Báo động“cò” chạy trường tiến về nông thôn

 Khi các trường trên cả nước bắt đầu công bố điểm chuẩn cũng là lúc các “cò” chạy trường bắt tay vào tìm “khách hàng”. Năm nay, các “cò” bắt đầu “tiến quân” về các tỉnh và vùng nông thôn để dễ bề làm ăn.

Khi các trường trên cả nước bắt đầu công bố điểm chuẩn cũng là lúc các “cò” chạy trường bắt tay vào tìm “khách hàng”. Năm nay, các “cò” bắt đầu “tiến quân” về các tỉnh và vùng nông thôn để dễ bề làm ăn.

Thí sinh xem điểm thi. Ảnh minh họa

“Cò”... đậu vớt

Khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng công bố điểm chuẩn ngành Kế toán là 16 điểm, thí sinh P.T.P (Lagi, Bình Thuận) và gia đình thất vọng vì P. thiếu đúng nửa điểm. Một người quen đã giới thiệu đến gia đình P. một người tự xưng là Thắng, đến từ Phan Thiết, nhưng “có đường dây “chạy” được rất nhiều trường đại học, trong đó nhiều ban giám hiệu là tay trong”.

“Cò” Thắng tự nhận là bên Tôn Đức thắng thì “hơi khó vì quen không mạnh”, nhưng nếu chịu chi qua bên Đại học Công nghiệp thì chắc ăn, vì bên này thân lắm. “Cò” này cũng cho biết, trước kì thi đã nhận lo cho khá nhiều thí sinh và các thí sinh này đã đậu. Trường hợp của em P. là trường hợp “vớt” vì “không chịu lo trước”, giá mà cò Thắng đưa ra là 5 triệu đồng để “bao đậu” nguyện vọng 2 khoa Kế toán - Đại học Công nghiệp (điểm chuẩn 15,5).

Tương tự, cũng tại Lagi, Bình Thuận, gia đình thí sinh N.L.N.Th., thi vào Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cũng được một “cò” tên Hoàng, đến từ TP.HCM hứa hẹn nếu chịu chung tiền sẽ bảo đảm cho em này đậu khoa Tài chính Ngân hàng của trường mặc dù thí sinh chỉ được 17,5 điểm, thiếu 1 điểm so với điểm chuẩn ngành này. “Cò” Hoàng giải thích cách thức “vớt” là thông qua con đường phúc khảo, “chung chi” cho các thầy cô chấm phúc khảo.

Sau khi điểm chuẩn các trường được công bố, cũng là lúc các “cò” chạy trường dành cho các thí sinh đậu “vớt” bắt đầu tìm kiếm khách hàng. Và đối tượng mà các “cò” này tìm đến nhiều nhất là gia đình các thí sinh thuộc tỉnh hoặc nông thôn, thiếu từ nửa điểm đến 1 điểm so với điểm chuẩn các trường công bố. Con đường “vớt” thí sinh đều được các “cò” vẽ ra khá hứa hẹn: Chấm phúc khảo, nguyện vọng 2 hoặc “nếu nhận được nhiều thí sinh chung tiền, khả năng hạ điểm chuẩn càng cao”!?

Đủ giá cho đủ trường

Không chỉ với các trường có điểm đầu vào trung bình, với các trường đại học nổi tiếng về chất lượng, các “cò” cũng hứa hẹn bảo đảm đậu nếu chịu chung chi. Trong danh sách mà các “cò” đưa ra có cả các trường hoành tráng như Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Bách Khoa TP.HCM (?). Tùy theo chất lượng đào tạo và điểm đầu vào của mỗi trường mà các “cò” đưa ra mức giá khác nhau cho các trường hợp “vớt” thí sinh. Theo giá mà “cò” Thắng cho biết thì với các thí sinh vớt từ nửa điểm đến 1 điểm, giá để đậu vào Đại học Tôn Đức Thắng là 5 triệu, Đại học Kinh tế TPHCM là 10 triệu đồng còn Bách khoa là 15 triệu...

Ngay cả các trường ngành Y cũng không thoát màn tiếp thị của các “cò”. Một “cò” đã tư vấn cho gia đình thí sinh N.H.G. ở Xuân Lộc, Đồng Nai (thí sinh này thiếu khá nhiều điểm so với điểm chuẩn): Đại học Y Dược TP.HCM thì hơi khó, nhưng nếu xét tuyền vào Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì chắc chắn đậu, giá ban đầu là 15 triệu, sau khi có kết quả đậu thì cho thêm “cò” 5 triệu nữa. “Chiêu” này được khá nhiều “cò” áp dụng cho các thí sinh thiếu vài ba điểm so với điểm chuẩn Đại học Y Dược TP.HCM. “Cò” Phú ở TP.HCM còn hứa hẹn với gia đình thí sinh P.V.T. ở Bình Thạnh: “Sắp tới Sở Y tế giao cho Trường Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển thêm sinh viên ngành y tại các tỉnh nên chuyện đầu vào trường này dễ lắm, miễn chung tiền” (!)

Tuy nhiên, chị L.T.P. - một phụ huynh ở Bến Lức, Long An cho biết: “Năm ngoái, khi con tôi biết kết quả thiếu nửa điểm đầu vào một trường công lập ở TP.HCM, một anh tự xưng làm việc tại Sở Giáo dục TP xuống hứa nếu đăng kí sẽ bao đậu, khi nào đậu mới chung 5 triệu. Xót con tôi đồng ý, chị bạn tôi cũng tham gia vì con chị cũng thiếu nửa điểm cho một trường khác. Cuối cùng con tôi vẫn rớt còn con chị bạn đậu, thanh toán cho người kia 5 triệu đồng sau đó chúng tôi tìm hiểu mới biết con chị bạn tôi đậu là do chủ trương chung của trường hạ chuẩn xuống 1 điểm để đủ chỉ tiêu tuyển sinh, còn trường của con tôi thi không có chủ trương đó chứ không phải là nhờ công “cò”...”.

Trường hợp trên không phải là hiếm, và bắt đầu mùa tuyển sinh năm nay, các “cò” vẫn tiếp tục “chiêu” cũ: Hứa hẹn khi vào mới lấy tiền, thực chất nhiều “cò” không hề quen biết hay có được dây mơ rễ má gì với các trường như quảng cáo, mà chỉ đánh vào tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh để trục lợi. Nhiều phụ huynh cũng vì quá mong mỏi con mình đậu vào trường mong muốn mà không nghĩ rằng, ngoài nguyện vọng thứ nhất còn nhiều nguyện vọng 2,3, tham gia các hành vi “chạy” trường là vô tình rơi vào bẫy kẻ lừa đảo và tạo tâm lý xấu cho con mình ngay ngưỡng cửa bước vào đại học.

Các trường hợp “chạy” để đậu “vớt” là bất khả thi?

Trao đổi với PLVN về thông tin “chạy điểm”, đậu “vớt” vào trường, Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Đăng Diệu - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho các trường hợp đậu “vớt”!”.

TS.Diệu cho biết, nhà trường cũng có nghe thông tin từ bên ngoài cho biết nhiều người đã mạo danh trường để “ra giá” chạy trường, nhưng thông tin đó là hoàn toàn sai lệch bởi hệ thống chấm bài của trường thực hiện rất chặt chẽ, điểm chấm xong có sự công khai trước nhà trường.

“Với trường hợp các thí sinh phúc khảo, trường thực hiện theo hệ thống chấm song đôi, có nghĩa là nhà trường mời thêm một trường khác cùng chấm điểm, mà cho đến giờ, việc trường nào tham gia chấm cùng vẫn còn là bí mật. Các năm trước, nếu thí sinh sau khi chấm phúc khảo được tăng từ nửa điếm đến 1 điểm mà từ rớt thành đậu, hai giáo viên chấm trước và hai giáo viên chấm sau sẽ đối chất trước hội đồng nhà trường, nên không thể nói có người ra giá để “vớt” được. Trường cũng không hề có ý định sẽ hạ điểm chuẩn, dù thiếu chỉ tiêu. Về chuyện Sở Y tế TP đề nghị mở rộng tuyển sinh theo địa chỉ, đây là chủ trương của Sở, nếu có làm thì phải xin phép thành phố, và đây là thông tin không chính thức, Y khoa Phạm Ngọc Thạch chưa nhận chỉ đạo nào. Chúng tôi rất bức xúc trước những thông tin nhiễu loạn ngành giáo dục, xúc phạm đến đạo đức nghề giáo như vậy. Mong phụ huynh các thí sinh đừng tin bất cứ lời hứa hẹn nào của những đối tượng trên kẻo “tiền mất tật mang” - ông Diệu nói.

Ngọc Mai  

Đọc thêm