến khu nhà mả đào bới để lấy cổ vật và của cải như, vàng bạc, đồng và gỗ Huỳnh Đàn làm quan tài của người đã về cõi thiên cổ. Không chỉ đào trộm một, mà trong khu nhà mả của làng có gần 200 ngôi thì có tới hơn 100 ngôi mồ bị đào trộm.

Cậu ruột của bà Đinh Thị H’Phiên, làng Leng Dôr, xã Đắc Pơ, huyện Đắc Pơ, chết cách đây hơn 5 năm, nhưng hồi Tháng Ba vừa qua cũng bị kẻ trộm đào bới. Đứng trước ngôi mộ mới được lấp lại, bà H’Phiên buồn phiền chia sẻ: Mục đích của trộm mả là đi tìm đồng đen, tìm vàng. Mà phong tục của dân tộc ở đây là không có đồng đen và không có vàng. Chủ yếu là chôn rìu hoặc là nồi xoong đem theo người chết thôi.

Bây giờ, ghè cổ đó nhưng chúng tôi không để nguyên nữa mà đập hết cái đít để tránh việc mồ mả người chết bị kẻ tham đào lên. Mấy năm trước là nó bới vài mộ thôi. Năm nay nó đào hàng loạt cả làng luôn. Đào cả các làng khác như làng H’ven, làng Kuk Đăc, Kuk Kông.

Việc kẻ xấu đến đào trộm mồ mả đã lan ra khắp cả địa phương. Theo ông Đinh Pó, Trưởng thôn ở làng Leng Dôr, xã Đắc Pơ, huyện Đắc Pơ thì trước đây khoảng 10 năm, việc chia của cải cho người chết theo phong tục là có. Những tài sản chôn theo cũng rất quý như chiêng đồng, ché cổ, dao dựa, xoong nồi... đã khiến những kẻ bất lương tìm đến các khu nhà mả để đào bới  tìm kiếm hiện vật. Hiện bà con ở các địa phương rất mong chính quyền các cấp và ngành chức năng vào cuộc để ngăn chặn kẻ xấu đến đào bới.

Ông Đinh Pó cho biết: "Trước đây là có chôn theo đồ quý như là đồng. Nhưng của những ông già trước đây thôi. Còn hiện tại từ năm 1990 đến nay là không có đồ quý chôn theo. Bây giờ theo phong tục,  làng quý nhất là cái rìu, cái dựa hoặc là cái chén với lại cái xoong thế thôi. Bà con của làng xem việc moi lại, đào lại mồ mả thế này là rất là mất lòng. Người chết rồi thì để yên không moi lại được".

Khu nhà mả của làng Kuk Kông, xã An Thành, huyện Đắc Pơ cũng là nơi mà kẻ xấu tìm tới đào bới. Từ đầu năm đến nay, cả làng đã có 17 mả bị đào trộm.

Theo thượng tá Đỗ Hùng, Đội trưởng đội công tác 401, trực thuộc Quân Khu 5, công tác tại địa bàn làng Kuk Kông, xã An Thành, huyện Đắc Pơ, cho biết: Nhà mồ của làng Kuk Kông, kẻ xấu  lợi dụng lúc trời mưa với khu vực nhà mồ trước đây bà con không dọn cỏ xung quanh  để mò vaò kiếm cồng chiêng và đồ cổ đã chôn theo người chết.

Đội công tác cũng tham mưu cho cán bộ, dân làng Kuk Kông tổ chức cho bà con phát dọn khu vực nhà mồ, tham mưu cho cán bộ xã chỉ đạo cho các công an viên cũng như cán bộ ở đây tổ chức thành lập các tổ tự quản theo dõi , phòng chống trộm cắp và kiểm tra khu vực nhà mồ. Tránh kẻ xấu lợi dụng sơ hở của bà con, nhất là  lúc bà con đi làm ăn ngoài rẫy để  trộm cắp.

 Việc người dân ở các bản làng chôn theo của cải cho người chết là một tập tục đã có từ lâu đời ở nơi đây. Việc trộm cắp đồ vật tín ngưỡng của người dân đã làm đảo lộn cuộc sống vốn yên bình nơi đây. Qua đây đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp ngăn chặn kịp thời vấn nạn này để bà con yên tâm.

Ngọc Anh

Đọc thêm