Bao giờ doanh nghiệp FDI mới được công khai thông tin?

(PLO) - Việc tra cứu thông tin các DN FDI hiện nay chưa được phổ biến có thể dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc giám sát hoạt động của những DN này theo luật định.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tính đến nay, sau 6 năm triển khai Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN nằm trong Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh quốc gia đã thiết lập kho dữ liệu có giá trị pháp lý là thông tin gốc về DN trên cơ sở hợp nhất dữ liệu rời rạc từ 63 địa phương trên cả nước.

Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia là Hệ thống thông tin nghiệp vụ chuyên môn về đăng ký DN, bao gồm: Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN; Hệ thống Hạ tầng kỹ thuật và Chương trình ứng dụng đăng ký DN quốc gia.

Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia là trang thông tin điện tử để các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký DN qua mạng điện tử, truy cập thông tin về đăng ký DN để phục vụ cho công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN của cơ quan đăng ký kinh doanh; khai thác và công bố nội dung thông tin đăng ký DN.

Đến hết năm 2010, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN đã thành kho dữ liệu chứa đựng thông tin của hơn 800.000 DN đã đăng ký. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), tính đến hết tháng 9/2016, số lượng truy cập Cổng thông tin đạt 62 triệu lượt.

Đối với đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam, theo thông tin của Cục ĐTNN (Bộ KH&ĐT), tính đến hết tháng 6/2016, Việt Nam có 21.398 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 293 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt khoảng 146 tỷ USD (bằng 49,9% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực). Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (58,26% vốn đăng ký), kinh doanh bất động sản đứng thứ hai (chiếm 18% tổng vốn đăng ký) và các ngành khác. 

Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTNN được Bộ KH&ĐT xây dựng theo Quyết định 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 nhằm chuẩn hóa và tin học hóa các nghiệp vụ quản lý hoạt động FDI đồng thời thiết lập một kho dữ liệu quốc gia về DN, dự án FDI và dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; thiết lập hệ thống thu thập, cập nhật thông tin về hoạt động FDI trên phạm vi toàn quốc.

Như vậy, hiện nay các thông tin về DN vốn Việt Nam (DN vốn Việt Nam, DN có vốn nước ngoài dưới 50% vốn điều lệ) đang được công khai tại Cổng thông tin đăng ký DN Quốc gia (https://dangkykinhdoanh.gov.vn), tuy nhiên Cổng thông tin đăng ký DN Quốc gia này chưa có các DN FDI.

Trong khi các DN FDI đang được chuẩn hóa và tin học hóa tại một hệ thống thông tin khác tại Cục ĐTNN. Với số liệu Việt Nam hiện có 21.398 dự án FDI còn hiệu lực thì số DN FDI ước tính phải trên dưới 18.000 DN nhưng lại không nằm trong Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia. 

Việc các DN FDI không có trong Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia hiện nay dẫn đến nhiều vấn đề hệ lụy: tiếp xúc thông tin, giao dịch với các DN FDI, giám sát hoạt động của các DN FDI thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam. DN có vốn Việt Nam và DN FDI hiện nay có những quy định về quyền và nghĩa vụ khác nhau: đất đai, kinh doanh trong từng ngành nghề,…

Như quy định Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 về thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, đối với DN Việt Nam thu không quá 70% giá trị hợp đồng, DN có vốn ĐTNN thì thu không quá 50% giá trị hợp đồng. Mặt khác, trong quá trình hoạt động, DN có vốn Việt Nam có thể chuyển đổi thành DN FDI hoặc ngược lại. 

Từ thực tế trên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cần nhanh chóng nhằm chuẩn hóa và tin học hóa, công khai các DN FDI tại Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia, đồng thời cần đưa ra các quy trình, quản lý để phân biệt giữa DN có vốn Việt Nam và DN FDI.

Đọc thêm