Báo động nạn phá rừng trồng keo tại huyện Hiệp Đức

Cây keo lên giá, nhiều hộ dân của huyện Hiệp Đức, Quảng Nam đồng loạt chuyển đổi sang trồng loại cây này. Để có đất trồng keo, người dân không chỉ chặt bỏ các loại cây trên diện tích cũ của mình mà còn ngang nhiên chặt phá và khai thác, lấy gỗ từ rừng cấm  của Nhà nước. 
Cây keo lên giá, nhiều hộ dân của huyện Hiệp Đức, Quảng Nam đồng loạt chuyển đổi sang trồng loại cây này. Để có đất trồng keo, người dân không chỉ chặt bỏ các loại cây trên diện tích cũ của mình mà còn ngang nhiên chặt phá và khai thác, lấy gỗ từ rừng cấm của Nhà nước. 
Lực lượng chức năng kiểm tra số cây gỗ bị chặt phá.
Tại khu vực Nà Chơi, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức nhiều vụ chặt phá rừng trái phép đã bị phát hiện và nhiều diện tích rừng đã bị băm nát.

Trước tình trạng trên, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Hiệp Đức đã được thành lập và tiến hành truy quét các đối tượng khai thác trái phép trên địa bàn.

Tại khu vực rừng tiểu khu 515, Nà Chơi (rừng tiểu khu 515 được quy hoạch vào loại rừng sản xuất, cây có đường kính từ 10 cm trở lên, ước tính trữ lượng gỗ tại đây khoảng hơn 30m3/ha), lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 4,5 ha diện tích rừng tại đây đã bị các đối tượng chặt phá để lấy gỗ.

Đối tượng chặt phá hơn 4,5 ha rừng tại tiểu khu 515 là Nguyễn Vinh (thôn Phú Mỹ, xã Thăng Phước).

Đối tượng này đã từng bị chính quyền địa phương 2 lần nhắc nhở và lập biên bản về tội cố ý xâm nhập vào khu vực rừng 515 khi chưa được sự cho phép của ban quản lý.

Sau 2 lần thâm nhập, điều nghiên địa hình, đối tượng này đã thuê người đốn sạch 4,5 ha rừng tại đây với lý do... lấy đất trồng keo.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Vinh chống chế: “Nhà rất nghèo, không có đất để sản xuất, đã xin đất để sản xuất nhưng chưa được. Tôi vừa vay 15 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện về ươm keo, keo con đã lớn nên mới lấy diện tích này để trồng cho kịp thời vụ”.
Cây bị đốn trơ gốc tại rừng tiểu khu 515.
Hiện trường cho thấy, tất cả diện tích hơn 4,5 ha đã bị chặt phá, nhiều cây gỗ có đường kính lên tới 30cm bị đốn hạ, nằm ngổn ngang.
Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn này, ông Nguyễn Văn Thời, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hiệp Đức, cho biết: “Khi phát hiện có đối tượng khai thác rừng trái phép thì chính quyền xã báo ngay kiểm lâm địa bàn trực tiếp đi kiểm tra để xử lý và khắc phục. Mục đích của chúng tôi là sẽ từ từ giáo dục ý thức cho bà con nơi đây hiểu để hạn chế tình trạng phá rừng và du canh trái phép”.

Trên địa bàn huyện Hiệp Đức, không chỉ riêng khu vực tiểu khu 515, khu vực Nà Chơi, rừng bị chặt phá mà nhiều nơi của địa phương này cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Các đối tượng khi bị phát hiện đều nêu chung một lý do: phá rừng để lấy đất trồng cây keo.

Việc phá rừng để trồng cây nguyên liệu tại huyện Hiệp Đức đang diễn ra hết sức phức tạp, các đối tượng đều manh động theo kiểu khai thác trước, nếu bị phát hiện thì...  xin tha và hầu hết các đối tượng đều thuộc diện khó khăn, ít học thức nên cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý tại đây.

Phú Bình

Đọc thêm