Hết năm 2016, thu ngân sách tăng 236 lần so với năm 1997
Theo thống kê của UBND tỉnh, đến hết tháng 10/2016, toàn tỉnh đã thu hút được 856 dự án đầu tư, trong đó, có 227 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD; 629 dự án DDI, tổng vốn đăng ký 49,2 nghìn tỷ đồng. Hiện 55% dự án đầu tư đã đi vào hoạt động.
Ngoài đóng góp chủ lực cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương, việc các dự án đầu tư này “ăn nên, làm ra” còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực và hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ, hướng tới xây dựng Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất ô tô – xe máy.
Việc môi trường đầu tư được cải thiện, lãnh đạo tỉnh luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp cũng là tiền đề quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng. Đến đầu tháng 11/2016, toàn tỉnh có 7.394 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 55,9 nghìn tỷ đồng, tăng 981 lần về số lượng doanh nghiệp so với năm 1997. Việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước được thực hiện có hiệu quả. Các thành phần kinh tế có nhiều đổi mới, năng động và ngày càng đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Nhờ môi trường đầu tư được cải thiện, các hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư phát huy được hiệu quả, những năm gần đây, Vĩnh Phúc luôn được coi là điểm sáng của cả nước về công tác thu hút đầu tư. Số lượng dự án và tổng vốn đầu tư của cả dự án FDI và DDI liên tục tăng nhanh qua các năm, từ 8 dự án FDI và 1 dự án DDI năm 1998 đã tăng lên 856 dự án năm 2016, gồm 227 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD và 629 dự án DDI, với số vốn đăng ký 49,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 55 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp quản lý thu ngân sách, thực hiện tốt Luật Thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; kiên quyết xử lý, thu hồi nợ đọng thuế và khai thác các nguồn thu, phấn đấu đạt và vượt dự toán được giao. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, đảm bảo các điều kiện để thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm cho từng giai đoạn.
Nếu như năm 1997, thu ngân sách của Vĩnh Phúc mới đạt 114 tỷ đồng thì đến năm 2002 đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và bắt đầu có đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương. Năm 2009, thu ngân sách tỉnh vượt mốc 10 nghìn tỷ và đến năm 2015 đạt trên 25.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Dự kiến năm 2016 tổng thu ngân sách của tỉnh sẽ đạt trên 27 nghìn tỷ đồng, tăng 236 lần so với năm 1997. So với cả nước, Vĩnh Phúc đứng thứ 8 về tổng thu và đứng thứ 6 về thu nội địa. Trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, thu nội địa chiếm tỷ trọng cao (khoảng trên 80% tổng thu). Các lĩnh vực thu chủ yếu của nền kinh tế tỉnh nhà chiếm tỷ trọng cao và luôn có xu hướng tăng là: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng kinh tế không ngừng tăng
Nếu năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh mới đạt 1.652 tỷ đồng thì đến năm 2010 tăng lên 80.000 tỷ đồng và đạt 125.210 tỷ đồng vào năm 2015. Đáng chú ý, với sự chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã và tích cực tìm kiếm thị trường mới, các doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Theo thống kê của Cục thống kê tỉnh, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Phúc đạt 1.593 tỷ đồng, tăng 113,7 lần so với năm 1997. Riêng 10 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,4 tỷ USD, tăng 12,79% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,39 tỷ USD, tăng 12%; kinh tế tư nhân đạt 49,8 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu đã có sự thay đổi. Nếu trước kia, xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công mỹ nghệ, dệt may thì những năm gần đây, khi ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển thì linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy…đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. 10 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đạt 69,2 triệu USD từ xuất khẩu linh kiện điện tử, điện thoại, chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu; 52,6 triệu USD từ xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng ô tô, xe máy và 28,9 triệu USD từ hàng dệt may.
Bình quân giai đoạn 1997- 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 15%/năm. Trong đó, ngành nông -lâm - thủy sản tăng 5,6%; công nghiệp - xây dựng tăng xấp xỉ 24%; dịch vụ tăng 10%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 18% năm 1997 lên 61% năm 2016; khu vực dịch vụ giảm từ 36% xuống còn 27%. Riêng ngành nông - lâm - thủy sản giảm nhanh, từ 45% năm 1997 xuống còn 10% năm 2016.
Với chủ trương tập trung phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời, triển khai quyết liệt việc chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, 20 năm qua, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài tăng từ 8,5% lên 45%, khu vực ngoài nhà nước giảm từ 70,4% xuống còn 41,5% và khu vực nhà nước giảm từ 21,1% còn 13,5% trong cơ cấu kinh tế.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh cũng liên tục tăng qua các năm; nếu như năm 2017 mới chỉ đạt 2,18 trệu đồng thì đến năm 2016 đã đạt đến con số 72 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Giảm nghèo bền vững sau 20 năm tái lập
Trong 20 năm qua, cùng với những giải pháp tập trung cho phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc luôn xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội là nhiệm vụ cơ bản, cấp bách và lâu dài. Với mục tiêu đó, Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Từ năm 1997 đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của Vĩnh Phúc bình quân mỗi năm giảm 1,72%. Đến tháng 12/2016, ước tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn 3,89%. Nhờ nguồn tín dụng ưu đãi, hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Cuối năm 2011, Vĩnh Phúc cơ bản đã xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo. Nhờ tinh thần trách nhiệm của các cấp các ngành, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, đến nay Vĩnh Phúc đã xây và trao tặng hàng nghìn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Đây vừa là phương tiện giúp người nghèo yên tâm sinh sống, phát triển, vừa là nguồn động viên tinh thần giúp người nghèo phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Có thể khẳng định trong 20 năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả thể hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác giảm nghèo đã trở thành một trong những điểm sáng trong các bức tranh kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thành tựu nổi bật trong cải cách hành chính của tỉnh qua 20 năm tái lập là công tác cải cách thể chế, thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Công tác cải cách hành chính được các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả trên các lĩnh vực như tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính; cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các sở, ban, ngành, địa phương với sự đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đã rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, công dân khi giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.
Đặc biệt từ năm 2014, tỉnh đã thực hiện công bố chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong tỉnh đã thể hiện quyết tâm của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Năm 2015, Vĩnh Phúc đứng thứ 4/63 tỉnh, thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Qua đó khẳng định Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và hướng đến xây dựng một chính quyền vì dân, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Khép lại hành trình 20 năm xây dựng và trưởng thành, trên nền tảng đang có cùng những giải pháp đúng đắn trong từng bước đi, từng giai đoạn, tin tưởng rằng, đích đến “năm 2020 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI” của Vĩnh Phúc đang ở rất gần.