Bao giờ giảng dạy an toàn internet vào chương trình chính khóa trong nhà trường?

(PLO) - Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) đã thực hiện khảo sát “Thực trạng giáo dục an toàn internet trong nhà trường” tại 12 tỉnh, thành với 420 học sinh cho thấy phần lớn các em dưới 12 tuổi đã bắt đầu sử dụng mạng xã hội nhưng lại chưa nhìn nhận được hết các rủi ro... 
Ảnh minh họa

Trẻ không hình dung được rủi ro từ mạng xã hội

Nói về kết quả khảo sát, bà Ngô Minh Trang – Giám đốc Vietnet-ICT nhấn mạnh,  khoảng 67% học sinh THCS bắt đầu sử dụng internet từ rất sớm (3 – 12 tuổi) và 75% đã và đang sử dụng mạng xã hội. “Tuy nhiên, khi cán bộ khảo sát đưa ra rất nhiều rủi ro khi sử dụng mạng xã hội nhưng các em chỉ tích vào phần nhỏ các rủi ro ấy, đó là gặp các bệnh về mắt, lừa đảo mua bán, nghiện game. Chứng tỏ, hiện nay nhiều em vẫn còn đang không nhìn thấy mạng xã hội đem cho mình nhiều rủi ro hơn những gì mình tưởng tượng”, theo bà Ngô Minh Trang.

Có một thực tế, bên cạnh môi trường bảo vệ của gia đình, trẻ em dành phần lớn thời gian ở trường, qua đó nhà trường là một trong những nơi phù hợp nhất cho giáo dục bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thế nhưng, giáo dục về an toàn sử dụng internet hiện nay trong các nhà trường vẫn chưa đưa được vào chương trình học, nếu có thể thì cũng chỉ là triển khai không theo kế hoạch và phần lớn chỉ mang tính giới thiệu.

Nhiều thầy cô đến từ các trường phổ thông của Hà Nội và các tỉnh tham gia tọa đàm “Giảng dạy An toàn Internet trong nhà trường” do Vietnet-ICT vừa tổ chức cho biết, thách thức lớn nhất đối với nhà trường là giáo dục về an toàn sử dụng internet vẫn chưa thuộc phân khối chương trình chính khóa. Điều này dẫn đến các trường thiếu giáo viên và thiếu cơ chế phân bổ tiết học theo kế hoạch bài bản. Vì thế, đa số các trường mới chỉ tổ chức các lớp học đơn lẻ hoặc chỉ giới thiệu những khái niệm cơ bản cho học sinh.

Thực tế cho thấy, cha mẹ, thầy cô giáo và nhà trường không thể ngăn cấm trẻ em tiếp xúc với internet, điều chúng ta cần là giáo dục cho các em biết cách xử lý và đối mặt với các rủi ro để tự bảo vệ mình trong môi trường mạng rộng lớn. Điều này cũng tạo nền tảng kỹ năng để các em phát triển lành mạnh, tự chủ, tự bảo vệ bản thân trong cuộc sống hiện tại.

Theo kết quả khảo sát “Thực trạng giáo dục an toàn internet trong nhà trường” cũng cho thấy học sinh nếu tham gia các lớp học với hoạt động đầy đủ, có nhận thức về an toàn internet tốt hơn các học sinh chỉ được tìm hiểu qua giới thiệu.  

Bà Nguyễn Thị Tươi, giáo viên môn Tin học Trường THCS Mạo Khê II, Quảng Ninh là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả nội dung giảng dạy internet an toàn trong thời gian qua chia sẻ: “Học sinh nhà trường sử dụng internet với nhiều mục đích khác nhau như học tập, giải trí, giao lưu kết bạn. Tuy nhiên, các em chưa định hướng được cách sử dụng internet an toàn.

Nhiều em dành quá nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội, kết bạn tràn lan, tham gia nhiều hội nhóm, diễn đàn thiếu chọn lọc..., từ đó ảnh hưởng đến việc học tập và các mối quan hệ khác. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảng dạy an toàn internet cho học sinh, nhà trường bắt đầu đưa nội dung này vào chương trình môn Tin học từ năm 2017. Nhờ đó, các em hiểu về những tình huống rủi ro trên mạng, rút ra bài học sử dụng internet an toàn và còn tuyên truyền giúp đỡ các bạn khác biết cách dùng internet an toàn hơn”.

Trao đổi, thảo luận thay vì áp đặt

Bàn về phương pháp, cách thức giảng dạy “An toàn trên mạng Internet” trong nhà trường, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) nhấn mạnh đến phương pháp sử dụng ngôn ngữ của trẻ; trao đổi với trẻ thay vì dạy; cho trẻ học qua trải nghiệm...  

Theo Giám đốc MSD: “Trẻ em hiện giờ thích ứng với công nghệ rất nhanh và người lớn có thể còn không theo kịp. Chính vì thế, nói là giảng dạy an toàn trên mạng internet trong nhà trường nhưng thực ra chính là thầy cô và học sinh cùng trao đổi, chia sẻ, thảo luận các phương án hoặc các hành vi tốt nhất để thích ứng và đối phó với những rủi ro tác hại của internet".

Từ góc nhìn của Vietnet-ICT, bà Ngô Minh Trang cũng cho biết: “Từ năm 2016 Vietnet-ICT đã bắt đầu làm việc về chủ đề an toàn sử dụng internet, khởi đầu là cuốn Cẩm nang An toàn sử dụng internet thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố trong dự án “Tăng cường kĩ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” phối hợp với Bộ GD&ĐT và Công ty Microsoft.

Và sau đó là sáng kiến Ngày An toàn sử dụng internet 2017 và 2018, phối hợp với Quỹ SecDev, Canada và nhiều hoạt động liên quan khác. Qua quá trình làm việc với các nhà trường và các em học sinh, chúng tôi nhận thấy đây là nội dung vô cùng quan trọng cần sự quan tâm của nhiều bên liên quan từ nhà trường, giáo viên, đến phụ huynh hay các nhà làm chính sách”. 

Tới đây dự án “Tăng cường kĩ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” sẽ tiếp tục tới với một số trường vì sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng. 

Đọc thêm